Tiền và Hàng 16/10/2014 15:45

Giá hàng hóa ‘lờ tịt’ dù xăng 7 lần giảm

Giá xăng dầu trong nước đã xuống thấp nhất trong vòng 2 năm lại đây, nhưng giá hàng hoá, dịch vụ vẫn đứng yên, thậm chí, còn dọa tăng. Nghịch lý thị trường đang diễn ra rõ rệt.

Liên tiếp hơn hai tháng qua, mặt hàng xăng đã giảm tới 6 lần với tổng mức giảm là 2.750 đồng. Dầu diezen giảm tới 13 lần với tổng mức 2.580 đồng/lít, dầu hoả giảm tới 10 lần, tổng giảm là 2.450 đồng/lít madut giảm 9 lần.

Đây là đợt giảm giá sâu nhất và kéo dài nhất. Một mặt bằng giá xăng dầu mới được thiết lập và trở về mức giá tương đương của năm 2012, đặt biệt là giai đoạn tháng 3 và 4. Tuy nhiên, trên thị trường, giá cả hàng hóa và dịch vụ vẫn "lờ tịt", không có dấu hiệu giảm.

Vin cớ mùa vụ

Với khoảng cách từ vùng trồng rau ở Vĩnh Phúc tới trung tâm Hà Nội là 45km, nhiều người tiêu dùng vẫn nghĩ, giá rau sạch của CP KHCN IRRD cung cấp cho tòa nhà C’land (Xã Đàn, Đống Đa) có thể giảm mạnh sau 8 đợt giảm giá xăng dầu liên tiếp vừa qua.

CPI, lạm-phát, tăng-giá, giá-xăng, giá-dầu, giá-điện, giá-than, giá-vàng, giá-đô, ô-tô

Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Ông Đặng Ngọc Vương, Giám đốc công ty, cho hay: "Rau củ phụ thuộc vào thời điểm bán, mùa vụ cung ít hay nhiều. Giá xăng dầu tác động đến giá rau rất nhỏ, không đáng kể. Thêm vào nữa, mõi tháng công ty chỉ bán khoảng 5 tấn rau, quy mô còn hẹp nên chi phí vận chuyển chưa phải là yếu tố lớn".

Ví dụ, các loại rau mùa mát như rau cải đã bắt đầu rẻ hơn từ 1.000-2.000 đồng/kg so với tháng 8 và 3.000-4.000 đồng/kg so với tháng 7. Trong khi đó, các loại rau mùa hè như rau muống, rau mồng, dưa chuột tơi có xu hướng sẽ đắt lên.

Ghi nhận tại một số chợ nhỏ ở khu vực phố Đoàn Thị Điểm, An Trạch, Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội cho thấy, giá thực phẩm thiết yếu giữ nguyên. Ví dụ, giá rau muống vẫn đứng nguyên 8.000 đồng/mớ, giá bí đao 10.000 đồng/kg, giá rau cải 8.000 đồng/kg...

Thực phẩm tươi sống thậm chí còn tăng giá, như tôm sú tăng lên 30.000 đồng/kg, lên mức 450.000 đồng/kg, thịt bò loại ngon cũng vẫn ở mức 250.000/kg, mực ống loại ngon từ 180.000-200.000 đồng/kg.

Đối với mặt hàng gạo, chỉ có duy nhất gạo Bắc Hương giảm 5.000 đồng/kg, còn 16.500 đồng/kg. Các loại gạo khác vẫn giữ giá như gạo tám Hải Hậu, tám Điện Biên ở mức 18.000 đồng/kg, gạo Xi dẻo ở mức 14.000 đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị An, chủ một sạp bán rau ở khu chợ cóc Đống Đa nói: "Giá xăng dầu chả có liên quan gì! Kể cả xăng có xuống 10.000 đồng/kg, mà mưa to, gió lớn thì giá rau vẫn tăng", bà An quả quyết.

Báo cáo của Bộ Công Thương về thị trường giá cả tuần đầu tháng 10 cũng không ghi nhận được xu hướng giảm nào đáng kể. Theo bộ này, giá các mặt hàng hàng rau, củ, quả, thực phẩm sống trên cả nước tiếp tục ổn định so với tuần trước do thời tiết thuận lợi, nguồn cung tốt. Tuy nhiên, với riêng mặt hàng lúa gạo, một số Sở Công Thương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho biết có giảm nhưng rất nhẹ, chỉ hạ khoảng 100-200 đồng/kg so với giữa tuần trước.

CPI, lạm-phát, tăng-giá, giá-xăng, giá-dầu, giá-điện, giá-than, giá-vàng, giá-đô, ô-tô
Giá xăng giảm 7 lần, giá cước vận chuyển vẫn không hề giảm

Độ trễ, không giảm mà còn tăng

Nếu trước đây, mỗi lần giá xăng dầu tăng, các doanh nghiệp vận tải ngay lập tức lên tiếng và tăng vù vù giá cước. Nhất là khi, giá nhiên liệu luôn chiếm 40-50% giá thành cước vận tải.

Cùng đó, hàng hoá thiết yếu từ chợ cóc đến siêu thị cũng tranh thủ té nước theo mưa. Giá xăng dầu thường được nói đến như thế là nguyên nhân số 1 trong mọi đợt tăng giá của các chủ hàng.

Nhưng khi giá xăng dầu hạ nhiệt như hiện nay, các chủ hàng kinh doanh này lại phủ nhận mối quan hệ mật thiệt đó.

Bà Phạm Thị Hương, chủ một sạp bán gạo ở gần phố An Trạch nhấn mạnh: "Cước vận chuyển từ Nam Định lên Hà Nội vẫn rất cao. Một bao gạo, các chủ xe vẫn tính 35.000-40.000 đồng. Chúng tôi phải qua 2 cầu, mỗi cầu ăn một tí để có lãi. Cước không giảm thì chúng tôi giảm thế nào được!". Và cũng vì lý do mùa vụ, thời tiết, giá còn có thể tăng mạnh.

Chị Nguyễn Thị Vui, chủ hàng bán hải sản ở chợ An Trạch than phiền: "Một thùng xốp to chở được 20.000 kg tôm cá vẫn bị thu khoảng 100.000 đồng. Cước không giảm thì còn lâu giá hải sản mới giảm. Giá tôm sú những ngày gần đây còn tăng mạnh tới hơn 40.000 đồng/kg, từ mức 420.000 lên 450.000 đồng/kg".

"Tôm cá cũng phụ thuộc vào mùa đánh bắt nữa, có nhiều hàng thì giá mới giảm được", chị Vui nói.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, bày tỏ: "Đúng là lạ vì ngành vận tải chịu tác động trực tiếp từ xăng dầu. Nhưng thường thì, các kế hoạch điều chỉnh giảm sẽ có độ trễ so với thời điểm giá nhiên liệu giảm".

Tuy nhiên, ông Thanh cho biết: "Bộ GTVT làm nghiêm về vấn đề trọng tải xe, giá cước tới đây sẽ còn tăng nữa. Trước đây, các xe chở quá tải nhiều nên giá cước vận tải vừa qua là giá ảo. Thêm vào đó, lúc giá xăng dầu tăng, nhiều doanh nghiệp cũng chưa tăng giá cước tương ứng".

Hiện nay, giá cước taxi rẻ nhất ở Hà Nội là 8.500 đồng giá mở cửa, từ km thứ 2 đến km 30, giá cước dao động từ 11.500-12.000 đồng/km, từ km thứ 31 là 10.000-11.000 đồng.

Các hãng taxi đắt Taxi Group hay Mai Linh, giá mở cửa thường ở mức 14.000 đồng, giá tiếp theo là 14.900-15.500 đồng/km. Mới đây, Taxi Group công bố giảm giá từ 7/10, nhưng chỉ giảm 300 đồng/km cho 30km đầu tiên.

Rõ ràng, trái ngược với mong đợi của người dân và doanh nghiệp, giá cả các loại hàng hoá, dịch vụ trên thị trường vẫn vô tư giữ giá. Trong khi đó, các Bộ Công Thương - Tài chính đều cho rằng, ngoài một số mặt hàng nhiên liệu như điện, xăng dầu còn do Nhà nước điều tiết, giá cả tất cả các loại hàng hoá dịch vụ là đều theo thị trường nên không thể có mệnh lệnh hành chính yêu cầu giảm được.

Theo Phạm Huyền

Vietnamnet

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *