Doanh Nhân 16/10/2017 08:56

Những đại gia rớt từ đỉnh cao xuống "vực thẳm"

Cùng điểm lại câu chuyện về các đại gia trong tuần với bà Châu Thị Thu Nga trước khi bị bắt đã nổi danh với hàng loạt dự án bất động sản khét tiếng, hay sự thụt lùi của một trong những ngân hàng đã từng đứng top đầu.

Những dự án “khét tiếng” của Housing Group thời “đại gia” Thu Nga

Bà Châu Thị Thu Nga - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất Housing Group, đại biểu Quốc hội bị đề nghị án chung thân vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Còn nhớ, Housing Group của bà Nga từng thuộc top những DN hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư, tư vấn, thiết kế, xây dựng các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, hoạt động sàn giao dịch BĐS.

Thời điểm đó, dưới “triều đại” của bà Nga, Housing Group nổi danh với những siêu dự án như: Khu chung cư B5 – KĐT Thành phố Giao lưu (Cầu Diễn, Nam Từ Liêm), Xây dựng Trung tâm thương mại VLXD Housing Group – Quốc Oai, Hà Nội, Trung tâm chiếu phim và dịch vụ văn hóa thể thao, Dự án trung tâm thương mại Thượng Đình Plaza, Khu nhà ở tái định cư và kinh doanh tại quận Tây Hồ…

Tuy nhiên, đa phần trong số các dự án này đều ở trạng thái “bánh vẽ”, đắp chiếu dài dài dù đã huy động vốn, thu tiền của khách hàng.

Từ những năm 2009, dự án đã huy động vốn của khách hàng với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng tới khi bà Nga bị bắt (và xét xử như hiện tại) dự án này vẫn “án binh bất động”.

Đại gia vỡ mộng ông trùm, cổ đông ôm hận "bánh vẽ"

Tham vọng tỷ USD của ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT CTCP Hùng Vương (HVG) đang trở nên xa vời hơn bao giờ hết khi các hàng loạt các kế hoạch của đại gia ngành thủy sản đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Sau một chuỗi ngày vung tiền ngàn tỷ vào hàng loạt các vụ thâu tóm trong ngành thủy sản, gần đây, HVG của ông Dương Ngọc Minh đã phải bán tài sản trả nợ. HVG đã quyết định thoái vốn và giải thể CTCP Địa ốc An Lạc. Hùng Vương thanh lý hết các bất động sản hiện có thuộc Địa ốc An Lạc, gồm rất nhiều lô bất động sản ở những vị trí đắc địa tại TP.HCM.

Đại gia thủy sản Dương Ngọc Minh.
Đại gia thủy sản Dương Ngọc Minh.

Sau thông báo, HVG đã nhấp nhổm tăng trần. Tuy nhiên, giá cổ phiếu này nhanh chóng quay đầu giảm mạnh và hiện ở mức giá thấp nhất trong vòng 1 năm qua.

So với mức giá cách đây 1 năm, cổ phiếu HVG đã giảm gần 50%, hiện chỉ còn hơn 6 ngàn đồng/cp. Tổng tài sản quy từ cổ phiếu HVG của ông Dương Ngọc Minh bốc hơi khoảng 450 tỷ đồng.

Điều đáng nói, trước đó, HVG đưa ra một kế hoạch kinh doanh 2017 rất ấn tượng, với doanh thu hợp nhất 20 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng, tương ứng cao hơn 11% và gấp 7 lần con số thực hiện 2016.

Tuy nhiên, những gì thực hiện trong 9 tháng (niên độ 1/10/2016 - 30/6/2017) rất đáng buồn. Doanh thu mới đạt khoảng 60% kế hoạch, trong khi lợi nhuận gần như bằng 0 do thua lỗ trong quý gần nhất. Khả năng đạt kế hoạch lợi nhuận năm của HVG rất thấp cho dù ông Dương Ngọc Minh đã tìm tới giải pháp bán tài sản.

Vinasun mất thị phần, Dabaco điêu đứng vì lợn

Cổ phiếu của hãng taxi đầu ngành Việt Nam Vinasun (VNS) của ông Đặng Phước Thành hiện cũng rớt xuống vùng thấp nhất 1 năm qua, sau khi doanh nghiệp này công bố kết quả kinh doanh thấp hơn nhiều so với kế hoạch. Chưa kể, ông trùm vận tải hành khách Việt này đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ cuộc khủng hoảng mang tên Uber và Grab.

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh doanh của Vinasun khá bết bát. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính giảm 80% so với cùng kỳ, xuống còn chưa tới 12 tỷ đồng. Giá cổ phiếu từ mức 35 ngàn đồng/cp cách đây 1 năm nay xuống còn 17.800 đồng/cp. Túi tiền của ông Thành cũng bốc hơi hàng trăm tỷ. Điều đáng lo ngại với nhiều nhà đầu tư là thanh khoản cổ phiếu này gần như cạn kiệt, mỗi phiên vài ngàn đơn vị được chuyển nhượng do thiếu người mua.

Về phía Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC), giá cổ phiếu đang ở vùng thấp nhất 1 năm qua sau khi công bố thua lỗ 20 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm vì giá thịt lợn giảm. Khả năng hoàn thành kế hoạch năm là rất khó. Bởi, DN này cần phải lãi tới 340 tỷ đồng trong 6 tháng còn lại.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp không lường trước được những khó khăn như trường hợp Dabaco lỗ vì giá lợn giảm hay các doanh nghiệp thủy sản gặp khó khăn do giá nguyên liệu tăng và chi phí lãi vay cao.

Tuy nhiên, không ít ông chủ doanh nghiệp lại có tham vọng quá cao hay chủ quan, khiến doanh nghiệp rơi vào khó khăn như trường hợp HVG, Vinasun và Mai Linh. Thậm chí, có doanh nghiệp năm nào cũng trưng ra kế hoạch kinh doanh khủng nhưng không bao giờ hoàn thành và thực tế là hoàn thành rất thấp như trường hợp SVN.

Năm 2016, SVN đặt mục tiêu doanh thu 200 tỷ đồng và lãi trước thuế 33 tỷ đồng, nhưng thực tế doanh nghiệp này mỗi năm chỉ lãi một vài tỷ, có năm còn thua lỗ.

Đại gia Dương Công Minh xóa tên 1 biểu tượng chứng khoán Việt

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB) vừa có thông tin về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để đổi mã chứng khoán và chuyển sàn giao dịch.

Theo đó, ngân hàng dự kiến sẽ đổi mã chứng khoán niêm yết từ STB sang SCM; hủy niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) để chuyển sang Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Đây là thông tin rất bất ngờ đối với các nhà đầu tư bởi mã chứng khoán STB đã gắn liền với Ngân hàng Sacombank trong hơn một thập kỷ qua.

Sacombank là ngân hàng đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung HOSE của Việt Nam từ năm 2006. Đây là một cổ phiếu trụ cột trên thị trường trong nhiều năm và là mã cổ phiếu quen thuộc với hầu hết các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, cổ phiếu STB của Sacombank gặp nhiều sóng gió và có mức giá ở mức khá thấp, cao hơn mệnh giá một chút sau khi ngân hàng này rơi vào một ván cờ thâu tóm của ông Trầm Bê.

Ông chủ và là người sáng lập Sacombank Đặng Văn Thành đã để Sacombank rơi vào tay nhóm cổ đông đứng sau là ông Trầm Bê sau vụ thâu tóm nhen nhóm từ năm 2011. Và đây cũng là bước ngoặt khiến ngân hàng này xuống dốc không phanh.

Từ một ngân hàng hàng đầu trong hệ thống, Sacombank trở thành ngân hàng có nợ xấu cao thuộc tốp đầu. Khối nợ xấu tăng vọt sau khi SouthernBank của ông Trầm Bê sáp nhập với Sacombank.

Những sai phạm được phanh phui sau đó đã khiến ông Trầm Bê cùng người liên quan phải ủy quyền không hủy ngang vô thời hạn toàn bộ cổ phần cho Ngân hàng Nhà nước hồi năm 2015 và đang vướng vòng lao lý.

Thế Hưng

Chuyên mục: Doanh Nhân

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *