Dòng chảy vốn 07/02/2014 07:38

Hà Nội quyết thu phí Đại lộ Thăng Long

UBND TP Hà Nội vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thu phí sử dụng đường bộ tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long.

Theo văn bản số 687/UBND - KT do Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Văn Khôi ký, Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép thu phí sử dụng đường bộ trên đại lộ Thăng Long (phần đường cao tốc).

Lý do dẫn tới việc Hà Nội phải xin thu phí là để hoàn vốn đầu tư Đại lộ Thăng Long cho Ngân sách thành phố (khoảng 5.687 tỷ đồng); tạo nguồn thu thực hiện công tác quản lý, duy tu, duy trì cơ sở hạ tầng như hệ thống chiếu sáng, cây xanh, công tác đảm bảo an toàn giao thông, vận hành hệ thống giao thông thông minh...

Nếu được Thủ tướng chấp thuận, việc thu phí Đại lộ Thăng Long sẽ được tiến hành sau khi Hà Nội hoàn thành dự án đầu tư hệ thống thu phí bằng nguồn ngân sách thành phố với phương thức thu phí là thu phí khép kín, phí được trả theo loại xe và chặng đường đã đi.

Theo UBND Tp. Hà Nội, tuyến đường Đại lộ Thăng Long là tuyến đường cao tốc Hiện đại, cho phép các phương tiện chạy với tốc độ cao. Trong khi đó, Hà Nội gặp khó khăn trong việc hoàn vốn đầu tư cho Dự án cũng như bố trí vốn quản lý, duy trì tuyến đường.

"Việc thu phí trên đường cao tốc là nhằm thu phí dịch vụ đối với những đối tượng tham gia giao thông muốn có dịch vụ chất lượng cao (tăng tốc độ chạy xe, rút ngắn thời gian lưu thông, cung cấp đầy đủ các thông tin về tình trạng giao thông trên tuyến cho người lái xe). Trường hợp người tham gia giao thông không sử dụng đường cao tốc có thể đi vào đường gom", ông Khôi cho biết.

Tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long được đưa vào khai thác từ tháng 10/2010. Đây là đại lộ dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, có chiều dài 29,264 km, điểm đầu là Km1+800 (giao cắt giữa vành đai 3 Hà Nội với đường Láng - Hoà Lạc tại nút giao Trung Hòa) và điểm cuối là nút giao Hoà Lạc Km31+064 (giao cắt với QL21 – đường Hồ Chí Minh). Chiều rộng tuyến đường là 140m bao gồm: 2 dải đường cao tốc riêng biệt quy mô 6 làn xe (rộng 16,25m); 2 dải đường đô thị 2 làn xe cơ giới rộng 10,5m; dải phân cách giữa 2 đường cao tốc rộng 20m; 2 dải đất dự trữ giữa hai dải đường đô thị. Ngoài ra còn dải trồng cây xanh và vỉa hè.

Trên tuyến đường có 51 cầu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực vượt sông, vượt nút giao. Toàn tuyến có 3 nút giao liên thông hoàn chỉnh và không hoàn chỉnh. Tuyến đường được thiết kế với tải trọng H30 và XH80, đạt tiêu chuẩn đường cao tốc đô thị. Tổng mức đầu tư dự án là 7.527 tỷ đồng, trong đó: nguồn vốn ngân sách trung ương: 1.840 tỷ đồng và nguồn vốn của thành phố Hà Nội là 5.687 tỷ đồng.

Theo Anh Minh

Đầu tư

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *