Doanh nghiệp 18/10/2014 08:08

Doanh nghiệp có nhiều “tướng”, coi chừng loạn

Nếu Luật Doanh nghiệp sửa đổi mở ra cơ chế cho phép CTCP có nhiều người đại diện theo pháp luật, nhưng vai trò của những người này “đồng vai phải lứa”, thì rất dễ… gây loạn DN.

Không thể “đồng hạng”

Theo dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi mới nhất, công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Trong trường hợp này, người đại diện theo pháp luật có quyền, nhiệm vụ, nghĩa vụ như nhau…

Quy định theo hướng mở trên, được các chuyên gia nhìn nhận là tích cực, nhằm khắc phục những bất cập của quy định hiện hành. Tuy nhiên, luật sư Lê Nga, Công ty TNHH Hà Việt cho rằng, việc dự thảo Luật quy định những người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp “đồng hạng” - có quyền, nhiệm vụ, nghĩa vụ như nhau - là không ổn.

Lý do là bởi có thể dẫn đến tình trạng chồng chéo, giẫm chân, thậm chí phát sinh tranh chấp giữa những người đại diện theo pháp luật với nhau. Thực tế hiện nay, doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật, nhưng cũng đã phát sinh rất nhiều bất ổn.

“Dự thảo Luật quy định người đại diện theo pháp luật có quyền, nhiệm vụ, nghĩa vụ như nhau là không hợp lý, vì khi có từ hai người đại diện theo pháp luật trở lên, thì nhiệm vụ của từng người là khác nhau, nên quyền hạn cũng khác nhau…”, luật gia Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban Tư vấn và phản biện chính sách, Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận.

Để khắc phục tình trạng bất ổn trên, ông Tiền đề nghị Ban soạn thảo nên sửa đổi theo hướng: trong trường hợp doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật thì điều lệ công ty phải quy định về quyền, nhiệm vụ của từng người đại diện theo pháp luật và phải đăng ký với cơ quan đăng ký doanh nghiệp. Điều này đảm bảo sự minh bạch trong quản lý doanh nghiệp và làm căn cứ khi xử lý vi phạm.

“Dự thảo Luật nên sửa đổi theo hướng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật theo thứ tự ưu tiên: thứ nhất, thứ hai…, để tránh tình trạng chồng chéo, tranh chấp giữa những người đại diện theo pháp luật với nhau…”, bà Nga đề nghị.

Một bất ổn khác của Dự thảo, theo ông Tiền, là quy định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp…

Quy định này không rõ  ràng, vì thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao là chung chung, không rõ ai giao. Để khắc phục bất ổn này, Dự thảo nên sửa đổi: người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện các quyền và nhiệm vụ được quy định trong điều lệ doanh nghiệp một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp…

Doanh nghiệp né cử người đại diện, ứng xử ra sao?

Từ thực tiễn xét xử các tranh chấp tại công ty cổ phần, ông Phạm Tuấn Anh, nguyên Chánh tòa Kinh tế, TAND TP. Hà Nội cho rằng, dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi chưa giải quyết được một bất cập đang tồn tại.

Đó là khi xuất hiện tranh chấp trong nội bộ doanh nghiệp, hoặc trường hợp doanh nghiệp muốn trốn tránh trách nhiệm với các bên tranh chấp, cũng như với các cơ quan quản lý, hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chết…, HĐQT tìm cách trì hoãn, thậm chí không cử được, hoặc cố tình không cử người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, khiến cho việc giải quyết các tranh chấp rơi vào bế tắc.

“Thực tế xét xử cho thấy, có vụ án, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chết. Chúng tôi đề nghị doanh nghiệp cử người đại diện theo pháp luật thay thế, tham gia quá trình tố tụng. Thế nhưng, doanh nghiệp không cử người đại diện theo pháp luật. Chúng tôi xin ý kiến của TAND Tối cao thì được hướng dẫn: đề nghị doanh nghiệp cử người đại diện theo pháp luật là người thừa kế của người chết. Thế nhưng, người thừa kế này sống ở Đức, nên vụ án rơi vào bế tắc”, ông Anh nói.

Từ bất bất cập trên, ông Anh cho rằng, việc Luật Doanh nghiệp sửa đổi cho phép công ty cổ phần có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật là thay đổi tích cực. Tuy nhiên, đây chỉ là cải cách nửa vời nếu dự thảo Luật không có cơ chế trao quyền cho tòa án, trọng tài, cơ quan đăng ký doanh nghiệp buộc doanh nghiệp cử người đại diện theo pháp luật trong trường hợp doanh nghiệp không cử được, hoặc trì hoãn, thậm chí cố tình không cử người đại diện theo pháp luật.

Nếu quy định này được bổ sung vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi và được áp dụng thì không chỉ giải tỏa bế tắc trong giải quyết các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, cổ đông, các chủ nợ…, mà còn tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết tranh chấp tại doanh nghiệp.

Theo Hữu Hòe
ĐTCK
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *