Doanh Nhân 10/12/2017 08:24

Ông Đinh La Thăng bị khởi tố; 9x nào đứng sau loạt dự án BOT nghìn tỷ?

Thông tin nóng nhất tuần qua chính là việc ông Đinh La Thăng bị bắt tạm giam cùng 1 cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam do liên quan đến loạt sai phạm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, lai lịch của các 9x đứng sau loạt dự án BOT nghìn tỷ cũng thu hút được nhiều sự chú ý.

Ông Đinh La Thăng bị khởi tố

Ông Đinh La Thăng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã bị khởi tố bị can, bắt tạm giam. Trước đó, ông cũng bị đình chỉ sinh hoạt Đảng và các chức vụ về Đảng, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội.

Cùng ngày, ông Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt nam (PVN) cũng bị khởi tố, bắt tạm giam. Ông Đinh La Thăng, ông Nguyễn Quốc Khánh đều là nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Cả 2 ông bị khởi tố để điều tra, làm rõ trách nhiệm liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank); Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.

17 sếp PVN liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh

Ngày 15/9/2016, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46, Bộ Công an) khởi tố vụ án, khởi tố bị can 4 lãnh đạo chủ chốt của Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), gồm Tổng giám đốc Vũ Đức Thuận, 2 Phó tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Tiến, Trương Quốc Dũng và Kế toán trưởng Phạm Tiến Đạt.

Một ngày sau (16/9), Bộ Công an khởi tố bị can ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch HĐQT PVC về cùng tội danh. Xác định ông này bỏ trốn, cảnh sát đã truy nã quốc tế ông Thanh. Sau hơn 300 ngày trốn ra nước ngoài, theo Bộ Công an, ngày 31/7, Trịnh Xuân Thanh đã về nước đầu thú.

Mở rộng vụ án, trung tuần tháng 2/2017, C46 tiếp tục khởi tố 5 người khác, trong số này có ông Lương Văn Hòa (nguyên giám đốc Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch).

Danh sách các sếp dầu khí dính vòng lao lý tiếp tục nối dài khi cuối tháng 3/2017, cơ quan công an bắt thêm ông Đỗ Văn Hồng (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC kiêm Tổng giám đốc Công ty PVC-KB) và Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty PVC). Hai cựu cán bộ ngành dầu khí được xác định là đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Gần đây nhất, ngày 29/9/2017, Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và khám xét đối với Nguyễn Anh Minh (Tổng giám đốc PVC) về tội Tham ô tài sản.

Cùng ngày, cơ quan điều tra cũng tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Chánh văn phòng PVC Bùi Mạnh Hiển và ông Nguyễn Đức Hưng, nguyên Trưởng Phòng Tài chính, Kế toán Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC về cùng tội danh.

Chủ nhân 9X loạt dự án BOT

Ông Nguyễn Phú Hiệp đang là Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang - đơn vị vận hành trạm thu phí BOT Cai Lậy. Ông cũng đồng thời là người đại diện pháp luật của công ty này.

Tuy nhiên, thực chất, ông Nguyễn Phú Hiệp chỉ là Giám đốc công ty vận hành thu phí dự án BOT Cai Lậy hiện nay, còn ông chủ thực sự đứng sau đầu tư xây dựng dự án lại là một cái tên khác đến từ Vĩnh Phúc.

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải cho biết chủ đầu tư của dự án BOT Cai Lậy nhiều tai tiếng hiện nay chính là liên danh CTCP Tư vấn Đầu tư xây dựng Bắc Ái giữ 65% vốn trong tổng số 210 tỷ đồng vốn đối ứng và CTCP Đầu tư, thương mại và xây dựng giao thông số 1 góp 35%.

Tuy nhiên, tháng 7 vừa qua, công ty này đã hoàn tất tăng vốn lên 900 tỷ đồng. Trong đó, tất cả cổ đông của công ty đều là cổ đông cá nhân bao gồm ông Lê Tiến Thắng nắm giữ 82% vốn, ông Lê Văn Duẩn góp 5%, ông Lê Thanh Bình nắm giữ 10% và ông Nguyễn Phú Hiệp - Giám đốc BOT Cai Lậy hiện nay - góp 3%.

Đến tháng 3 vừa qua, ông Thắng bất ngờ từ chức và nhường lại vị trí lãnh đạo cao nhất công ty cho ông Nguyễn Tiến An, một doanh nhân còn trẻ sinh năm 1992, tại Vĩnh Phúc.

Tuy không sở hữu bất kỳ cổ phần nào tại Bắc Á nhưng giám đốc Nguyễn Tiến An đang điều hành và quản lý công ty tham gia đầu tư hàng loạt dự án BOT, BT giao thông với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.

Một ông chủ 9X điều hành dự án BOT khác là Nguyễn Tiến Vinh, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát. Được biết, Nguyễn Tiến Vinh sinh năm 1990, thường trú tại TP. Bắc Ninh. Lãnh đạo này được bổ nhiệm vào vị trí tổng giám đốc Minh Phát để thay cho ông Nguyễn Ngọc Tư.

Công ty Minh Phát của ông chủ 9X này là chủ của dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ và đang nắm giữ tới 65% vốn dự án. Tuy nhiên, trong cơ cấu cổ đông của Minh Phát, ông Nguyễn Tiến Vinh cũng không hề sở hữu bất kỳ cổ phần nào.

Từ Thị Bích Nguyệt, Phó tổng giám đốc 9X của BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp
Từ Thị Bích Nguyệt, Phó tổng giám đốc 9X của BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp

Một "nữ tướng" 9x khác là bà Từ Thị Bích Nguyệt, Phó tổng giám đốc BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp. Phó tổng giám đốc Từ Thị Bích Nguyệt lần đầu xuất hiện trong cuộc họp của Tổng cục Đường bộ Việt Nam với các nhà đầu tư BOT ngày 11/9 vừa qua với tư cách là đại diện chủ đầu tư dự án BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp. Lãnh đạo này sinh năm 1992, tốt nghiệp Đại học Luật, khoa Luật Kinh tế.

Chủ tịch ngân hàng VDB bất ngờ thôi chức, điều về cơ quan cũ

Ngày 4/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định với ông Phạm Quang Tùng, về việc thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), để chuyển công tác về làm việc tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Được biết, ông Phạm Quang Tùng giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam từ đầu tháng 6/2016 thay ông Nguyễn Quang Dũng, quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý VDB nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/6.

Khoản nợ 74 tỷ đồng do "Shark" Vương làm chủ tịch bị rao bán

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa ra thông báo bán khoản nợ có tài sản bảo đảm của Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp 1 Việt Nam (TH1) với tổng dư nợ hơn 74 tỷ đồng. Trong đó dư nợ gốc 63,9 tỷ và nợ lãi 10,2 tỷ đồng.

Đây là khoản dư nợ cho vay của Vietinbank Chi nhánh TP.Hà Nội đối với TH1 từ năm 2015. Chủ tịch HĐQT TH1 là ông Trần Anh Vương, người đang đóng vai trò “Shark” trong chương trình Shark Tank Việt Nam.

Vợ sếp chi đậm "gom" cổ phiếu

Bà Ngô Minh Hiền, vợ Phó Tổng giám đốc VIB Hồ Vân Long đã mua hơn 1,37 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian từ 7/11 đến 01/12/2017 bằng phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

Số cổ phiếu này thấp hơn so với lượng 1,4 triệu cổ phiếu mà bà Hiền dự định mua do "không đủ thời gian để mua".

Trước khi đăng ký mua, bà Hiền sở hữu hơn 224,7 nghìn cổ phiếu, tương đương 0,04% vốn ngân hàng này. Ngược lại, ông Hồ Vân Long chỉ có chưa đến 12 nghìn cổ phiếu VIB. Còn ở thời điểm hiện tại bà sở hữu 1,6 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,28% vốn của VIB.

Thế Hưng

Chuyên mục: Doanh Nhân

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *