• -
Chứng Khoán 07/08/2014 16:07

Làn sóng mua bán sáp nhập mới và khả năng chấp nhận rủi ro

Làn sóng đầu tư này cũng có thể chỉ là một gợn sóng nếu những yếu kém trong quản trị doanh nghiệp không được xử lý

 

Làn sóng mua bán sáp nhập mới và khả năng chấp nhận rủi ro

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại Diễn đàn

 

(ĐTCK) Diễn đàn M&A 2014 với chủ đề “M&A trước làn sóng thứ hai” do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức khai mạc tại TP. HCM chiều ngày 7/82014. Diễn đàn chia làm 3 phiên thảo luận với những chủ đề khác nhau.
 

Mở đầu phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề: Đón làn sóng M&A thứ hai, ông John Ditty, Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cho biết, hoạt động M&A tại Việt Nam tăng mạnh từ năm 2008, nhưng bắt đầu suy giảm vào năm 2013 và năm 2014 cũng sẽ là một năm ảm đạm. Tuy nhiên, xu hướng sẽ tăng trở lại vào năm 2015 khi các bên bán có những kỳ vọng thực tế hơn và tính minh bạch cao hơn.

Những yếu tố tác động đến Làn sóng thứ hai theo ông John Ditty, đó chính là các hoạt động cổ phần hóa và hoạt động bán thoái vốn sau đó trong khu vực vốn nhà nước với các tài sản lớn và có chất lượng tốt thuộc sở hữu nhà nước; việc tăng mức vốn sở hữu nước ngoài trong một số ngành và khu vực; việc hợp nhất sáp nhập nhằm tăng cường tính cạnh tranh và củng cố chất lượng bảng cân đối kế toán; tăng cường sự quan tâm và mức độ đầu tư vào thương mại nội vùng…  

“Tuy nhiên, làn sóng đầu tư này cũng có thể chỉ là một gợn sóng nếu những yếu kém trong quản trị doanh nghiệp không được xử lý, Chính phủ không nỗ lực thúc đẩy việc thực hiện các chính sách đã công bố, nhà đầu tư phải có lòng tin với các hoạt động quản lý, giao dịch minh bạch không bao giờ thừa…” ông John Ditty cảnh báo và nhấn mạnh việc cần thiết phải hiểu rằng, hoạt động mua bán và sáp nhập là nhằm tăng cường sự thịnh vượng lâu dài cho tất cả các bên liên quan. Hoạt động mua bán sáp nhập không nên chỉ nhằm mục đích thu lợi trước mắt.

“Sự thành công của làn sóng mới phục thuộc vào khả năng chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư”.

 TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn M&A 2014 phát biểu tại Diễn đàn

 
Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư Công ty Savills Việt Nam, thị trường sẽ tiếp tục có nhiều thương vụ chuyển nhượng các dự án phát triển nhà ở, bao gồm phan khúc căn hộ, bất động sản gắn liền với đất và khu dân cư.
 

Trong phân khúc khách sạn, lượng khách du lịch ngày càng tăng nhanh cả trong và ngoài nước là lý do để đầu tư vào các khách sạn ở trung tâm thành phố cũng như các khu nghỉ dưỡng venn biển.

“Sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn chiếm phần lớn các hoạt động M&A trong hai năm qua dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng. Bên cạnh đó Savills cũng nhìn thấy nhu cầu ngày càng tăng từ các nhà đầu tư Singapore và Đài Loan ở phân khúc nhà ở và văn phòng. Dự kiến sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động ở hai phân khúc này trong những tháng cuối năm 2014 và trong năm 2015”, ông Khương nhận định.

Theo ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cấp cao Recof (Nhật Bản), Việt Nam là thị trường M&A lớn nhất đối với Nhật Bản, dù nửa đầu năm 2014 các giao dịch này có sự sụt giảm. Việt Nam vẫn còn nhiều điểm thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản như chi phí lao động thấp, có tay nghề, Việt Nam có sự ổn định về chính trị…

Tuy nhiên, ông Masataka Sam Yoshida cho rằng, vẫn còn một số khúc mắc giữa hai bên cần được giải quyết. Chẳng hạn như về phía Việt Nam, các doanh nghiệp đang  kỳ vọng quá cao về mặt giá trị công ty, trong khi phía Nhật luôn căn cứ vào giá thị trường...

Để giải quyết những vấn đề còn khúc mắc này, ông Masataka Sam Yoshida đưa ra lời khuyên với các doanh nghiệp Việt Nam là hãy kiên nhẫn và đừng có sử dụng cách tiếp cận thông qua nhiều nhà tư vấn khác nhau;  thông tin chính xác ngay từ đầu; nên tìm nhà tư vấn có chất lượng hiểu cách làm của cả Việt Nam và Nhật Bản để theo dõi sát sao cả hai bên; giá cả là quan trọng, nhưng không phải là tất cả, mà quan hệ lâu dài mới quan trọng hơn; sự hợp lực giữa hai bên mới mang lại lợi ích lâu dài cho cổ đông và khách hàng.

Về phía các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Masataka Sam Yoshida cho rằng, cần có giá đàm phán tốt hơn, phải hiểu được các phương pháp đàm phán không đồng nhất với nhau nên phải có nhiều hơn một phương án đàm phán, đừng chờ cho đến khi có đủ thông tin mới đàm phán.

Doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng sẽ thực hiện một số giao dịch có quy mô tương đối lớn với những doanh nghiệp có thị phần cao, những công ty có chất lượng tốt về quản lý và kiểm soát nội bộ ... Trong khi đó, đối với doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung năng lực quản lý trong quá trình giao dịch, mức độ cung cấp thông tin phải trung thực, giá trị được chào phải rõ ràng minh bạch, nhận biết những vấn đề tiềm năng trong quá trình giao dịch…

“Nếu hai bên giải quyết được những vấn đề này thì làn sóng M&A thứ hai đã có thể sẵn sàng”, ông Masataka Sam Yoshida nhận định.

Theo N.Lan

ĐTCK

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *