Dòng chảy vốn 23/04/2015 09:10

Giấc mơ ô tô Việt Nam dang dở: Điều Indonesia làm được

Việt Nam đang ở ngã ba đường: tiếp tục tập trung công sức và vốn trong ngành ô tô hay chuyển sang những lĩnh vực công nghiệp khác?

TS Khương Quang Đồng, người có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành ô tô, nghiên cứu xe sạch và năng lượng mới tại Pháp và Nhật, trao đổi với Đất Việt về công nghiệp ô tô Việt Nam trong ASEAN.

 

PV: - Trong khi ngành sản xuất ô tô Thái Lan đang bị thoái trào thì Indonesia được dự đoán sẽ soán ngôi của Thái Lan để trở thành trung tâm công nghiệp ô tô lớn nhất Đông Nam Á trong thời gian tới. Ông có tin vào khả năng về trước của Indonesia khi quốc gia này phát triển công nghiệp ô tô sau Thái Lan (từ năm 1995)?

 

Tại sao Indonesia có thể làm được vậy khi sắp đến thời điểm thuế suất hầu hết các mặt hàng trong khối ASEAN sẽ được đưa về 0% vào năm 2018?

 

TS Khương Quang Đồng: - Năm 2014, thị trường ô tô Indonesia đã trở thành thị trường lớn nhất ASEAN với 1,3 triệu xe, tăng 7,5% so với năm 2013 trong khi thị trường Thái Lan sụt 33% chỉ còn 0,9 triệu. Về sản xuất, so với năm 2013, Thái Lan đã giảm 23%, Indonesia tăng 8,7% làm thu hẹp lại khoảng cách giữa hai quốc gia này, 1,8 triệu so với 1,3 triệu. Theo tôi, với đà này mục tiêu qua mặt Thái Lan của công nghiệp ô tô Indonesia rất khả thi trong vài năm tới.

 

 Indonesia được dự đoán sẽ soán ngôi của Thái Lan để trở thành trung tâm công nghiệp ô tô lớn nhất Đông Nam Á
Indonesia được dự đoán sẽ soán ngôi của Thái Lan để trở thành trung tâm công nghiệp ô tô lớn nhất Đông Nam Á
 

Sự phát triển nhanh của công nghiệp ô tô Indonesia dựa trên hai yếu tố thuận lợi: tình hình kinh tế chính trị ASEAN và một kế hoạch thu hút đầu tư mạnh của các tập đoàn ô tô thế giới.

 

Thứ nhất là sự năng động của kinh tế vùng ASEAN. Với dân số khoảng 650 triệu người (trong đó Indonesia có dân số đông nhất với 250 triệu người), còn rất thiếu phương tiện giao thông, ASEAN có tiềm năng phát triển thị trường ô tô rất mạnh, thu hút đầu tư của các ngành công nghiệp ô tô thế giới. Nhật muốn củng cố vai trò thống trị thị trường ASEAN với 80% tổng sản lượng xe bán và sản xuất ra, còn các công ty Tây phương và Hàn Quốc cũng muốn có phần trong chiếc bánh càng ngày càng lớn.

 

Thứ hai, tình hình chính trị bất ổn của Thái Lan đã làm các nhà đầu tư lo ngại, cụ thể là một số dự án của Nhật và Tây phương đang hướng về Indonesia.

 

Và cuối cùng, năm 2014 các nhà lãnh đạo Indonesia đã nhạy bén nắm thời cơ đưa ra một kế hoạch phát triển công nghiệp ô tô dựa trên hai trục chính với mục tiêu thu hút đầu tư vốn và công nghệ của các tập đoàn quốc tế:

 

- Tăng thị trường ô tô để hỗ trợ công nghiệp (và muốn qua mặt Thái Lan để gây sự chú ý thế giới).

 

- Giữ giá lao động rẻ hơn Thái Lan nhưng tăng kỹ năng để tăng chất lượng sản phẩm và năng lượng sản xuất. Điều tra của viện IHS Automotive cho thấy, chất lượng sản phẩm của Indonesia đã tiến tới trình độ Thái Lan.

 

Theo nhận định các báo chí Tây phương và cũng theo ý kiến riêng của tôi, Indonesia sẽ trở thành trọng tâm của công nghiệp ô tô ASEAN.

 

PV: - Cùng thời điểm xuất phát với Indonesia, Việt Nam cũng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô, nhưng đến nay chưa đâu vào đâu, thậm chí nhiều chuyên gia còn cảnh báo ngành lắp ráp ô tô Việt Nam sẽ không chống đỡ nổi với thị trường ô tô nhập khẩu, hay đúng hơn chỉ có nước chết. Phải lý giải điều này như thế nào? Lỗi nằm ở khâu nào khiến Việt Nam đến nay vẫn chỉ đóng vai trò người gia công, giá trị gia tăng tạo ra là không đáng kể?

 

TS Khương Quang Đồng: - Để đi đến tình trạng ngày nay, chắc chắn chúng ta đã có nhiều sai lầm trong các chính sách và kế hoạch phát triển. Nhưng trước khi tìm hiểu sâu hơn, tôi nghĩ phát triển công nghiệp ô tô trong những điều kiện của Việt Nam ở thời điểm những năm 1990 quả thật là rất khó, nói một cách bình dân hơn, khúc xương quá to nên khó nuốt.

 

Ở thập niên 1990, thị trường ô tô gần như chưa có, hạ tầng cơ sở giao thông rất sơ sài, đội ngũ khoa học kỹ thuật và ngay cả những vị lãnh đạo ngành cũng không có nhiều kinh nghiệm đối đầu với các tập đoàn ô tô thế giới đầy kinh nghiệm và mưu mẹo để kiếm lời. Đó là những khó khăn khách quan.

 

Còn về kế hoạch phát triển, chúng ta đã không tôn trọng một số nguyên tắc căn bản của ngành ô tô. Thứ nhất là cơ sở sản xuất phải lớn và tập trung để giảm giá thành và tăng chất lượng của sản phẩm, với thị trường khoảng 100.000 xe, chúng ta có tới 17 cơ sở lắp ráp phân tán trên khắp ba niền Bắc Nam Trung.

 

Thứ hai là Việt Nam không phát triển thị trường nội địa để hỗ trợ cho công nghiệp, gây tin tưởng cho các tập đoàn đầu tư công nghệ. Điều này có thể thấy qua chính sách thuế, chế độ bảo hộ các doanh nghiệp,….

 

Tôi tiếc rằng Việt Nam đã không có một (và chỉ một thôi) đối tác chiến lược hợp tác trên cơ sơ đôi bên đều có lợi, với những ưu đãi đặc biệt nhưng cũng có những trách nhiệm nhất định của đôi bên.

 

PV: - Đã đến lúc thừa nhận thất bại của ngành ô tô Việt Nam chưa?  Bài học rút ra từ sự thất bại này là gì và chúng ta phải bắt đầu lại từ đâu?

 

TS Khương Quang Đồng: - Nếu các doanh nghiệp FDI như Toyota, Ford,…đóng cửa, chúng ta sẽ có nhiều khó khăn với hàng ngàn nhân công thất nghiệp, đây là một hồ sơ nóng mà chính phủ cần phải giải quyết tốt.

 

Nhưng dưới góc nhìn khác, công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ thoát khỏi thế kẹt hay vòng luẩn quẩn hiện tại. Chúng ta đang ở ngã ba đường: tiếp tục tập trung công sức và vốn trong ngành ô tô hay chuyển sang những lĩnh vực công nghiệp khác như công nghiệp chế biến nông - thủy sản? Đằng sau sự lựa chọn này là chúng ta lựa chọn hướng phát triển của xã hội!

 

Công nghiệp ô tô có sức lan tỏa rất mạnh, có thể là đầu tầu kéo cả công nghiệp quốc gia, đi theo hướng này, Việt Nam sẽ phát triển các công nghiệp vật liệu, cơ khí, giao thông,…

 

Rút kinh nghiệm của giai đoạn vừa qua, kế hoạch phát triển công nghiệp ôtô cần phải tuân theo một số lô-gíc căn bản của ngành này:

 

Thứ nhất, phát triển công nghiệp phải đi đôi với phát triển thị trường vì thị trường nội địa ôtô là lực kéo mạnh nhất.

 

Thứ hai, chuyển giao công nghệ là phương tiện chính để phát triển, do đó chọn một đối tác chiến lược làm việc trên tinh thần đôi bên cùng có lợi như Volkswagen với Trung Quốc ở thập niên 1980.

 

Thứ ba, phát triển tập trung để dễ phát triển công nghiệp hỗ trợ và tối ưu việc sử dụng nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật và logistic,…

 

Cuối cùng là tận dụng những cơ hội mà Hiệp định TPP có thể tạo điều kiện để phát triển công nghiệp phụ tùng.

 

Theo Thành Luân

Đất Việt

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *