Doanh nghiệp 16/04/2014 08:25

ACB: Gánh nặng dự phòng sẽ còn "ăn mòn" lợi nhuận 2-3 năm tới

FICA - Dự báo ACB sẽ lấy lại được mức tăng trưởng trên trung bình trong những năm tới, lợi nhuận trước thuế 2014 sẽ đạt 1.203 tỷ đồng (tăng 16%) song Bản Việt cũng đánh giá, gánh nặng dự phòng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ACB ít nhất 2-3 năm nữa.

 


Tham dự ĐHCĐ của Ngân hàng TMCP Á Châu (HSX: ACB) tổ chức ngày 14/4, chuyên viên Ngô Bích Vân của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, Bản Việt đánh giá cao việc ACB kịp thời cơ cấu lại hoạt động và xử lý vấn đề nợ xấu trong 2 năm qua, dù các hoạt động này khiến lợi nhuận của ngân hàng giảm.

Theo nhận định của Bản Việt, ACB sẽ lấy lại được mức tăng trưởng trên trung bình trong những năm tới. Công ty dự báo lợi nhuận trước thuế 2014 của ACB sẽ đạt 1.203 tỷ đồng (tăng 16%) nhờ tăng trưởng tín dụng 13% và NIM tăng 0,17%.

Tuy nhiên, hệ số sinh lời thấp với ROE trung bình dự báo đạt 9,2% từ năm 2014-2018 có tác động tiêu cực lên định giá của Bản Việt đối với cổ phiếu ACB, dựa trên các phương pháp thu nhập thặng dư và PB. Cổ phiếu ACB hiện đang giao dịch tại PB 2014 là 1,2 lần và PE là 16,9 lần. Công ty giữ nguyên khuyến nghị "phù hợp thị trường" đối với ACB với giá mục tiêu 15.200 đồng.


Tái tập trung vào hoạt động cốt lõi

Tính đến cuối năm 2013, ACB đã giảm các khoản vay liên ngân hàng từ 29% tổng tài sản trong năm 2011 xuống chỉ còn 4% tổng tài sản, hoàn toàn đóng vị thế vàng và chuyển đổi các khoản nợ bằng vàng sang các khoản nợ bằng đồng nội tệ.

Huy động vốn phần lớn của ACB được dùng để mua trái phiếu chính phủ, khoản này tăng 65% so với năm 2012, chiếm 70% tổng đầu tư, trong khi tín dụng chỉ tăng 4%. Những động thái này cùng với việc lãi suất giảm trong năm 2013 đã khiến biên lợi nhuận và thu nhập từ lãi giảm xuống, tuy nhiên ngay lập tức giúp cho ACB thoát được những khoản lỗ bất thường và tái tập trung vào thế mạnh trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ.

Tăng dự phòng và thu hồi nợ giúp cải thiện giá trị tài sản

Năm 2013, ACB đã bắt đầu trích lập dự phòng cho các khoản tiền gửi quá hạn tại Vietinbank (dự phòng 375 tỷ đồng, hay 50% giá trị khoản tiền gửi) và khoản vay của Vinalines. ACB cũng thu hồi được 1.247 tỷ đồng trong năm 2012 trong số hơn 7.000 tỷ đồng nợ liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên (thành viên đồng sáng lập ACB) và các công ty của ông Kiên và dự kiến sẽ thu về 3.000 tỷ đồng nữa trong năm 2014.

Theo Bản Việt, dự phòng và thu hồi nợ tăng mạnh sẽ giúp cải thiện chất lượng tài sản, nhưng gánh nặng dự phòng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ít nhất 2-3 năm nữa.

Bản Việt dự báo, lợi nhuận trước thuế của ACB sẽ đạt 1.203 tỷ đồng (tăng 16%) nhờ tăng trưởng tín dụng đạt 13% và NIM tăng 0,17%. Theo đó, ROE 2014 sẽ tăng lên 7,4% từ mức 6,6% năm 2013.

Kế hoạch mua tối đa 33,8 triệu cổ phiếu quỹ

Lợi nhuận ròng sau thuế trong năm 2013 của ACB tăng 5% so với năm 2012, đạt 824 tỷ đồng, chỉ bằng 58% mục tiêu đã đề ra. Nguyên nhân chính là do thu nhập ròng từ lãi (NII) giảm 36% và chi phí dự phòng tăng 64%.

NII của ACB giảm được xác định nguyên nhân do tín dụng tăng trưởng thấp ở mức 4% so với mức tăng trung bình của các ngân hàng khác là 14% và tăng trưởng của toàn ngành là 12% - kết quả này khiến cho tài sản sinh lời giảm 2,3% so với mức tăng 10% của các ngân hàng khác.

Tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) giảm 0,84% xuống còn 2,9% do lãi suất giảm mạnh và tài sản sinh lời được chuyển thành các tài sản sinh lời thấp, cụ thể là từ các khoản vay liên ngân hàng chuyển thành trái phiếu chính phủ và các khoản vay bằng vàng chuyển thành các khoản vay bằng đồng nội tệ. Bên cạnh đó, chi phí dự phòng tăng vọt cũng ảnh hưởng tới NII.

Về phía ACB, ngân hàng đang lên kế hoạch tăng 14% tài sản lên 190.000 tỷ đồng trong năm 2014; huy động tăng 13%; tín dụng tăng 13%, với tỷ lệ dư nợ/vốn huy động là 78%. Nợ xấu mục tiêu được kiểm soát dưới 3% tổng dư nợ tín dụng. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.189 tỷ đồng, tăng 15%. Riêng trong quý I/2014, ACB đạt lợi nhuận trước thuế ước đạt 303 tỷ đồng (giảm 23% so với cùng kỳ).

Cũng trong năm nay, ACB dự kiến sẽ thoái vốn khỏi các ngân hàng khác nếu điều kiện thị trường thuận lợi. Ngân hàng có kế hoạch mua tối đa 33,8 triệu cổ phiếu quỹ từ ngày 24/03 đến ngày 23/04, tương đương 3,6% số lượng cổ phiếu lưu hành (trị giá 588 tỷ đồng tại mức giá đóng cửa phiên 16/4. Việc mua lại sẽ được tài trợ bằng 1.350 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại tại thời điểm kết thúc năm 2013. Lần mua lại cổ phiếu quỹ gần đây nhất của ACB là vào tháng 06/2013, khi ngân hàng đăng ký mua 55 triệu cổ phiếu và cuối cùng mua được 16 triệu cổ phiếu (trị giá 259 tỷ đồng).

Bích Diệp

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *