Đời Sống 20/08/2014 08:41

Đối thoại Doanh nghiệp với thương nhân chợ Đồng Xuân (Hà Nội): Để hàng Việt vào được chợ

Hầu hết các thương nhân và DN đều cho rằng, hàng Việt “tắc” khi vào chợ truyền thống là do chưa có cơ chế đặc thù

Thương nhân oằn mình “tự cung, tự cấp”

 

Cách đây 3 năm, Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN đã từng tổ chức tọa đàm “Vì sao hàng Việt chưa có chỗ đứng tại các chợ” ở ngay tại chợ Đồng Xuân, và có chuyển biến khi mà một số ngành hàng đã đạt hơn 70% là hàng nội, ngành hàng như: Giày dép, thủ công mỹ nghệ... chiếm tới hơn 80%. 

 

Trước diễn tiến này, bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch hiệp hội - cho rằng, cần phải đẩy mạnh hàng VN vào các chợ truyền thống hơn nữa. Trong thời gian tới, khi các hiệp định thương mại được ký kết và có hiệu lực, ngoài những thuận lợi cũng sẽ gây sức ép lớn cho hệ thống bán lẻ, kể cả truyền thống và hiện đại.

 

Thời gian qua, hầu như các DN sản xuất hàng VN chỉ hướng vào thị trường XK, quên đi thị trường trong nước và chưa nhìn thấy hết tiềm năng kinh doanh của các thương nhân tại các chợ truyền thống. Hiện nay, tại chợ Đồng Xuân – Bắc Qua có tới hơn 2.300 hộ kinh doanh với 24 ngành hàng thuộc 7 nhóm chính. Trung bình mỗi ngày có từ 10 – 20 tấn hàng hóa lưu chuyển tại chợ. Đây là một trong những chợ bán buôn lớn của các tỉnh phía bắc khi tỉ trọng bán buôn hơn 60% và bán lẻ đạt gần 40%. 

 

Tuy nhiên, hiện bà con kinh doanh tại chợ Đồng Xuân đang rất khó khăn trong tìm kiếm nguồn hàng. Ông Đỗ Xuân Thủy – Tổng GĐ Cty CP Đồng Xuân - chia sẻ: “Khó khăn hiện nay của bà con kinh doanh tại chợ là tự kiếm nguồn hàng từ cơ sở SX trong nước, làng nghề hoặc thông qua đầu mối trung gian. Vì vậy giá hàng hóa cũng bị đội lên, nguyên nhân là do khả năng tiếp cận tới các cơ sở SX hàng Việt còn hạn chế”.

 

Bà Nguyễn Thị Dung – Tổ trưởng tổ ngành giày dép - cho biết: Thương nhân tại chợ chưa được tiếp thị hàng VN nhiều. Những năm 1991 – 1992, hàng Việt sầm uất tại chợ, Trung Quốc (TQ) phải sang VN nhập hàng, vậy mà chỉ sau vài năm, hàng TQ tràn ngập các chợ. Người TQ thuê phiên dịch đến từng sạp hàng để tiếp thị. Họ cho nợ tiền hàng trong năm, không bán hết có thể đổi trả và sẵn sàng cung ứng với số lượng nhỏ... Cách tiếp thị của thương lái TQ chắc các DN ta phải học tập.

 

Hàng Trung Quốc bày bán tại chợ Đồng Xuân. Ảnh: Hải Nguyễn  

 

Hàng Việt tắc vì... giấy tờ?

 

Đại diện Cty thủy sản Lenger VN thừa nhận khi chưa đánh giá đúng về tiềm năng của chợ Đồng Xuân, chỉ tập trung XK, chưa có kinh nghiệm tiêu thụ hàng tại chợ truyền thống. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng để đẩy mạnh kênh phân phối này, đặc biệt sẽ hỗ trợ bà con về kỹ thuật bảo quản đồ hải sản, thực phẩm tươi sống kinh doanh tại chợ... 

 

Hầu hết các thương nhân và DN đều cho rằng, hàng Việt “tắc” khi vào chợ truyền thống là do chưa có cơ chế đặc thù. Hiện hàng Việt đang cần một cơ chế riêng hợp lý, tránh tình trạng sản phẩm của làng nghề hoặc cơ sở SX nhỏ lẻ không thể đáp ứng hóa đơn thuế giá trị gia tăng, nguồn gốc hàng hóa... Nhiều thương nhân đề nghị Bộ Công Thương khai thông cơ chế, hóa đơn, giấy tờ, vận chuyển để DN, cơ sở SX làng nghề có thể đưa hàng vào chợ, hạn chế tình trạng kiểm tra chồng kiểm tra. 

 

Ông Nguyễn Lương Đức – Chủ tịch Hội Da giày Phú Yên - cho rằng: “Có 500 cơ sở SX tại làng nghề giày dép Phú Yên có khả năng đáp ứng từ 5 – 10 đôi hoặc hàng nghìn, chục nghìn đôi giày dép mỗi ngày. Nhưng phần lớn các cơ sở hoạt động nhỏ lẻ nếu đòi hỏi quá nhiều giấy tờ thì các cơ sở không thể đáp ứng được. Vì vậy, cần có cơ chế đặc thù riêng cho hàng truyền thống, để hàng hóa làng nghề lưu thông trên thị trường”.

 

Trả lời câu hỏi vì sao hàng Việt vẫn chưa vào được chợ truyền thống, bà Nguyễn Thị Dung - Tổ trưởng tổ giày dép - đưa ra ví dụ sinh động: Sản phẩm giày dép Thượng Đình được nhiều khách hàng ưa chuộng, nhưng DN yêu cầu thương nhân phải lấy từ 200 – 300 đôi/đợt, trong khi chỗ kinh doanh chỉ có 3 – 4m2 thì chúng tôi biết dự trữ hàng vào đâu? 

 

Nếu như kinh doanh tại chợ chủ yếu bằng lòng tin, ghi sổ nợ thì với các DN lại luôn yêu cầu phải thanh toán trước, nguồn vốn của thương nhân eo hẹp khiến bà con khó có vốn lưu động. Hầu hết bà con thương nhân đều cho rằng, DN Việt muốn đưa hàng vào chợ phải có chương trình tiếp thị, tiếp cận thương nhân, trên cơ sở đó cùng chia sẻ (giảm giá, thanh toán, vận chuyển...) để cùng thương nhân bán hàng.

 

Trước mong muốn hợp tác của thương nhân và DN, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cùng Cty cổ phần Đồng Xuân cam kết ngay tuần sau sẽ triển khai giới thiệu sản phẩm, tổ chức giao lưu giữa thương nhân và DN phù hợp với từng ngành hàng. Trên cơ sở đó, bà con kinh doanh tại chợ có thể tiếp cận hàng Việt, ký biên bản ghi nhớ, hợp đồng.

 

Cả nước có 8.546 chợ các loại (trong đó có 74 chợ đầu mối, 1.933 chợ khu vực thành thị và 6.613 chợ ở khu vực nông thôn) và khoảng 1 triệu cửa hàng quy mô nhỏ của hộ gia đình có nhà ở mặt tiền. Số cơ sở bán lẻ hiện đại ở VN còn rất ít, cả nước mới có khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại các loại. Đặc biệt, số cửa hàng tiện lợi hoạt động theo đúng nghĩa (có thương hiệu và vận hành theo chuỗi) ở VN mới tính hàng trăm. Đại bộ phận thương nhân trong nước hoạt động ở mức quy mô vừa và nhỏ, việc tổ chức hệ thống phân phối theo chuỗi chưa đủ sức làm “nòng cốt” cho thị trường, có tới 55% số DN có số vốn dưới 100 triệu đồng. Qua số liệu cho thấy: Chợ truyền thống vẫn là kênh phân phối lớn trong chuỗi bán lẻ của VN.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)

 

Theo Thu Hà

Lao Động

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *