Dòng chảy vốn 04/05/2014 14:42

Không 'đếm' đúng số nợ công Việt Nam vì...

"Chúng ta không có chuẩn mực nào để đánh giá là nợ công của Việt Nam đang ở ngưỡng nào, nguy hiểm, không nguy hiểm hay an toàn".

TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã khẳng định như vậy khi trả lời phóng viên VOV.

Theo đó, TS Kiên cho biết việc Việt Nam nợ công bao nhiêu đều được công khai, song con số đã thực sự chuẩn chưa thì lại là chuyện khác.

Mới đây, ngày 10/4 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 477/QĐ-CP về kế hoạch vay, trả nợ công của Chính phủ năm 2014.


Trong đó, kế hoạch nợ là 208.833 tỷ đồng; kế hoạch vay gồm vay trong nước 367.000 tỷ đồng và kế hoạch rút vốn vay nước ngoài là 4.520 triệu USD (tương đương 95.800 tỷ đồng).

 

"Con số trên đã được công bố công khai, tuy nhiên con số của kiểm toán đưa ra khác, có chênh lệch với con số của Bộ Tài chính là do cộng số học hoặc quan điểm sai vì họ không đưa các khoản chi vào nợ công", TS Kiên nói.

 

Tuy nhiên, ông Kiên cũng cho biết: "Hiện nay, chúng ta không có chuẩn mực nào để đánh giá là nợ công của Việt Nam đang ở ngưỡng nào, nguy hiểm, không nguy hiểm hay an toàn. Tất cả điều đó chỉ có tính chất là giả định".

 

Mỗi người Việt Nam đang gánh gần 20 triệu nợ công
Mỗi người Việt Nam đang gánh gần 20 triệu nợ công

 

Nếu nhìn con số thống kê về nợ công, chúng ta thấy trong giai đoạn từ 2007 - 2013, tốc độ tăng trưởng nợ công của Việt Nam tăng gấp đôi so với những năm đổi mới kinh tế trước đó.

 

"Năm 2006, nợ công của Việt Nam chỉ có 27 – 28% GDP thì tại thời điểm này đã lên đến 55%. Chúng ta thấy rằng nó có vấn đề vì khi tốc độ nợ công tăng lên, tốc độ tăng trưởng GDP lại giảm đi. Nhiều chỉ số vĩ mô cũng không đẹp, không tốt như thời kỳ trước là vấn đề cần được quan tâm", TS Kiên khẳng định.

 

Theo TS Vũ Quang Việt, cách tính đúng của nợ công phải bao gồm nợ trong nước và nợ nước ngoài của Chính phủ (cả trung ương, địa phương và DNNN); nợ để chi và nợ bảo lãnh; nợ ngân hàng, nợ qua phát hành giấy nợ như trái phiếu…

 

TS Vũ Quang Việt cũng lưu ý nợ trong nước và ngoài nước của doanh nghiệp nhà nước đã lên đến 50,1% GDP, số nợ này được Chính phủ đứng ra bảo lãnh thì phải cộng vào số nợ quốc gia.


Nếu như vậy thì nợ quốc gia đã lên đến 106% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn 65% GDP được Ngân hàng Thế Giới khuyến nghị.

 

“Như thế, về nguyên tắc, nếu tập đoàn thua lỗ, không có khả năng trả nợ thì Nhà nước sẽ phải dùng tiền thuế của dân để trả thay”, TS. Việt nhận định.

 

Nếu tính theo số liệu cộng dồn của TS. Vũ Quang Việt, thì bình quân mỗi người Việt phải gánh khoảng 1,5 nghìn USD nợ công.

 

TS.Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cũng lo ngại, nếu tính đủ nợ công Việt Nam hiện xấp xỉ 106% GDP, trong khi đó ngưỡng này được đặt ra trong chiến lược phát triển tài chính đến năm 2020.

 

Tuy nhiên giới chuyên môn lo ngại, nếu cách tính nợ công không theo chuẩn sẽ khiến dư luận hoài nghi về con số nợ và quan trọng hơn chúng ta sẽ không ý thức được số nợ đáng ra phải trả sẽ là bao nhiêu để ý thức hơn việc tiết kiệm trong chi tiêu công.

 

Theo Phương Nguyên

Đất Việt

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *