Doanh nghiệp 04/04/2014 13:56

Dư nợ cho vay của Sacombank với Southern Bank bằng 0

FICA - Đây là thông tin được lãnh đạo Sacombank đưa ra trong văn bản phản hồi ý kiển cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 25/3/2014.

Nhiều ý kiến phản đối nhưng tỷ lệ ủng hộ việc nhận sáp nhập Southern Bank trong năm 2014 đại diện cho hơn 97% cổ phiếu có quyền biểu quyết

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2014 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã STB), cổ đông liên tục chất vấn Ban Chủ tọa về chủ trương nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank). Hàng loạt câu hỏi được cổ đông đưa ra liên quan tới vấn đề này như lý do nhận sáp nhập và tình hình của Sacombank sau nhận sáp nhập.

Ngoài ra, cổ đông cũng đưa ra các lý lẽ phản đối chủ trương này của Hội đồng quản trị Sacombank như việc nhận sáp nhập Sacombank thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có lợi, Southern Bank có lợi, nhưng Sacombank không có nhiều lợi vì chỗ nào có Southern Bank thì đã có Sacombankk lớn mạnh. Đồng thời, cổ đông cho rằng việc không sáp nhập thì tốt hơn vì Sacombank sẽ không phải kéo theo 1 ngân hàng nhỏ, lợi nhuận thấp và nợ xấu cao.

Chính vì sự tranh luận này mà nhiều câu hỏi của cổ đông liên quan tới các vấn đề khác chưa chưa được Ban Chủ tọa trả lời. Vì vậy, Ban Chủ tọa của Sacombank đã có văn bản phản hồi ý kiến cổ đông.

Liên quan tới quan hệ tín dụng với Southern Bank, Sacombank cho biết hoạt động giao dịch tiền gửi/ tiền vay liên ngân hàng tín chấp giữa Sacombank với các tổ chức tín dụng khác là hoạt động giao dịch bình thường nhằm hỗ trợ ổn định cân đối thanh khoản trong hệ thống ngân hàng phù hợp với các quy định của NHNN.

Theo đó, giao dịch phát sinh đối với Southen Bank cũng nằm trong loại hình hoạt động này. Tính đến ngày 31/12/2013, dư nợ cho vay đối với Southern Bank bằng 0.

Tính tới cuối năm 2013, tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác của Sacombank là 7.484 tỷ đồng.

Trả lời lý do Công ty vàng bạc đá quý Sacombank-SBJ báo lỗ hợp nhất gần 60 tỷ đồng, Sacombank cho biết, hoạt động kinh doanh vàng trong những năm gần đây chịu ảnh hưởng bởi các quy định của NHNN, đặc biệt là qui định về đóng cửa sàn vàng và ngưng kinh doanh vàng miếng là các lĩnh vực mà trước đây Sacombank – SBJ đã đầu tư lớn về máy móc thiết bị và hệ thống công nghệ thông tin.

Mặt khác, tình hình khó khăn chung của nền kinh tế làm cho doanh số kinh doanh trang sức bị giảm sút. Ngoài ra, do SBJ tập trung vào công tác tái cấu trúc, thanh lý các tài sản không còn sử dụng, giảm các khoản đầu tư, thu hẹp hoạt động nên kết quả kinh doanh đạt thấp.

Năm 2013, SBJ (hợp nhất) lỗ 59,6 tỷ đồng, lỗ theo báo cáo riêng là 43,4 tỷ đồng. Trong đó, lỗ do trích lập dư phòng tổn thất đầu tư vào 2 công ty con: 16,1 tỷ đồng; Lỗ do thanh lý dứt điểm khoản đầu tư tài vào công ty Sơn Tín (STE) 15 tỷ đồng và lỗ từ hoạt động kinh doanh 12,3 tỷ đồng (trong đó chi phí khấu hao tài sản cố định và phân bổ CCDC: 3,8 tỷ đồng)

Do lường trước được những khó khăn nên Công ty đã chủ động thực hiện công tác tái cấu trúc hoạt động, cũng như tiết giảm chi phí hoạt động tối đa. Vì vậy, chi phí hoạt động cuối năm giảm 45% so với đầu năm (trong đó chi phí lương giảm 34%, chi phí hoạt động và quản lý công vụ giảm 45%, chi tài sản giảm 64%).

Trong năm tới, Sacombank-SBJ tiếp tục tập trung cho công tác tái cấu trúc, xác định mục tiêu kinh doanh trọng yếu, chú trọng công tác quản trị chi phí hiệu quả, đảm bảo thu nhập đủ bù đắp chi phí.

Lam Thanh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *