Bất động sản 21/08/2020 16:26

Soi "hàng tồn kho" vô cùng lớn của loạt đại gia bất động sản

Con số tồn kho của một số doanh nghiệp bất động sản tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2020.

Bất ngờ nhất trong danh sách phải kể đến  Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG)

Công ty bất động sản này mới niêm yết trên HoSE từ đầu tháng 1 năm nay và giá trị hàng tồn kho tính đến cuối năm 2019 là 2.611 tỷ đồng. Vậy nhưng chỉ sau 6 tháng, AGG đã nhảy vọt đứng trong nhóm các công ty bất động sản niêm yết có hàng tồn kho rất lớn.

Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2020 của AGG cho thấy, hàng tồn kho tính đến 30/6/2020 của công ty là 4.906 tỷ đồng, tăng gần 88% so với hồi đầu năm. 

Với giá trị tồn kho này, hơn 60,4% tài sản của AGG đang nằm ở hàng tồn kho. Được biết, việc hàng tồn kho tăng vọt bất thường này đến từ việc AGG nhận hợp nhất công ty Hoàng Ân.

Cuối tháng 6/2020, AGG đã mua thêm 5% cổ phần Hoàng Ân, tăng tỷ lệ sở hữu từ 45,01% lên 50,01%, do đó các tài sản của Hoàng Ân được hợp nhất vào AGG, trong đó giá trị hàng tồn kho được hợp nhất là 1.945 tỷ đồng đến từ bất động sản dở dang dự án The Sóng.

Soi hàng tồn kho vô cùng lớn của loạt đại gia bất động sản - 1

Một dự án của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia.

Song song với đó, việc ghi nhận thu nhập từ việc đánh giá lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào Hoàng Ân đã giúp AGG ghi thêm 190,6 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính ngay sát cuối quý 2.

Đây là nguyên nhân chủ chốt khiến AGG không những không lỗ trong quý 2 mà còn đẩy được lợi nhuận sau thuế tăng mạnh. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận sau thuế của AGG đạt 192,9 tỷ đồng, một con số bất ngờ khi trong quý 1, lợi nhuận mang về chỉ ở mức 694 triệu đồng.

Một ông lớn mới đây khiến nhà đầu tư xôn xao khi đảo lãi thành lỗ khủng sau kiểm toán là Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) cũng nằm trong danh sách trên với mức tăng hàng tồn kho trong 6 tháng cũng lên tới 30%.

Tính đến 30/6/2020, giá trị hàng tồn kho của DXG là 8.844 tỷ đồng, tăng thêm hơn 2 nghìn tỷ so với hồi đầu năm và chiếm 43% tổng tài sản doanh nghiệp.

Trong đó, 8.516 tỷ đồng là giá trị bất động sản dở dang, phần lớn nằm tại dự án Gem Sky World (3.289 tỷ đồng) và dự án Gem Riverside (1.579 tỷ đồng).

DXG cũng đang phải đối mặt với tình trạng nợ phải trả lớn với 11.829 tỷ đồng (tính tại thời điểm cuối tháng 6/2020), chiếm 58% nguồn vốn doanh nghiệp.

Khoản nợ vay tài chính hơn 5.844 tỷ đồng khiến chi phí lãi vay của DXG ngày càng trở nên nặng nề. Trong 6 tháng, công ty đã phải chi ra hơn 140,5 tỷ đồng để trả lãi vay cho các khoản nợ trên.

Trong nửa đầu năm, lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động kinh doanh của DXG là âm 1.540 tỷ đồng.

Doanh nghiệp hiếm hoi có giá trị hàng tồn kho giảm nhiều là Quốc Cường Gia Lai (QCG).

Dù chưa công bố báo cáo tài chính soát xét nhưng theo báo cáo tự lập, tính đến cuối quý 2/2020, hàng tồn kho của QCG đã giảm từ 8.449 tỷ đồng đầu năm xuống còn 7.279 tỷ đồng, tương đương giảm 14%, trong đó giá trị bất động sản dở dang là 6.801 tỷ đồng (báo cáo không thuyết minh chi tiết giá trị dở dang tại các dự án).

Nhờ đó, vị trí của QCG đã giảm 5 bậc trong top 10 doanh nghiệp bất động sản niêm yết có hàng tồn kho siêu lớn.

Dù giảm tồn kho nhưng giá trị của khối này vẫn rất lớn, hiện vẫn đang chiếm gần 69% tổng tài sản của QCG. 

QCG cũng vừa trải qua một kỳ kinh doanh không mấy tích cực trong quý 2. Doanh thu thuần quý này dù đạt 946 tỷ đồng, tương đương gấp gần 5 lần cùng kỳ năm ngoái nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp giảm cùng việc gia tăng các loại chi phí khiến lợi nhuận sau thuế chỉ còn 18 tỷ đồng, giảm 42%. Thậm chí, lợi nhuận cổ đông công ty mẹ lại âm hơn 3,5 tỷ đồng.

Tổng giá trị hàng tồn kho của top 10 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán tính đến cuối quý 2/2020 ở mức 193.673 tỷ đồng, tăng hơn 8.476 tỷ so với hồi đầu năm.

Nhìn vào top 10 doanh nghiệp bất động sản niêm yết có hàng tồn kho lớn nhất quý 2/2020 cho thấy xu hướng tồn kho tăng vẫn còn tiếp tục tuy nhiên mức tăng thực tế khá thấp.

Ngoại trừ các doanh nghiệp có mức tăng đột biến đã kể trên là nguyên nhân chính khiến tổng giá trị tồn kho của cả nhóm tăng thì các doanh nghiệp lớn khác như KBC, BCM đều chỉ tăng dưới 6%.

Nguyễn Mạnh

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *