Doanh nghiệp 04/07/2014 14:42

Hàng không giá rẻ: Chậm, hủy như cơm bữa

FICA - Trong chưa tới 4 tuần, Vietjet Air có tới hơn 700 chuyến bay bị chậm, chiếm tỷ lệ 42,5% - cao nhất trong số 4 hãng hàng không nội địa.

Cục hàng không Việt Nam vừa công bố thống kê số liệu chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không từ 7/5-31/5/2014. Đây cũng là lần đầu tiên Cục hàng không công bố thống kê các số liệu này. 

Theo chỉ đạo của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam bắt đầu từ tháng 7, Trang thông tin điện tử Cục Hàng không Việt Nam tại địa chỉ www.caa.gov.vn sẽ đăng tải số liệu thống kê về tình trạng các chuyến bay bị chậm, bị hủy của các hãng hàng không Việt Nam.

Số chuyến bay bị chậm, bị hủy được thống kê theo nhóm nguyên nhân: Thời tiết, hãng hàng không, cảng hàng không, điều hành bay, thương mại, kỹ thuật và các lý do khác.

Theo thống kê từ 7/5-31/5, tổng cộng có 1.417 chuyến chậm, chiếm tỷ lệ 14,7% trên tổng số 9.648 chuyến khai thác. Số chuyến bay bị hủy chiếm tỷ lệ nhỏ hơn, ở mức 1,9%, tương ứng với 184 chuyến.

Trong 4 hãng hàng không nội địa thống kê, Vietjet Air là hãng hàng không đứng đầu bảng về số chuyến bay bị chậm và hủy. Trong gần 4 tuần bay, hãng hàng không này chậm tới 704 chuyến, chiếm tỷ lệ 42,4% trên tổng số 1.661 chuyến triển khai. Số chuyến bị hủy 50 chuyến, tỷ lệ 2,9% - cao hơn mức trung bình.

Hãng có số chuyến bị hủy, chậm chiếm tỷ lệ ít nhất trong thời gian thống kê là Vietnam Airline với 471 chuyến chậm (chiếm 6,6% trên tổng số 7.137 chuyến khai thác) và 97 chuyến hủy (chiếm 1,3%). Jetstar Pacific và VASCO có tỷ lệ chậm chuyến chiếm tỷ lệ trên 20%. Đáng lưu ý, hãng hàng không VASCO tuy chỉ khai thác 108 chuyến mà có tới 20 chuyến bị hủy trong thời gian thống kê.

Báo cáo công bố trước đó của Cục hàng không Việt Nam cho thấy, tính chung 5 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ chậm hủy chuyến trên tổng số chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam là là 25%.

Trong đó, VietJet Air đứng đầu về tỷ lệ các chuyến bay bị chậm, hủy chuyến với tỷ lệ 51% (chậm chuyến 48,4%), tiếp theo là Jetstar Pacific 50% (chậm chuyến 46,6%), Vasco là 17%, Vietnam Airlines 14% (chậm chuyến 11,8%).

Theo đánh giá của Cục hàng không Việt Nam, đây là con số khá cao nếu so với cùng kỳ năm 2013, khi tỷ lệ này có 16% và thực sự gây ảnh hưởng rất lớn đối với chất lượng dịch vụ hành khách. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề chậm chuyến tuy nhiên có đến 50% số chuyến bị chậm, hủy có nguyên nhân liên quan đến việc dồn chuyến, hủy chuyến vì lý do thương mại, cơ sở vật chất của cảng hàng không vào các giờ cao điểm. 

Cục Hàng không cũng thừa nhận, việc thông tin cho hành khách đối với các chuyến bay bị chậm có thời gian dài và chưa xác định được thời gian khởi hành còn chưa thỏa đáng dẫn đến việc hành khách bức xúc do phải chờ đợi và mệt mỏi khi nhận được thông tin giờ khởi hành thay đổi liên tục. 

 

Phương Dung

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *