Doanh nghiệp 23/06/2014 10:46

Cục trưởng hàng không nói gì về sự cố hạ cánh nhầm của Vietjet Air?

Chuyện máy bay chở nhầm khách tưởng chừng như không thể xảy ra trong hoạt động hàng không vốn được kiểm soát hết sức chặt chẽ ở các khâu.

Vậy lý do gì  khiến Vietjet Air đưa cả trăm hành khách đi Cam Ranh nhầm sang Đà Lạt? Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh lý giải sự cố hy hữu này.

Sự cố hạ cánh nhầm lần đầu xảy ra tại Việt Nam
Sự cố hạ cánh nhầm lần đầu xảy ra tại Việt Nam

Chuyện tưởng chừng như không thể  lại xảy ra, ông có thể  lý giải gì về  sự cố này?

Trên thực tế tất cả các thủ tục chuẩn bị lên tàu cho hành khách làm hết sức bình thường, không có vấn đề gì. Bộ phận mặt đất không có lỗi gì ở vụ việc này. Kế hoạch bay cơ trưởng nhận, là chuyến Hà Nội – Sài Gòn  - Cam Ranh sau đó quay lại Hà Nội. Tuy nhiên chuyến 8861 này lại có kế hoạch đi Hà Nội – Đà Lạt vì máy bay hỏng nên thay đổi kế hoạch, quay đi Đà Lạt trước. Về bản chất là đổi tàu bay, đổi tổ lái. 

Đây là một sự cố về mặt khai thác mà thông thường sự cố về mặt khai thác đều ảnh hưởng đến an toàn bay. Trong vụ việc này nó chưa trực tiếp uy hiếp vì việc điều hành vẫn diễn ra bình thường, cơ trưởng bay đường bay mà mình tưởng đó là đúng và các việc điều hành hệ thống bay đều diễn ra bình thường. Việc phối hợp giữa hệ thống điều hành bay đều bình thường, không có sự cố nào. Sự việc này xuất phát từ yếu tố con người.

Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh

Về nguyên tắc, người điều phái, phòng thủ tục bay triển khai kế hoạch mới, sau khi triển khai thì phải cầm kế hoạch bay thay đổi này mang đến lại cho phi công để phi công căn cứ vào thông tin mới và phải ký xác nhận.  Nhưng người điều phái không mang cái này tới và phi công vẫn tưởng là bay Cam Ranh nên vẫn làm theo kế hoạch dự kiến ban đầu từ sáng sớm.

Cái sai thứ nhất là điều phái viên không mang kế hoạch bay mới tới cho phi công ký, sai thứ hai là người kiểm soát thẻ lên tàu không xem kỹ. Tiếp viên thì vẫn nhận khách đi Đà Lạt, tất cả các khâu tiếp theo đều nhận khách đi Đà Lạt, chỉ mỗi ông phi công ngồi trên buồng lái không biết lịch thay đổi và vẫn lái đi Cam Ranh.

Rõ ràng là người điều phái phải có những sai sót, thông tin không được đến cơ trưởng là lỗi của người này. Tuy nhiên, ở đây cơ trưởng cũng có lỗi nặng do anh chưa tiếp nhận được kế hoạch bay chính thức mà đã quyết định chuẩn bị kỹ thuật cho chuyến bay.

Vì sao phi công không nghe được tiếp viên thông báo trên loa về chuyến bay đi Đà Lạt?

Cơ trưởng phải tập trung vào việc khởi hành nên không có một cái gì làm cơ trưởng xao nhãng, kể cả lời phát thanh của tiếp viên trưởng thông báo hành trình cho khách. Chỉ khi đi nào bay bằng, cơ trưởng giao cho cơ phó điều hành, lúc đó cơ trưởng mới thông báo với hành khách các thông tin ngắn về chuyến bay.

Phi công bay sai kế hoạch có nguy cơ va chạm với các tàu bay khác trên đường bay không thưa ông?

Không thể có va chạm với tàu bay khác khi phi công không bay theo lịch bay. Điều hành trên đường hàng không phải được điều hành trên thực tế, chứ không phải căn cứ theo kế hoạch bay.  

Việc cơ trưởng không nhận được thông tin từ người điều phái như vậy đã từng xảy ra chưa?

Chúng tôi chưa xử lý một trường hợp nào như vậy. Nhưng về mặt nguyên tắc thì mọi kế hoạch bay đều phải được chuyển tới cơ trưởng và bắt buộc phải có xác nhận của cơ trưởng.

(Theo quy định mới của ICAO, để giảm bớt công việc cho cơ trưởng, người ta cho phép chuyển kế hoạch bay trước cho cơ trưởng qua email. Nhưng quy định này chưa áp dụng ở VN).

Người cho phép tàu bay bắt đầu lăn bánh là người chỉ huy đài không lưu tại sân, người này được phòng thủ tục bay thông báo chứ không có trách nhiệm phải nhìn thấy chữ ký của ông cơ trưởng. Chữ ký của ông cơ trưởng là bằng chứng cho thấy ông đã biết về kế hoạch bay đó, đã biết để còn nạp dầu mỡ, tính cân, tính tải cho máy bay, sắp xếp kế hoạch bay.

Theo như ông nói, trách nhiệm chỉ thuộc về cơ trưởng, điều phái viên?

Điều tra sơ bộ chúng tôi đã thấy thông tin ban đầu của Vietjet đưa ra do thời tiết là sai. Chúng tôi đã yêu cầu hãng nhận lỗi và xin lỗi đi, đừng để Cục phải chính thức thông báo. Chúng tôi cũng đã báo cáo Bộ trưởng, đã yêu cầu Vietjet đình chỉ cả tổ bay.

Tuy nhiên, trách nhiệm không phải chỉ do cơ trưởng và điều phái viên của hãng. Chúng tôi đang rà soát lại toàn bộ quy trình để xảy ra sự việc này. Nếu quy trình nó hổng, thì lỗi đầu tiên là lỗi của chúng tôi. Nếu quy trình tài liệu rõ ràng rồi mà vẫn xảy ra, mà xảy ra thường xuyên thì cũng có lỗi trách nhiệm giám sát của nhà quản lý.

Đây là sự cố lần đầu xảy ra ở Việt Nam và chúng tôi đang tiếp tục điều tra, hiện chưa có kết luận chính thức.

Để xảy ra sự cố này, có ý kiến cho rằng chúng ta đã không kiểm soát được tốc độ tăng trưởng nóng của hãng hàng không, thưa ông?

Việc cho phép cấp thương quyền chỉ liên quan đến chủ trương phát triển hàng không của nhà nước và năng lực về mặt khai thác của hãng. Hiện nếu các hãng muốn mở thêm đường bay thì chúng tôi kiểm soát việc anh có đủ năng lực để mở rộng thị trường hay không. Không có chuyện do tăng trưởng nóng mà thiếu các điều kiện, năng lực để xảy ra mất an toàn.

Cá nhân tôi nghĩ rằng vụ việc này không ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng phát triển của Vietjet. Và tất cả các đánh giá của Cục đều đánh giá trên thực tế. Chắc chắn họ không đủ năng lực thì chúng tôi cũng không cấp phép.

Khách hàng có thể kiện vì bị hạ cánh nhầm sân bay?

Được, cái đó đã nói rõ trong Luật Hàng không, giải quyết theo hợp đồng dân sự. Nếu khách chứng minh được là theo kế hoạch họ phải có mặt ở Đà Lạt nhưng do lỗi chủ quan của hãng hàng không họ không đến được vào giờ đó khiến bị thiệt hại thì họ có thể kiện.

Liên quan việc thông tin sai nguyên nhân sự cố của Vietjet, Cục có hướng xử lý thế nào?

Tôi cũng bất ngờ khi họ đưa ra thông tin là do thời tiết. Chả nhẽ họ nghĩ chúng tôi sẽ không điều tra. Chúng tôi sẽ yêu cầu hãng giải trình. Trong hàng không, không bao giờ được phép lấp liếm các sự cố vì sẽ ảnh hưởng tới an toàn bay.

Xin cảm ơn ông

Theo Trường Giang

GTVT

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *