Dòng chảy vốn 16/02/2014 17:30

"Ngày tươi đẹp nhất của Việt Nam vẫn còn đang ở phía trước!"

FICA - Bài viết mới trên Bloomberg cho rằng, kinh tế Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu tăng trưởng, là động lực thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài và Việt Kiều trở về nước làm ăn.

Khi Phạm Văn Khoa trở lại Việt Nam vào năm 2011, 34 năm sau khi rời Việt Nam, các luật sư đã cảnh báo tới việc giữ lương bằng tiền đồng. Thời điểm đó, tiền đồng vừa bị mất giá 7% và lạm phát tăng vọt tới 20%.

Ba năm trôi qua, với mức tăng giá tiêu dùng ở khoảng 5%, Phạm Văn Khoa, khi này đã 48 tuổi, đã tiết kiệm được một khoản kha khá tiền đồng và đang tìm hướng đầu tư vào thị trường chứng khoán trong nước - đã tăng tới 14% trong năm qua. Ông Khoa cho rằng, Việt Nam đã sẵn sàng gia nhập hàng ngũ những con hổ Đông Nam Á.

"Tôi lạc quan và đặt cược vào Việt Nam", ông nói từ văn phòng của mình tại Microsoft chi nhánh TPHCM. "Có thể nói nền kinh tế đang trên đà đi lên".

Việt Nam đã nhận được khoảng 11 tỷ USD kiều hối trong năm ngoài trong khi đó khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giúp kim ngạch xuất khẩu tăng lên. Chính phủ cũng dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm vào năm nay. Mới đây, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức B+ và nâng triển vọng từ mức ổn định lên tích cực trong khi lưu ý đến các khoản nợ xấu của ngân hàng.

BNP Paribas SA và Standard Chartered Plc cho rằng, các dòng vốn đã giúp giảm bớt áp lực phá giá tiền đồng. Nhóm phân tích này cũng kỳ vọng rằng Chính phủ Việt Nam sẽ phá giá tiền đồng  1% trong năm 2014 khi Chính phủ Mỹ tiếp tục  chương trình kích thích kinh tế. Tiền đồng đã giảm giá 1,2% trong năm ngoái còn 21.000 đồng đổi 1 USD, so với mức giảm 19% của đồng rupial của Indonesia và 9% của đồng peso Philippines.

Lấy lại niềm tin

Theo ông Tony Diep, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Indochina Capital, trước đây Việt Kiều chủ yếu gửi tiền về cho người thân ở trong nước tuy nhiên hiện nay Việt Nam đang chứng kiến xu hướng Việt Kiều quay về đầu tư vào các địa phương hoặc quay trở lại tìm việc làm.  Tony Diep sống và làm việc tại nước ngoài từ năm 1975, ông quay về Việt Nam vào năm 2007 sau khi rời JPMorgan Chase & Co tại New York.

"Người Việt Nam ở nước ngoài bắt đầu quay trở lại Việt Nam", ông Diệp nói. "Ngày càng có nhiều người tin tưởng vào Chính phủ nên quay trở về càng nhiều".

Còn nhiều khó khăn

Theo thống kê, hiện có hơn 4 triệu người Việt Nam sống và làm việc tại nước ngoài. Khoảng 500.000 Việt Kiều về thăm nước mỗi năm, bao gồm cả các chuyên gia về làm việc và tìm kiếm cơ hội kinh doanh, theo một thống kê hồi tháng 9/2012. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cam kết tăng 55% lên 21.6 tỷ USD trong năm 2013.

BNP Paribas dự báo tiền đồng sẽ suy yếu 1,4% còn 21.400 đồng đổi 1 USD vào cuối năm nay. Standard Chartered thì dự báo tỷ giá sẽ khoảng 21.300 đồng.

Việt Nam đã phá giá tiền đồng 7% và thu hẹp biên độ giao dịch từ 3% xuống còn 1% vào ngày 11/2/2011. Tiền đồng để mất giá khoảng 24% trong 6 năm tính tới năm 2013. Tháng 6 năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước cũng hạ tỷ giá 1%.

ANZ trước đó cũng dự báo, tiền đồng sẽ mất giá khoảng 2,8% còn 21.700 đồng vào cuối năm nay khi nền kinh tế Mỹ phục hồi giúp củng cố đồng USD.

Theo số liệu chính thức, xuất khẩu Việt Nam tháng 1 năm nay giảm 10,8% so với cùng kỳ. Theo Fitch, dự trữ ngoại tệ ước tính khoảng 28,6 tỷ USD, tương đương 2,4 tháng nhập khẩu, không phải là một bước đệm lớn.

Trong nghiên cứu được công bố bởi một chuyên gia kinh tế của JPMorgan Chase & Co, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn do hệ thống ngân hàng suy giảm. Ông dự báo, nền kinh tế sẽ tăng trưởng 5,7% trong năm 2014. Theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng hàng năm đạt mức trung bình 6,6% trong thế kỷ này.

Ông Tony Diep cũng thừa nhận rằng, người Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn nghi ngại về nền kinh tế. "Họ ít đầu tư vào chứng khoán mà bỏ tiền chủ yếu vào bất động sản hoặc đầu tư các thương vụ nhỏ với người thân".

Phần thưởng vàng

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng gần gấp đôi trong năm ngoái, là một trong những thị trường tốt nhất khu vực châu Á. Lợi tức trái phiếu Chính phủ 5 năm giảm 33 điểm cơ bản xuống 8,13%. Mức lợi tức này cao hơn 15 điểm cơ bản so với trái phiếu cùng kỳ đáo hạn của Indonesia - nước ếp hạng 5, trên Việt Nam trong bảng xếp hạng của Moody's.

Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới cũng được thu hẹp, báo hiệu niềm tin vào tiền đồng, Mirza Baig, chuyên gia ngoại hối của BNP Paribas cho biết. Mức chênh lệch này giảm cùng với chiều giảm của nhu cầu nhập khẩu kim loại quý, hiện chỉ còn khoảng 2,27 triệu đồng/lượng, so với 4,22 triệu đồng vào cuối năm 2013.

Chiến lược gia của Standard Chartered nhận định: "Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có xu hướng gia tăng. Đây là động lực lớn thu hút thêm đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực tại địa phương".

Kiều hối tăng

Lạm phát giảm xuống còn 5,45% trong tháng 1 sau khi đạt đỉnh 23% hồi tháng 8/2011. Các nhà hoạch định chính sách cũng giảm lãi suất tái cấp vốn lần thứ 8 kể từ năm 2012 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo dự báo của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt 5,8%, từ mức 5,42% trong năm ngoái.

Kiều hối, đóng góp khoảng 7% tăng trưởng nền kinh tế, có thể tăng ít nhất 20% trong năm nay. Cơ quan chứng năng cũng đã ban hành nghị định mới cho phép các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sở hữu 20% cổ phần tại các ngân hàng trong nước, tăng so với mức trần 15% trước đó.

Theo IMF, Việt Nam đã nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 1.896 USD vào năm ngoái, gấp 5 lần so với 375 USD vào năm 1999. Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, việc đạt được mức thu nhập trên giúp Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình.

"Việt Nam đã đạt bước tiến đáng khích lệ", Phạm Văn Khoa - người đã quay trở lại nơi mình sinh ra để làm việc giống như Tony Diep - nói, "Ngày tươi đẹp nhất của Việt Nam vẫn còn đang ở phía trước!".

 


Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *