Doanh nghiệp 16/10/2014 15:38

Hai “ông lớn” bất động sản nhảy vào dệt may: Vinatex nói gì?

FICA - Theo đại diện Vinatex, xét về tiềm lực tổng thể, khả năng phát triển thương hiệu, thị trường và tư duy chiến lược, hai nhà đầu tư chiến lược trên là phù hợp.

Trong 9 tháng đầu năm, một sự kiện ghi dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đó là phiên đấu giá cổ phần phát hành ra công chúng lần đầu (IPO).

Kết quả, có 55 triệu cổ phiếu Vinatex đã thuộc về tay các nhà đầu tư ngoại. Với mức giá bình quân thành công là 11.000 đồng/cp, Vinatex thu được tổng giá trị 1.216 tỷ đồng.

Đợt IPO này của Vinatex có 30 nhà đầu tư nước ngoài tham gia và đã mua trọn hơn 55 triệu cổ phiếu. Đáng chú ý, Vinatex cũng đã tiến hành ký kết hợp đồng mua bán cổ phần với hai nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID).

Tuy nhiên, một số ý kiến lại bày tỏ sự hoài nghi về khả năng trợ giúp thật sự của những đối tác này đối với tương lai của Vinatex, bởi đây là những thương hiệu lớn nhưng chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, chưa nhiều kinh nghiệm về thời trang và may mặc.

Đề cập đến vấn đề này, ông Trần Việt, Trưởng ban Thị trường của Vinatex khẳng định: Quan điểm từ đầu của Vinatex là tìm kiếm những cổ đông chiến lược có năng lực cao, khả năng phối hợp, hỗ trợ tốt cho Tập đoàn trong quá trình phát triển về nhiều khía cạnh: năng lực tài chính, quản trị, phát triển thương hiệu, thị trường v.v...

“Chúng tôi sẽ ưu tiên những đơn vị có công nghệ liên quan đến ngành Dệt may, có thị trường. Quan trọng nhất là sự tương đồng với Vinatex về quan điểm phát triển và tư duy chiến lược. Qua quá trình cân nhắc, chúng tôi thấy 2 tập đoàn này có quy mô rất lớn, hoạt động đa ngành và đáp ứng được rất nhiều tiêu chí và rất tương đồng với Vinatex về chiến lược phát triển nói chung” – ông Việt cho hay.

Cũng theo phân tích của ông Việt, 2 nhà đầu tư chiến lược này đều có những kinh nghiệm liên quan phù hợp với Vinatex. Vingroup đã mua và sở hữu chuỗi siêu thị Ocean Mart. Rất nhiều dự án phát triển của Vingroup có liên quan đến phân phối và các chuỗi cửa hàng. Gần đây Tập đoàn này cũng mở một công ty về thời trang là VinFashion với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Đây là sự phát triển phù hợp với định hướng của Vinatex trong việc phát triển chuỗi cung ứng theo mô hình ODM với việc chú trọng đến yếu tố thiết kế và triển thị trường nội địa.

Dù không có thế mạnh về dệt may, nhưng VID là Tập đoàn phát triển về cơ sở hạ tầng rất mạnh. Hiện tại, một số khu công nghiệp của VID có kinh nghiệm phát triển về hệ thống xử lý nước thải. Điều này là phù hợp với chiến lược phát triển tập trung vào khu nguyên liệu để hoàn thiện chuỗi cung ứng và các khu công nghiệp xử lý nước thải đạt chuẩn của Vinatex. Hơn nữa, với việc sở hữu Ngân hàng Maritime Bank, VID có thể hỗ trợ về nguồn tài chính cho Vinatex để đầu tư dự án, vốn nhập khẩu nguyên vật liệu dệt may.

Như vậy, xét về tiềm lực tổng thể, khả năng phát triển thương hiệu, thị trường và tư duy chiến lược, hai nhà đầu tư chiến lược trên là phù hợp để cùng với Vinatex phát triển cốt lõi thương hiệu Việt - đại diện Vinatex lý giải.

Mai Chi

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *