Doanh nghiệp 31/12/2013 06:43

Ám ảnh… thưởng tết

Thưởng tết bây giờ không những trở thành một gánh nặng đối với không ít đơn vị, doanh nghiệp, mà còn với cả người được nhận thưởng - khi họ phải gây sức ép như ngừng việc, lãn công thậm chí khiếu kiện… mới được có thưởng! Thưởng và được thưởng không còn là một chuyện vui dịp cuối năm nữa, mà đã trở thành nỗi ám ảnh, thậm chí là nỗi khiếp sợ của bao người.

Tổ chức công đoàn TPHCM tặng quà tết, chia sẻ khó khăn với công nhân.

Mất thưởng là mất tết

Lại một năm nữa, 400 công nhân của Cty CP xử lý rác Vietstar (huyện Củ Chi, TPHCM) không có thưởng tết. Còn nhớ tết năm ngoái, khi quyết định không thưởng cho công nhân, lý do được ban giám đốc đưa ra là do máy móc của nhà máy chưa đạt chuẩn theo quy định về môi trường nên sản xuất cầm chừng, công ty làm ăn không có lãi...

Cũng năm ngoái, khi Quỹ Tấm lòng vàng  Lao Động tặng quà tết cho công nhân của Cty CP xử lý rác Vietstar, ông Ngô Như Đức Việt - Phó Tổng giám đốc - phấn khởi hứa rằng, năm mới sẽ đầu tư, sửa chữa cải tiến nâng cấp hệ thống máy móc của nhà máy, đạt chuẩn theo quy định. Từ đó công suất năng suất cao hơn, doanh nghiệp có lời đời sống của người lao động chắc chắn sẽ được cải thiện khá hơn...

Tuy nhiên, một năm trôi qua, thêm một cái tết nữa đang cận kề, nhưng tình hình ở công ty này cũng không có gì khả quan.

Bà Nguyễn Tường Nguyên - Phó Bí thư thường trực huyện ủy Củ Chi - nói đỡ: “Bên công ty người ta cũng than dữ lắm, họ không có nguyên liệu, mỗi ngày thành phố đưa xuống cho họ lượng rác không đủ để xử lý, nhà máy hoạt động cầm chừng, năm 2014 mà thiếu rác, không phải công nhân không có thưởng tết mà không chừng nhà máy sẽ ngừng hoạt động”.

Bà Nguyễn Thị Ánh Thu - Chủ tịch LĐLĐ huyện Củ Chi - cũng thở dài: “Công nhân làm việc ở công ty này hầu hết là dân nghèo của địa phương. Năm nay lại là một năm khó với bà con! LĐLĐ đã xin hỗ trợ được 100 phần quà với giá trị khoảng 50 triệu đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” của địa phương để hỗ trợ cho công nhân nhưng cũng chưa thấm vào đâu. Vừa rồi công nhân của công ty kéo nhau lên quỹ trợ vốn CEP để vay tiền tiêu tết nhưng không được duyệt”.

“Quanh năm sống trong mùi hôi thối của rác thải, mấy ngày tết được thơm tho một chút thì không có tiền. Vay nhà nước thì đã bị từ chối, có người chịu đựng cảnh thiếu thốn trong mấy ngày đầu năm, cũng có người đi vay nóng để tiêu tết rồi mang nợ. Thực tình tôi chẳng còn trông mong gì ở thưởng tết nữa, nhắc đến chỉ thấy tủi thân” - chị Bích - công nhân của Vietstar - giọng đứt quãng, tiếng được tiếng mất vì bị cản trở bởi 3 lớp khẩu trang chống mùi hôi đang che kín mặt mũi.

Những ngày này, khi đi qua các khu trọ công nhân, đều nghe thấy những lời than vãn chuyện thưởng tết. Có người may mắn có thưởng tết nhưng để nhận được thưởng họ gặp phải đủ chuyện trần ai.

Công ty ra thông báo ngày làm việc cuối cùng mới được lãnh thưởng lúc đó là vào khoảng 28 - 29 tháng chạp, những công nhân ở xa lỡ đặt vé xe về sớm thì xem như không có tiền tiêu tết, có người ráng đợi ở lại nhận tiền thưởng thì chỉ riêng cái vé xe đã ngốn hơn một nửa tiền thưởng vì về cận tết vé xe bị đẩy lên cao ngất trời.

Tiền thưởng chia thành nhiều đợt, lãnh nhiều lần, có thưởng nhưng ăn tết xong công nhân mới nhận vì trước tết công ty chưa có tiền... Cá biệt, có công ty tìm mọi cách cắt giảm những lao động lương cao, thâm niên ngay thời điểm cuối năm để “né” thưởng tết, tiết giảm chi phí!

Đầu tháng 11, gần 200 công nhân Cty TNHH sản xuất hàng da Latek Việt Nam (KCX Linh Trung I, Q.Thủ Đức, TPHCM) đột ngột bị “đẩy” ra đường mà không hề được báo trước.

Trong số những công nhân phải “ra đi” có nhiều người làm việc ở công ty hơn chục năm. Chị Đức - người gắn bó với công ty này đã 16 năm nay - bật khóc: “Cả tuổi thanh xuân, sức khỏe mình đã cống hiến cho công ty, nay chỉ vì một chút khó khăn nhất thời mà họ “cạn tình” với mình. Nghĩ mà đau quá!”.

  

Công nhân Công ty Latek tập trung về công ty đòi phải trả tháng lương thứ 13 

Bất mãn với cách hành xử của công ty, nhiều ngày liên tiếp gần 200 công nhân đã tập trung về trụ sở, yêu cầu phải hỗ trợ công nhân lương tháng 13 vì thời điểm công nhân mất việc đã gần cuối năm.

“Công ty chấp nhận trả lương tháng 13, xem như được thưởng tết nhưng được thưởng mà rơi vào hoàn cảnh thế này thì tết có ý nghĩa gì nữa đâu” - anh Hưng - một công nhân khác - ngao ngán.

Chuyện vui, nhưng phải lén lút!

Ngày 20.12, trong buổi họp báo cuối năm về tình hình hoạt động tại các KCN - KCX năm 2013 của Ban quản lý các KCN - KCX TPHCM (Hepza), một nữ phóng viên chất vấn Hepza: “Luật quy định phải trả lương tháng 13 cho công nhân hay còn gọi là thưởng tết nhưng sao đến nay mới chỉ có 150 trong tổng số hơn 1.000 doanh nghiệp thuộc Hepza báo cáo về lương, thưởng tết mà không có chế tài nào đối với những doanh nghiệp còn lại?”.

Ông Hồ Xuân Lâm - Chánh văn phòng Hepza - kêu khổ: “Luật nào có quy định về việc thưởng tết. Thà rằng luật nêu rõ cuối năm phải trả cho người lao động tháng lương thứ 13 và phải báo cáo việc trả lương, thưởng tết lên cho cơ quan quản lý thì mình còn có cái để nói, đằng này luật không nói. Càng ngày số lượng doanh nghiệp báo cáo về lương, thưởng tết càng giảm, họ cũng đề nghị luôn là không công bố lương thưởng của công ty họ cho báo chí nên năm nay Hepza sẽ không công bố mức thưởng tết cao nhất, thấp nhất vì công bố chả được gì mà lại dễ xảy ra bất ổn lao động do công nhân sẽ so sánh, phân bì, trong khi mức thưởng tết cao nhất có thể là vài chục triệu hoặc hàng trăm triệu chỉ rơi vào một vài cá nhân là lãnh đạo do lương của họ cao.

Ông Lâm nhấn mạnh: Vì công bố lương cao nhất, thấp nhất không có ý nghĩa nên năm nay thông tin về lương, thưởng tết phía Hepza thông báo hết sức ngắn gọn: “Mức thưởng bình quân ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 4.720.000 đồng, doanh nghiệp trong nước là 3.260.000 đồng. Thời gian doanh nghiệp phát thưởng cho công nhân trễ nhất được báo cáo là 29 tháng chạp, công nhân được nghỉ tết từ 9-11 ngày”.

Để chứng minh cho nhận định của mình, ông Lâm lấy ví dụ, năm ngoái, một tờ báo đưa tin “Mức thưởng tết của Cty U là hơn 200 triệu đồng”. Ngay lập tức, công nhân kéo lên phòng giám đốc làm ầm ỹ tại sao lại có mức lương khủng như vậy trong khi công nhân thì chỉ có vài triệu đồng.

Phía công ty phải giải thích muốn... rách cổ là họ thưởng 1 tháng lương mà lương của tổng giám đốc cao nên thưởng cao. Và khi biết được mức lương khủng của tổng giám đốc, công nhân lại càng làm ầm ỹ hơn. Giải quyết xong với công nhân, phía Cty U quay ra “xử” Hepza vì đã thông tin cho báo chí. “Khổ là mình dặn đi dặn lại phóng viên đừng có đăng cụ thể tên công ty nhưng phóng viên cứ đăng thế nên buộc chúng tôi phải gửi thư yêu cầu phía báo đính chính” - ông Lâm giãi bày.

“Luật không quy định, không bắt buộc việc thưởng tết nhưng nếu doanh nghiệp làm ăn không có lãi, không thưởng hoặc thưởng năm nay ít hơn năm trước là sẽ có chuyện xảy ra nên cái chuyện thưởng tết phiền hà, khốn khổ lắm” - giám đốc một doanh nghiệp (không muốn nêu tên) thở dài.

Theo vị giám đốc này, Tết Nhâm Thìn năm 2012, do công ty ông còn làm ăn tốt nên thưởng tết cho công nhân 2 tháng lương bao gồm cả phụ cấp nên mỗi công nhân được gần 10 triệu đồng. Đến Tết Quý Tỵ năm 2013, công ty làm ăn khó khăn chỉ thưởng cho công nhân 1 tháng lương. “Vừa mới có thông báo thưởng tết, gần 2.000 công nhân liền ngừng việc phản đối, vụ ngừng việc kéo dài mấy ngày liền, khổ hết sức. Năm nay tình hình tiếp tục khó khăn, thưởng tết cũng không khá hơn năm ngoái, tôi hy vọng anh em công nhân sẽ hiểu” - vị giám đốc này nói.

Công đoàn yêu cầu sớm công khai mức thưởng tết

Trong những buổi làm việc với công đoàn các quận, huyện, công đoàn các KCN-KXC của thành phố, bà Nguyễn Thị Thu - Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - yêu cầu chủ doanh nghiệp sớm công khai mức lương, thưởng tết cho công nhân để công nhân biết và an tâm làm việc. Bà Thu cũng yêu cầu tổ chức Công đoàn phải giám sát việc trả lương, thưởng tết, hạn chế tối đa những “sự cố” do lương, thưởng tết gây ra.

Tiếp tục vận động 6.000 vé xe cho công nhân về quê

Để mọi công nhân đều có tết, năm nay, tổ chức Công đoàn TPHCM tiếp tục vận động 6.000 vé xe cho công nhân về quê. Ngày 25 Tết sẽ tổ chức họp mặt vui xuân cho 500 gia đình công nhân ở lại thành phố, tặng mỗi gia đình một phần quà trị giá 700.000 đồng và có phong bao lì xì cho con công nhân. Từ 26 Tết, thành phố sẽ bắt đầu những chuyến xe nghĩa tình đưa công nhân về quê sum họp cùng gia đình.
 
Theo Lê Tuyết
Lao động
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *