Bất động sản 24/08/2020 08:00

Những tâm sự "nhói lòng" của môi giới bất động sản mùa Covid-19

Covid -19 tái bùng phát khiến nhiều ngành nghề "đóng băng". Trong đó, hoạt động “cò đất” cũng chịu nhiều tác động, thậm chí, nhiều người không có thu nhập trong vài tháng liền.

Dùng tiền tiết kiệm để sống

Tình cảnh của thị trường bất động sản hiện nay là vô cùng khó khăn. Tại một số địa phương, dù có sản phẩm được tung ra nhưng lượng tiêu thụ không như ý muốn. Đời sống của “cò đất” lâm vào tình thế... ngày càng xấu đi.

Anh Lê Ngọc Duy (ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) tham gia hoạt động “cò đất” được hơn 2 năm. Thị trường của Duy chủ yếu ở huyện Bình Chánh và khu vực giáp ranh Long An.

Theo anh Duy, vào lúc thị trường sốt, mỗi tháng kiếm được hơn 20 triệu đồng. Thế nhưng, dịch bệnh bùng phát từ sau Tết nguyên đán đã khiến cho công việc “cò đất” gặp nhiều trở ngại, thu nhập giảm suốt.

Những tâm sự nhói lòng của môi giới bất động sản mùa Covid-19 - 1

Nhiều “cò đất” không có thu nhập trong vài tháng liền

Từ cuối năm 2019 việc bán đất đã gặp nhiều khó khăn. Đến những tháng đầu của 2020, thành phố siết chặt công tác xây dựng, phân lô tách thửa ở huyện Bình Chánh nên việc giới thiệu đất lại càng khó hơn nữa.

"Dịch bệnh bùng phát khiến cho thị trường ảm đạm, khách hàng cũng có người hỏi nhưng hỏi rồi thôi chứ thấy có ai mua đâu. Mấy tháng liền không có thu nhập, tôi phải dùng tiền tiết kiệm để sống…”, anh Duy chia sẻ.

Sợ một ngày không xa tiền tiết kiệm cũng hết, Duy chuyển từ làm sale bất động sản sang làm gia sư.

Tương tự, chị Khuất Ánh Hồng (ngụ huyện Nhà Bè) cũng đang đau đầu khi kiếm người mua căn nhà hơn 50m2 ở huyện Nhà Bè suốt nhiều tháng qua vẫn chưa có khách hàng.

Theo chị Hồng, người có nhu cầu thật thì thời điểm hiện tại không dám mua nhà vì không dám vay ngân hàng, sợ lãi suất cao. Đối với giới đầu tư thì không dám bung tiền vì vẫn còn lo ngại dịch bệnh...

Ngồi chơi xơi nước hoài cũng làm cho Hồng và các đồng nghiệp nản. Hồng may mắn còn độc thân nên chi phí trang trải cho cuộc sống cũng không nhiều. Tuy nhiên, gia đình ở quê trông đợi vào khoản tiền Hồng gửi về hàng tháng thì lâu nay bị cắt giảm rồi chấm dứt hẳn.

Hồng kể, cô tốt nghiệp đại học ra trường, không xin được việc làm phù hợp nên chuyển sang làm sale bất động sản. 3 năm trước còn ấm chứ cả năm nay thì... lạnh tanh. Gọi cả 100 cuộc tư vấn mỗi ngày thì đa phần khách cúp máy hoặc chửi. Người nào quan tâm thì nghe và hỏi vài câu vu vơ rồi thôi chứ người đi xem dự án chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mà có đi xem cũng không dễ gì họ xuống tiền.

"Mấy tháng rồi không bán được mảnh đất nào, đồng nghĩa với việc không thu được tiền. Công ty thì cũng không còn tài chính để nuôi môi giới. Ở quê ba mẹ cũng trông chờ vụ mùa, 2 đứa em nhỏ sắp vào năm học mới nên áp lực ghê anh à. Em tính xin việc khác mà thời điểm này kiếm được việc không phải dễ...", Hồng thở dài lo lắng.

Thị trường tiếp tục sụt giảm

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, việc “cò đất” đói thu nhập không có gì lạ trong thời điểm của dịch bệnh. Bênh cạnh đó, thị trường đang cho thấy sự sụt giảm vô cùng lớn ở nhiều phân khúc.

Báo cáo của Savills Việt Nam về thị trường bất động sản TPHCM nửa đầu 2020, ở phân khúc nhà ở thương mại đang gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát trên toàn thế giới, kéo theo sự sụt giảm về nhu cầu của người dân, rào cản pháp lý và giấy phép tồn đọng...

Bên cạnh đó, phân khúc căn hộ, nhà phố, biệt thự đều chứng kiến sự sụt giảm về nguồn cung đáng kể. Cụ thể, nguồn cung căn hộ mới giảm tới 52% so cùng kỳ năm ngoái, với hơn 9.100 căn, mức thấp nhất trong 5 năm qua. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với phân khúc biệt thự, nhà phố, đất nền sơ cấp khi giảm 43%, với 3.250 căn/nền được tung ra thị trường.

Những tâm sự nhói lòng của môi giới bất động sản mùa Covid-19 - 2

Nhiều sale bất động sản đổi nghề để kiếm thu nhập cầm cự qua mùa dịch

Ngoài ra, lượng giao dịch cũng giảm theo do ảnh hưởng bởi nguồn cung thấp. Cụ thể, giao dịch căn hộ giảm tới 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn biệt thự, nhà phố giảm 34%. Đối với phân khúc đất nền sự sụt giảm tới 67%. Hiện tại, các quận phía Đông đang thống trị thị trường với gần 80% thị phần.

Theo Savills Việt Nam, thời điểm này đa số nhà phát triển bất động sản đều đang có tâm lý thận trọng do không chắc chắn về thị trường, còn các nhóm hay cá nhân đầu tư khá e dè do việc mua bán tài sản hay dự án đều phải cần nguồn vốn lớn. Không ít chủ đầu tư phải bán tháo tài sản và danh mục đầu tư của mình do thua lỗ.

Ông Nguyễn Anh Đào, Tổng Giám đốc một công ty môi giới bất động sản cho biết, thời điểm này, nhà đầu tư đang dừng lại nghe ngóng, chờ đợi cơ hội. Nhiều nhà đầu tư đang mang tâm lý chờ thị trường địa ốc giảm tốc, chờ giá tốt để mua vào. Do đó, nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng.

"Việc không có sản phẩm mới và tâm lý e dè thị trường của khách hàng khiến nhiều công ty môi giới lao đao. Hệ quả tất yếu là đời sống của một bộ phận sale nhà đất cũng không còn rủng rỉnh. Nghề môi giới không còn hấp dẫn như trước khiến không ít người bỏ nghề", ông Đào nói.

Quế Sơn

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *