Doanh nghiệp 30/04/2014 07:17

TPP - doanh nghiệp mù mờ!

Hiệp định TPP đã bước vào giai đoạn chuẩn bị hoàn tất, nhiều doanh nghiệp (DN) ngóng chờ, bởi “nghe nói” sẽ có nhiều cơ hội - và hẳn nhiên là cả thách thức, khó khăn - để thâm nhập sâu vào thị trường toàn cầu. Thế nhưng, thuận lợi thế nào, khó khăn ra sao... thì hầu hết DN còn rất mù mờ, hiểu như thầy bói mù sờ chân voi.

Tại hội nghị sơ kết 3 năm (2011 - 2013) hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Tiền Giang, hầu hết đại biểu thừa nhận mình chỉ mới nắm bắt thông tin về Hiệp định thương mại đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt làTPP) chủ yếu từ báo chí, internet và chỉ hiểu đôi chút. Ví dụ như: Ngành dệt may, giày dép sẽ có nhiều lợi thế khi xuất khẩu; các ngành ôtô, nông phẩm sẽ khó khăn khi hàng nhập tràn vào tự do, giá rẻ; tới đây nước ngoài đòi hỏi về xuất xứ hàng hóa rất cụ thể, thủ tục phức tạp; TPP đòi hỏi sản phẩm phải chất lượng hơn, quản lý phải chuyên nghiệp hơn, thân thiện môi trường hơn... nhưng nếu hỏi DN phải chủ động làm gì thì chưa doanh nhân nào dám nói mình tường tận.

“Bức tranh mù mờ” của DN về TPP được ông Trần Đỗ Liêm - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Tiền Giang, đồng thời cũng là “thuyền trưởng” đang lèo lái HTX Rạch Gầm (đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới) vẽ lên rất rõ: “Khá nhiều ông, bà chủ DN không những chưa có kế hoạch cụ thể nào cho việc chuẩn bị mà còn khá mơ hồ về nội dung hiệp định sẽ ký trong thời gian tới. Lý do là các thông tin, nội dung và quá trình tiến triển của việc đàm phán hiệp định đến được doanh nhân còn rất hạn chế. Đến nay, chưa có buổi hội thảo, buổi nói chuyện nào thông tin rõ ràng cho doanh nhân chúng tôi biết!”.

Thiết nghĩ, các cơ quan nhà nước cần sớm cung cấp các thông tin chính xác, đầy đủ về các cam kết trong TPP khi hiệp định này được thông qua; đồng thời chủ động xây dựng cơ chế, chính sách quy định phù hợp Hiệp định TPP; tổ chức tập huấn về các chính sách luật định trong nước liên quan đến các quy định của TPP, tránh cho DN khi đưa sản phẩm ra thị trường bị bắt lỗi vi phạm cam kết TPP (đặc biệt là đối sách cho những DN sản xuất sản phẩm nông nghiệp - vốn là đặc thù của vùng ĐBSCL - ứng phó trong cạnh tranh khi sản phẩm nông nghiệp các nước trong TPP tự do nhập vào với mức thuế rất thấp...).

Tóm lại, ngay từ bây giờ cần nhanh chóng có kế hoạch hỗ trợ doanh nhân, DN hiểu tường tận về TPP, qua đó thấy được khó khăn - thuận lợi, cơ hội mà TPP đem lại để từ đó triển khai kế hoạch sản xuất - kinh doanh gắn với đầu tư công nghệ, nhanh chóng tham gia tích cực, có hiệu quả vào thị trường chung của thế giới, đưa DN sớm phát triển ở tầm cao hơn...

Theo An Huy

Lao động

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *