Doanh nghiệp 17/06/2014 10:07

Doanh nghiệp vận tải biển gán tàu cho ngân hàng

FICA - Sài Gòn Ship vừa thực hiện gán tàu Sài Gòn Princess - tàu có giá trị nhất trong đội tàu để trả nợ gốc cho VIB.

Theo thông báo của Công ty cổ phần Vận tải biển Sài Gòn (Sài Gòn Ship - mã chứng khoán SGS), Công ty đã hoàn tất giao tàu Saigon Princess cho Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vào ngày 12/6/2014.
 
Thông báo được gửi tới các cơ quan quản lý là Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết, việc giao tàu để thay thế nghĩa vụ trả toàn bộ phần nợ gốc của SGS tại VIB theo hai hợp đồng tín dụng được ký vào tháng 1/2008 và tháng 10/2010.
 
Trong đó, hợp đồng tín dụng ký tháng 1/2008 có thời hạn vay là 144 tháng (12 năm) kể từ ngày rút vốn đầu tiên, thời hạn ân gốc là 24 tháng, lãi suất được điều chỉnh 6 tháng/lần bằng với lãi suất điều chuyển vốn kinh doanh 6 tháng USD của VIB cộng 2,2%/năm. 
 
Khoản vay này được dùng để đầu tư đóng mới tàu Sài Gòn Princess và được đảm bảo bằng việc thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay.
 
Tính tới cuối quý I/2014, dư nợ của SGS tại VIB là gần 164 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị còn lại của tàu Sài Gòn Princess theo báo cáo của SGS là 169 tỷ đồng, so với nguyên giá ban đầu là 204 tỷ đồng. Đây cũng là tàu có giá trị lớn nhất của SGS, trong khi 2 tàu còn lại là Long Phú 1 và Long Phú 2 chỉ có giá hơn 4 tỷ đồng.
 
SGS lỗ năm 2011 và 2012 với số lỗ lần lượt là 28 tỷ đồng và 15 tỷ đồng. Năm 2013, Công ty có lãi gần 3,4 tỷ đồng nhưng hoạt động kinh doanh chính tiếp tục thua lỗ, ;ợi nhuận thu được đến từ công ty liên doanh, liên kết. Quý I/2014, SGS tiếp tục báo lỗ gàn 4 tỷ đồng.
 
Tình trạng thua lỗ của SGS cũng là tình trạng chung của hàng loạt doanh nghiệp vận tải biển. Thua lỗ kéo dài đẩy hàng loạt doanh nghiệp rơi vào diện hủy niêm yết do lỗ vượt vốn góp hay đứng trước nguy cơ rời sàn do thua lỗ 3 năm liên tiếp.
 
Đơn cử, năm 2013, Công ty cổ phần Hàng Hải Đông Đô (mã chứng khoán DDM) và Công ty cổ phần Hàng Hải Sài Gòn (mã chứng khoán SHC) đã phải hủy niêm yết do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ.
 
Trong khi đó, Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (mã chứng khoán VOS), Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship (mã chứng khoán VNA) và Công ty cổ phần vận tải biển Hải Âu (mã chứng khoán SSG) cũng đã báo lỗ 2 năm liên tiếp.
 
Thua lỗ kéo dài, không có nguồn tiền để trả nợ ngân hàng, ngoài việc gán nợ, nhiều doanh nghiệp vận tải biển cũng đẩy mạnh việc thương lượng để khoanh, giãn nợ, giảm bớt áp lực lãi vay.
 
Như công ty Cổ phần Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart - Mã chứng khoán VST) đã thương lượng để các ngân hàng đồng ý cho giãn nợ đến hết năm 2015, kéo dài thời gian trả nợ từ một đến 4 năm tùy từng dự án.
 
Ngoài ra, trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, VST tiếp tục kiến nghị các cấp có thẩm quyền phương án bổ sung vốn lưu động, tích cực đẩy mạnh việc xin chính sách, chủ trương hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Tài chính cho ngành vận tải biển nhằm giảm lỗ, duy trì đội tàu để chờ thị trường vận tải biển phục hồi.
 
Thục Anh
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *