Đầu tư 13/10/2017 08:30

Sản xuất điện thoại di động và linh kiện tăng trưởng cao nhất 9 tháng đầu năm

Vừa qua, Bộ Công Thương đã thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2017. Trong đó nổi bật là xuất khẩu của nhóm hàng điện thoại di động và linh kiện; máy vi tính và linh kiện điện tử tăng trưởng cao khiến cho sản xuất tăng cao 25,1%.

Cũng theo báo cáo, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành (IIP) 9 tháng tiếp tục xu hướng tăng trưởng khá, tháng sau cao hơn tháng trước, đặc biệt là sự tăng trưởng vượt bậc trong 9 tháng: 9T/2017 tăng 7,9%; 8T/2017 tăng 6,7%; 7T/2017 tăng 6,5%… Chỉ số IIP tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước 0,5%, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP.

Tăng trưởng toàn ngành nhờ chế biến, chế tạo

Nhóm ngành khai khoáng đang suy giảm, thì sản xuất công nghiệp của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lại là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP 9 tháng năm 2017 của nhóm này tăng 12,8% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,4%).

Đặc biệt, sự tăng trưởng của nhóm hàng dệt may, da giày rất đáng chú ý, 9 tháng năm 2017 tăng so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, sản lượng vải các loại tăng khoảng trên 15%; sản lượng quần áo các loại tăng khoảng 9%. 

Về xuất khẩu, ước tính kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 19,26 triệu USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Ngành da giày không tăng trưởng vượt bậc nhưng cũng có mức tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng sản xuất giày dép da ước đạt 197 triệu đôi, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2016. Về xuất khẩu, ước đạt 10,6 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Ở nhóm hàng điện tử, máy vi tính và thiết bị điện, do nhu cầu tiêu thụ nội địa đã bước vào giai đoạn bão hòa nên chỉ số sản xuất ngành thiết bị điện chỉ tăng 7,8%. Thế nhưng, xuất khẩu của nhóm hàng điện thoại di động và linh kiện; máy vi tính và linh kiện điện tử tăng trưởng cao khiến cho sản xuất tăng cao 25,1%.

Đây là mức tăng trưởng gần như cao nhất trong các nhóm ngành sản xuất công nghiệp, nhưng phần lớn nó lại đến từ các tập đoàn nước ngoài có nhà máy tại Việt Nam.

iphone-assemble-1-1482983450158
 

Ngành thép thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành còn hạn chế. Tuy nhiên, sản xuất của ngành vẫn đạt mức tăng trưởng khá, một số sản phẩm như sắt thép thô; thép cán; thép thanh, thép góc có mức tăng trưởng khá cao, tăng khoảng 11%-28% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm chính của ngành hiện đang có đà tăng trưởng tốt như sắt thép thô, thép cán, thép thanh, thép góc...

Khai khoáng trên đà suy giảm

Ở nhóm ngành khai khoáng, sản xuất ngành khai khoáng còn gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng tiếp tục suy giảm so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất của ngành khai khoáng trong 9 tháng giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ giảm 4,1%).

Cụ thể, đối với sản xuất than đá, sản lượng than khai thác tăng trưởng thấp, 9 tháng 2017 sản lượng than sạch ước đạt 28,6 triệu tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2016, bằng 71,3% kế hoạch năm. Trong đó, sản lượng than sạch của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản là 25,14 triệu tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

khaithacthan2-1500564930719
 

Sản lượng than sạch tăng trưởng thấp chủ yếu do nhu cầu than cho điện và xi măng giảm mạnh. Dự kiến sản lượng khai thác than của toàn ngành cả năm 2017 đạt 39 triệu tấn.

Đối với dầu thô và khí, sản lượng khai thác dầu thô trong nước tháng 9 đạt 1,06 triệu tấn, vượt 1,4% kế hoạch tháng, tính chung 9 tháng đầu năm ước đạt 10,24 triệu tấn, vượt 3,0% so với kế hoạch giao bổ sung 9 tháng và vượt 10,0% so với kế hoạch Chính phủ giao đầu năm. Khai thác dầu thô trong và ngoài nước ước đạt 11,7 triệu tấn, giảm 10,3% so với cùng kỳ.

Thế Hưng

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *