Dòng chảy vốn 02/04/2014 09:18

Dự án điện khí 20 tỷ USD: Cẩn trọng đón cơ hội

Không được thu hút đầu tư bằng mọi giá. Phải đàm phán để cân bằng điều kiện và lợi ích của 2 bên. Dự án cần phải có giá trị gia tăng, có lợi cho Việt Nam thì mới làm.

Thông tin Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) đầu tư vào dự án điện khí lên tới 20 tỷ USD được kỳ vọng sẽ tạo nên làn gió mới cho thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) nói chung và cho ngành năng lượng. Cho rằng không nên bỏ lỡ dự án này, song theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cần tránh tâm lý thu hút đầu tư bằng mọi giá để dự án tỷ đô mang lại lợi ích thiết thực cho Việt Nam.

 

Ông có bình luận gì về thông tin Exxon Mobil dự định đầu tư một cụm điện khí 20 tỷ USD tại Việt Nam?

 

Exxon Mobil là DN rất lớn về dầu khí của Mỹ, cũng là công ty hàng đầu thế giới với doanh thu 120 tỷ USD/năm. Một DN lớn như vậy vào Việt Nam là tín hiệu đáng mừng, vì họ nhìn nhận được rằng môi trường đầu tư của Việt Nam đã có sự cải thiện.

 

Thêm nữa, dự án điện khí này có thể sẽ bù đắp rất lớn cho việc thiếu năng lượng của Việt Nam. Hiện ta đang thiếu than, thuỷ điện khai thác nữa cũng rất khó. Năng lượng tái tạo như điện gió hay điện mặt trời dù là xu thế của tương lai song cũng rất khó trong đầu tư.

 

Mới đây, chúng tôi đưa DN Hàn Quốc vào nghiên cứu khai thác cơ hội đầu tư vào điện mặt trời tại Bình Thuận, hay dự án điện gió ở Ninh Thuận, nhưng không thành công vì yêu cầu về diện tích đất lớn, suất đầu tư và giá thành cao trong khi giá điện hiện nay vẫn còn thấp.

 


Các dự án điện khí khi được đầu tư vào Việt Nam sẽ giúp cân bằng cán cân năng lượng

 

Nên khi dự án điện khí này được đầu tư vào Việt Nam sẽ giúp cân bằng cán cân năng lượng. Thậm chí, nếu được thực hiện với tiến độ nhanh, Việt Nam có thể xuất khẩu năng lượng. Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và yêu cầu cấp bách về năng lượng, sẽ rất có ý nghĩa nếu dự án này được triển khai và thực hiện thành công.

 

Còn với hoạt động thu hút FDI, liệu dự án này có thể mang đến sự thay đổi nào không?

 

Thu hút FDI 3 tháng đầu năm đang giảm cả về số dự án và vốn đăng ký. Mặc dù kết quả thu hút FDI của một quý đầu năm không thể nói lên xu hướng của cả năm. Chỉ cần một vài dự án tỷ đô như Exxon Mobil nếu chính thức được đầu tư thì sẽ làm thay đổi hoàn toàn cục diện đó. Vì vậy, hoạt động thu hút FDI của Việt Nam vẫn có thể kỳ vọng nhiều hơn ở những dự án lớn như vậy.

 

Thêm một điều đáng chú ý, nhà đầu tư này từ Mỹ, quốc gia có đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất thế giới, nhưng tại Việt Nam số các nhà đầu tư Mỹ lại rất thấp so với tiềm năng. Đây cũng là một trong 4 đối tác trọng điểm mà chúng ta có chiến lược thu hút đầu tư, cùng với EU, Nhật Bản, Hàn Quốc là những nước có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, hiệu quả đầu tư cao.

 

Thực tế hiện nay cho thấy, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có lượng đầu tư khá nhiều vào Việt Nam với xu hướng ngày càng tăng lên, song lượng đầu tư của Mỹ hay EU còn khá khiêm tốn, do họ đang còn băn khoăn về môi trường đầu tư, với các vấn đề như tính minh bạch, sở hữu trí tuệ, DNNN…

 

Do đó, nếu dự án Exxon Mobil được hiện thực hoá tại Việt Nam sẽ không chỉ giúp cho các nhà đầu tư của Mỹ hay EU thay đổi cái nhìn về môi trường đầu tư nước ta, nơi đang tạo ra nhiều cải thiện tích cực và dần đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư.

 

Việc dự án này có trị giá khá lớn, có thể lên đến 20 tỷ USD cũng sẽ là thông tin tích cực để khuyến khích các nhà đầu tư đưa các dự án lớn vào Việt Nam, từ đó giúp cho Việt Nam được hưởng những lợi ích lớn từ việc lan toả công nghệ, kết nối DN, thị trường và đào tạo nhân lực chất lượng cao…

 

Theo ông phía Việt Nam cần tiếp nhận cơ hội này như thế nào để đảm bảo dự án đầu tư có tính hiệu quả thiết thực cho chúng ta?

 

Trong điều kiện chuyển dịch FDI đang diễn ra rất mạnh mẽ này, chúng ta không nên bỏ lỡ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý về chủ trương thu hút đầu tư của Việt Nam hiện nay là không được thu hút đầu tư bằng mọi giá. Vì vậy, vấn đề là phải đàm phán để cân bằng  điều kiện và lợi ích của 2 bên. Dự án cần phải có giá trị gia tăng, có lợi cho Việt Nam thì mới làm.

 

Những vấn đề như sử dụng lao động, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ… cần được đàm phán kỹ lưỡng. Các chính sách ưu đãi thuế, đất, thủ tục hành chính… cũng cần được đưa ra. Kinh nghiệm cho thấy, với những dự án lớn cần có tổ chuyên viên riêng, có bộ phận riêng để theo dõi, cập nhật thông tin, đưa ra chính sách hợp lý để đạt hiệu quả cao.

 

Dự kiến, dự án của Exxon Mobil cần diện tích mặt bằng rộng 300 ha: giai đoạn đầu phát triển trên diện tích 100 ha với nhà máy điện công suất 1.500 MW; giai đoạn 2 lên tới 4.000 - 5.000 MW.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, nếu so sánh với một số nhà máy thuỷ điện lớn của Việt Nam như Hoà Bình (công suất 1.920 MW), Vũng Áng (đang xây dựng tổng 2 giai đoạn là 1.200 MW), hay cả cụm nhiệt điện lớn nhất hiện nay tại Quảng Ninh (5.100 MW), con số công suất 4.000 – 5.000 MW của dự án điện khí Exxon Mobil là cực lớn, với tổng số vốn 20 tỷ USD có thể coi là “siêu” dự án.

Theo Hà Sơn

Thời báo ngân hàng

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *