Quốc tế 03/04/2014 14:46

Giằng xé

FICA - Cuộc khủng hoảng Ukraine với đỉnh điểm là việc Nga sáp nhập Crimea không chỉ khoét sâu cuộc đối đầu Đông - Tây, mà còn buộc chính giới Mỹ phải suy nghĩ nghiêm túc hơn về chiến lược cân bằng an ninh sau nhiều năm và nhiều lần điều chỉnh.

Khủng hoảng Ukraine khiến Mỹ sẽ phải căng sức nhiều hơn khi đồng thời phải dành sự quan tâm cho cả Đại Tây Dương và châu Á – Thái Bình Dương.



Kể từ khi khủng hoảng Ukraine nổ ra, chính giới và báo giới quốc tế đã nói nhiều về cuộc đối đầu Đông – Tây, ám chỉ sự tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây do Mỹ đứng đầu ở các khu vực thuộc không gian hậu Xô Viết.

Trên thực tế, cuộc tranh giành này không phải bây giờ mới có. Nó đã âm ỉ, thậm chí nhiều lúc bùng phát mạnh, kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh tới nay. Việc Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia tháng 2/2008, Nam Ossetia và Abkhazia tách khỏi Gruzia trở thành các quốc gia độc lập trong cùng năm và giờ đây là cuộc khủng hoảng Ukraine với sự ly khai của Crimea là những minh chứng rõ nhất cho sự đối đầu chưa bao giờ nguội lạnh này.

Nhưng không chỉ khi “có biến”. Ngay cả lúc “thanh nhàn” thì mối quan hệ Đông – Tây cũng chưa bao giờ thực sự “xuôi chèo, mát mái”, cho dù chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nhấn nút “cài đặt lại” quan hệ với Nga ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên. Nguyên nhân chính là vì phương Tây chưa bao giờ từ bỏ kế hoạch “Đông tiến” hòng mở rộng biên giới đến sát nách Nga với trọng tâm là việc thu nạp thêm các nước láng giềng của Nga gia nhập NATO và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa NMD. (Tất nhiên, phương Tây có đưa ra lý do giải thích cho chiến lược này, nhưng vẫn không đủ sức thuyết phục nước Nga).

Bên cạnh cuộc chiến Đông – Tây theo đúng nghĩa của từ này liên quan đến chiến lược “Đông tiến” mà biểu hiện rõ nét nhất là các cuộc khủng hoảng ở những quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng trong không gian hậu Xô Viết, nước Mỹ cũng đang giằng xé trước bài toán cân bằng an ninh trong bối cảnh kinh tế khó khăn và ngân sách hạn hẹp.

Một thực tế không thể phủ nhận là cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu bùng phát năm 2008 đã “quất” đòn đau vào nền kinh tế đầu tàu thế giới cũng như nhiều nền kinh tế khác, đặc biệt ở châu Âu. Trong bối cảnh đó, nước Mỹ buộc phải đưa ra nhiều quyết định cắt giảm chi tiêu, ngay cả trong lĩnh vực quốc phòng. Cụ thể, Lầu Năm Góc phải thu hẹp hầu bao hơn 1.000 tỷ USD trong vòng 10 năm trong khi những điểm nóng cần giải quyết không những không giảm mà còn tăng lên. Chính vì vậy, chính quyền Obama đành phải đưa ra chiến lược xoay trục an ninh từ Đại Tây Dương sang châu Á – Thái Bình Dương nhằm có thể ứng phó với các điểm nóng mới mà không phải tốn thêm nguồn lực. (Về phần mình, châu Âu cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi nhiều quốc gia thành viên, kể cả các nước trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), phải cắt giảm mạnh chi tiêu quốc phòng và thu hẹp một phần hoạt động trong nhiều sự kiện mà đáng lẽ khối này phải đứng trên tuyến đầu).

Theo chiến lược xoay trục này, Mỹ sẽ dồn 60% tiềm lực quân sự cho châu Á – Thái Bình Dương và chỉ để lại 40% ở Đại Tây Dương, một sự điều chỉnh đáng kể so với tỷ lệ 50/50 trước đây. Nhiều đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Âu đã tỏ ra không vui, thậm chí cho rằng họ đang bị chính quyền Obama bỏ rơi để nhường chỗ cho các điểm nóng ở châu Á và Trung Đông. Khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, không ít quốc gia châu Âu cho rằng đây là một cái cớ tốt để kéo sự quan tâm trở lại của nước Mỹ.  

Và mọi việc dường như cũng đã diễn ra theo đúng chiều hướng đó.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) tại Brusssel vốn được nhiều người đánh giá là “sự đáp lễ” đối với thông điệp đặc biệt của Tổng thống Vladimir Putin sau khi Nga chính thức sáp nhập Crimea, Tổng thống Obama đã khéo léo xác nhận lại rằng Mỹ vẫn đặc biệt coi trọng quan hệ liên minh xuyên Đại Tây Dương và rất quan tâm đến việc bảo vệ vành đai phía Đông châu Âu để đối phó với các ảnh hưởng của Nga.

Ông chủ Nhà Trắng cũng không quên khích lệ sự can dự tich cực của EU trong cuộc đối đầu với Nga khi khẳng định rằng liên minh này có đủ sức mạnh kinh tế và chính trị để trở thành một nhân tố tham gia cuộc chơi toàn cầu, đồng thời nhân cơ hội này “làm lành” luôn với châu Âu sau vụ bê bối nghe lén của tình báo Mỹ.

Không chỉ dừng lại ở tuyên bố, trong động thái mới nhất nhằm trấn an các đồng minh châu Âu và thể hiện sự ủng hộ tượng trưng đối với các thành viên NATO nằm sát biên giới với Nga, Lầu Năm Góc đã cử 18 máy bay chiến đấu tuần tra không phận Ba Lan và 3 nước Baltic (gồm Estonia, Latvia và Litva). Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Washington sẽ khó lòng có thêm những hành động tương tự. Những cam kết của Mỹ về việc tăng cường khả năng phòng thủ ở Đông Âu, vì thế, cũng sẽ chưa thể thực thi trong “một sớm, một chiều”.

Tất nhiên, sau 5 năm buông lơi, việc Mỹ dành sự quan tâm trở lại nhiều hơn cho châu Âu là một sự thay đổi quan trọng trong quan hệ hai bờ Đại Tây Dương. Nhưng quay lại thế nào và ở cấp độ ra sao lại là một bài toán khác.

Khi nguồn lực quân sự có hạn, cách khôn ngoan nhất đối với Mỹ hiện nay là làm sao có thể kiềm chế sức mạnh của Nga mà không cần bổ sung thêm các tiềm lực quân sự mới. Điều này có thể đạt được bằng cách khuyến khích NATO thay đổi một vài sách lược ở châu Âu. Đơn cử như NATO có thể điều chuyển các căn cứ và binh sĩ đồn trú ở Tây Âu sang Trung Âu và Đông Âu, một kế hoạch đơn giản, nhanh chóng, không tốn kém mà vẫn đủ lực ghìm chân Nga trong nhiều năm.

Việc điều chuyển này không chỉ làm tăng thêm vai trò của NATO mà còn giúp Mỹ giữ nguyên cơ cấu an ninh chiến lược hiện nay, qua đó đảm bảo cho quân đội Mỹ không bị dàn lực quá mỏng trên cả hai mặt trận lớn. Nó cũng khiến Washington giảm bớt nỗi lo nếu như phải cùng lúc căng mình đối phó với cả Trung Quốc và Nga trên hai mặt trận, đặc biệt là viễn cảnh phải đương đầu với sự “cộng sinh sức mạnh” của Nga và Trung Quốc một khi Mátxcơva và Bắc Kinh quyết định bắt tay.

Việc Nga mới đây đã đồng ý bán hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 cho Trung Quốc, đồng thời sẵn sàng bán dầu giá rẻ cho Bắc Kinh là những biến số mà Washington không thể không tính đến trong bài toán cân bằng chiến lược hiện nay, nhất là trong bối cảnh những căng thẳng ở châu Á – Thái Bình Dương chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và cuộc đối đầu Đông – Tây sẽ còn tiếp diễn chừng nào phương Tây chưa từ bỏ ý định xâm phạm các lợi ích cốt lõi của Nga.

Đức Vũ

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *