Chứng Khoán 16/10/2014 08:14

Những yếu tố nào chi phối TTCK trong quý 4?

FICA - Xu hướng giảm lãi suất, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết và những yếu tố hội nhập sẽ ảnh hưởng đến từng nhịp tăng giảm thị trường chứng khoán cuối năm.

Theo phân tích của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) tại báo cáo chiến lược mới phát hành, mặt bằng lãi suất vẫn đang trong xu hướng giảm tiếp tục có tác động tích cực đến tình hình hoạt động của đa số các doanh nghiệp và dòng tiền chảy vào kênh chứng khoán.

Mặc dù lãi suất huy động ở hàng loạt các ngân hàng lớn đã giảm khá mạnh kể từ đầu năm, tuy nhiên với việc tăng trưởng tín dụng còn cách mục tiêu 12-14% khá xa cùng với yếu tố lạm phát đang ở mức thấp, lãi suất huy động được dự báo vẫn còn dư địa được điều chỉnh xuống trong các tháng cuối năm.

Việc lãi suất huy động giảm sẽ có ảnh hưởng tích cực đến TTCK khi mà dòng tiền sẽ có xu hướng chuyển dịch sang các kênh đầu tư rủi ro.

Cùng với đó, mặt bằng lãi suất tín dụng nhiều khả năng cũng sẽ dần được điều chỉnh hạ xuống sau khi các ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn rẻ hơn. Điều này sẽ có tác động tích cực đến các ngành sản xuất kinh doanh do chi phí lãi vay giảm, đặc biệt là các ngành sử dụng đòn bẩy cao như công nghiệp, bất động sản và một số công ty có xu hướng dự trữ nguồn nguyên liệu đầu vào ở mức cao.

Mùa báo cáo KQKD quý III và triển vọng quý IV của các doanh nghiệp niêm yết sẽ là một trong những nhân tố chính tạo ra sự phân hóa giữa các dòng cổ phiếu, theo BVSC.

Thay vì tăng điểm đồng loạt như trong các nhịp tăng vừa qua, những tín hiệu hồi phục trên phương diện cơ bản sẽ được phản ánh rõ nét và mang tính phân hóa hơn trong thời gian tới, ngay cả trong nội bộ từng nhóm ngành.

Bên cạnh đó, mức độ đã phản ánh của thông tin vào diễn biến giá cổ phiếu có thể khiến diễn biến của một số nhóm ngành khó tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng mạnh.

BVSC cho rằng, các nhóm ngành tăng có phần trễ nhịp hơn nhưng có triển vọng KQKD tích cực trong dài hạn có thể sẽ thu hút dòng tiền sau khi đã được rút ra một phần ở các nhóm dẫn dắt.

Ngoài ra, thông tin về tiến trình đàm phán của các hiệp định thương mại tự do (TPP, AEC, ASEAN +6, VN-EU FTA) cũng sẽ có ảnh hưởng lớn và mang tính định hướng động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong trung-dài hạn.

Các hiệp định này mang lại các điều kiện thuận lợi cho khu vực xuất khẩu với mức tăng trưởng kim ngạch dự báo đạt mức 18% trong năm 2015.

Tình hình xuất khẩu của Việt Nam đang có những bước dịch chuyển kim ngạch sang những nhóm ngành được hưởng lợi và những thị trường của các thành viên trong khối. Các quỹ đầu tư cũng đã và đang có chiến lược đón đầu xu hướng này.

Tác động từ chính sách tiền tệ của Mỹ và những bất ổn chính trị trên thế giới, ngược lại lại có tác động tiêu cực đến dòng vốn ngoại.

Gói nới lỏng định lượng QE3 dự kiến sẽ kết thúc trong tháng 10 và nhìn xa hơn là việc lãi suất cơ bản của hệ thống ngân hàng Mỹ sẽ được tăng trở lại trong năm 2015 sẽ tiếp tục gây ra nguy cơ rút vốn khỏi các thị trường mới nổi nói chung trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, diễn biến thị trường cũng sẽ phần nào chịu tác động bởi những vấn đề bất ổn trên thế giới, hiện đang nổi lên là diễn biến căng thẳng quân sự tại Ukraina và biểu tình đòi tăng quyền dân chủ ở Hồng Kông.

Đây là những yếu tố tác động mang tính gián tiếp, có thể gây ra những đợt rút vốn ngắn hạn của khối ngoại do nhu cầu cân bằng rủi ro cho danh mục tổng thể.

Mặc dù vậy, với những yếu tố ổn định trở lại của nền tảng kinh tế vĩ mô, mức độ rút vốn khỏi TTCK Việt Nam nhiều khả năng sẽ không lớn so với các thị trường khác. Hơn nữa, TTCK Việt Nam trong vài tháng trở lại đây chứng kiến tỷ trọng giao dịch của dòng vốn nội đang tăng dần so với dòng vốn ngoại.

Vì vậy, BVSC cho rằng, những ảnh hưởng sẽ chỉ mang tính thời điểm và ngắn hạn với mức độ tác động không lớn đến xu hướng chủ đạo của thị trường.

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *