Doanh nghiệp 04/05/2014 13:02

Đơn vị sự nghiệp công lập sẽ hoạt động như DN

Hiện nay, việc cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập chưa có quy định cụ thể nên theo Bộ Tài chính, cần thiết phải ban hành Quyết định thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần nhằm tạo hành lang pháp lý, góp phần đẩy mạnh việc xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhiều đơn vị sự nghiệp công đã tự chủ về tài chính. Ảnh: Internet.

 

Mô hình cổ phần đang phát huy hiệu quả

 

Bộ Tài chính đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm chuyển một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành công ty cổ phần khi cổ phần hóa tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

 

 

Việc cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập chưa có quy định cụ thể nên việc ban hành quyết định thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần là rất cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý, góp phần đẩy mạnh việc xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập, huy động các nguồn lực xã hội, cung cấp sản phẩm dịch vụ có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xã hội.

 
Hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công lập đang hoạt động theo quy định tại Nghị định số 53/2006/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập, Nghị định số 43/2006/NĐ-CP về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30-5-2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

 

Theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập đã được trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức lại bộ máy, sử dụng lao động và nguồn lực tài chính; chi phí lãi vay được tính vào chi phí các hoạt động dịch vụ; được thực hiện trích khấu hao đối với các tài sản cố định theo chế độ áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước; hạch toán kết quả hoạt động tài chính; trích lập các quỹ.

 

Thực tế tại một số đơn vị sự nghiệp công lập đã xuất hiện hình thức cá nhân góp tiền mua máy móc thiết bị đưa vào bệnh viện khai thác, đã thực hiện có hiệu quả thu hồi vốn và có lãi. Nhiều bệnh viện đã mở thêm khoa dịch vụ khám chữa bệnh tự nguyện và thực hiện hạch toán kết quả hoạt động như đối với các bệnh viện tư nhân.

 

Đối với lĩnh vực đào tạo cũng xuất hiện nhiều trường có hình thức đào tạo tự nguyện hoặc hợp tác đào tạo với các tổ chức giáo dục nước ngoài. Thời gian qua số lượng bệnh viện tư nhân và các trường ngoài công lập ngày càng tăng, chứng tỏ mô hình cổ phần đối với các đơn vị sự nghiệp đang phát huy hiệu quả và được xã hội khuyến khích phát triển.

 

Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nguồn nhân lực của các đơn vị sự nghiệp công lập từ trước đến nay chưa được đầu tư đúng mức do ngân sách nhà nước còn hạn hẹp; công tác quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng mang nặng tính bao cấp, chưa chủ động, vì vậy cũng chưa phát huy hết khả năng cung cấp dịch vụ của các đơn vị này. Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao thì nhu cầu của nhân dân về cung cấp các dịch vụ công cũng tăng lên; do vậy, việc đổi mới cơ chế quản lý tài chính, phương thức quản trị của các đơn vị sự nghiệp công lập là thực sự cần thiết.

 

Theo Bộ Tài chính, việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần nhằm phát huy nguồn lực của các thành phần kinh tế trong việc cung cấp dịch vụ công, nâng cao chất lượng dịch vụ cho xã hội, khai thác và sử dụng hiệu quả hơn cơ sở vật chất hiện có; từng bước đổi mới phương thức quản lý tài chính theo cơ chế thị trường, nhằm nâng cao hiệu quả, cơ sở vật chất hiện có của các đơn vị sự nghiệp công lập.

 

Bên cạnh đó, các đơn vị sự nghiệp công lập khi chuyển sang công ty cổ phần được tự chủ về tài chính, vì vậy sẽ phát huy được vai trò của doanh nghiệp, công khai minh bạch hạch toán theo nguyên tắc thị trường; đa dạng hóa sở hữu; huy động vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước để nâng cao năng lực tài chính, đầu tư đổi mới công nghệ. Ngoài ra, còn tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sự nghiệp công lập triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào kinh doanh.

 

Nhiều đơn vị đã tự chủ về tài chính

 

Thực tế khảo sát của Bộ Tài chính về mức độ tự chủ tài chính và tình hình tài sản tại 41 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc 7 tập đoàn và 11 tổng công ty nhà nước trực thuộc các Bộ đã đánh giá các ưu điểm và hạn chế của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

 

Về tự chủ tài chính, có 30 đơn vị tự bù đắp chi phí (không bao gồm Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông thuộc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam nay sẽ chuyển sang Bộ Thông tin và Truyền thông và 2 Tạp chí). Trong đó, có  22 đơn vị có số thu lớn hơn chi, gồm: Cơ sở đào tạo, giáo dục (trường đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp) có 15 đơn vị; các viện có 5 đơn vị; bệnh viện có 2 đơn vị.

 

Có 8 đơn vị có số thu bằng chi, gồm: Cơ sở đào tạo, giáo dục (trường đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp) có 5 đơn vị; các viện có 2 đơn vị; bệnh viện có 1 đơn vị.

 

Có 8 đơn vị không tự bù đắp được chi phí, gồm: Cơ sở đào tạo, giáo dục (trường đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp) có 6 đơn vị; viện có 1 đơn vị; bệnh viện có 1 đơn vị.

 

Qua số liệu khảo sát nêu trên, Bộ Tài chính thấy rằng các đơn vị sự nghiệp công lập tự bù đắp được chi phí là 30 đơn vị có thể thực hiện thí điểm cổ phần hóa.

 

Về tình hình tài sản, có 14 đơn vị có tổng tài sản trên 100 tỷ đồng, trong đó 11 đơn vị có số thu lớn hơn chi. Có 7 đơn vị có tổng tài sản trên 50-100 tỷ đồng, trong đó 4 đơn vị có số thu lớn hơn chi.

 

Có 14 đơn vị có tổng tài sản trên 10-50 tỷ đồng, trong đó 6 đơn vị có số thu lớn hơn chi. Còn lại 3 đơn vị có tổng tài sản dưới 10 tỷ đồng, trong đó 1 đơn vị có số thu lớn hơn chi.

 

Đánh giá các ưu điểm của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Bộ Tài chính cho rằng, các đơn vị này đã gắn kết giữa việc đào tạo với sử dụng lao động, giúp cho các đơn vị sự nghiệp công lập đào tạo theo đúng nhu cầu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chủ động hơn về nguồn nhân lực, tăng cường năng lực hoạt động và tạo ra giá trị tăng thêm so với các doanh nghiệp không có cơ sở đào tạo, nhất là với các lĩnh vực đặc thù.

 

Ngoài ra, các viện nghiên cứu còn thực hiện tư vấn chuyển giao công nghệ, các dịch vụ về thí nghiệm, kiểm định, do đó, việc các đơn vị này trực thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là một thuận lợi. Một số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động thường xuyên sẽ là thuận lợi giúp các đơn vị này phát triển.

 

Theo Minh Anh

Báo Hải quan

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *