Bất động sản 20/11/2018 15:35

Kiến nghị bỏ trần lượng căn hộ bán cho người nước ngoài

HoREA kiến nghị không khống chế tỷ lệ tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư, hoặc không quá hai trăm năm mươi (250) căn nhà trong đơn vị hành chính cấp phường.

Trong công văn gửi lên Thủ tướng và các Bộ ngành liên quan, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, tai Luật Nhà ở, quy định trần 30% số căn hộ trong tòa nhà chung cư hoặc 250 căn nhà trong một đơn vị hành chính cấp phường được bán cho cá nhân nước ngoài chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, nhất là tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại 1.

Theo HoREA, hiện nay, tại một số khu vực như Phường Tân Phong, quận 7 có khu đô thị Phú Mỹ Hưng, phường Thảo Điền, phường An Phú, quận 2, phường Bến Thành, quận 1 được nhiều người nước ngoài lựa chọn cư trú, bằng hình thức mua và sở hữu nhà ở, hoặc bằng hình thức thuê nhà ở, nên vẫn hình thành cộng đồng người nước ngoài cư trú chiếm tỷ lệ cao trong một chung cư, hoặc trong một phường.

Do vậy, việc giới hạn tỷ lệ hoặc số lượng nhà ở mà người nước ngoài được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư, hoặc không quá hai trăm năm mươi (250) căn nhà trong đơn vị hành chính cấp phường là chưa thật thỏa đáng, mà nên giao quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Theo đó, Hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản (1.b) và khoản (1.c) Điều 159 của Luật Nhà ở 2014 theo hướng không khống chế tỷ lệ tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư, hoặc không quá hai trăm năm mươi (250) căn nhà trong đơn vị hành chính cấp phường; và giao quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định tùy theo yêu cầu và tình hình thực tiễn của địa phương.

Hiệp hội cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở theo hướng quy định quyền của cá nhân nước ngoài là chủ sở hữu nhà thì được quyền bán lại căn nhà đó cho người Việt Nam, hoặc cho người nước ngoài nhập cảnh hợp pháp; Ngân hàng Nhà nước quy định điều kiện, thủ tục đối với cá nhân nước ngoài khi chuyển tiền ra nước ngoài;

Ngoài ra, tại Luật Nhà ở, HoREA cũng cho rằng, các quy định về quản lý, vận hành chung cư, cụm chung cư hiện cũng chưa đầy đủ, chưa có chế tài đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trước tình hình tranh chấp xảy ra tại chung cư có xu thế ngày càng gia tăng, trọng tâm là các vấn đề tổ chức hội nghị chung cư, bầu Ban quản trị, tranh chấp quỹ bảo trì chung cư, quỹ quản lý vận hành chung cư, các nguồn thu từ bãi giữ xe, các không gian có thể cho thuê sinh lợi, tranh chấp về sở hữu chung, sở hữu riêng, về chất lượng công trình, thiết bị; đã xuất hiện dấu hiệu đối tượng ngoài xã hội can dự vào các tranh chấp này để trục lợi.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 98 Luật Nhà ở 2014: "Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định việc phân hạng và công nhận phân hạng nhà chung cư". Quy định này không cần thiết trên thực tế, vì đã 10 năm nay, không có chung cư nào đề nghị phân hạng chung cư. Nhưng việc không quy định tiêu chí "chung cư cao cấp; căn hộ hạng sang, siêu sang" (sử dụng kèm theo tên bằng tiếng nước ngoài) đã dẫn đến tình trạng một số chủ đầu tư, đơn vị môi giới lợi dụng kẽ hở này để quảng cáo sai sự thật, lừa dối khách hàng khi bán nhà ở hình thành trong tương lai nhằm mục đích trục lợi;

HoREA cho hay, Luật Nhà ở 2014 đã có hiệu lực từ ngày 01/07/2015, nhưng đến nay, Bộ Xây dựng vẫn chưa ban hành "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư - QCVN 04:2018/BXD" (mới) để thay thế Quy chuẩn cũ đã hết hiệu lực. Trong đó, có quy định về diện tích tối thiểu căn hộ chung cư nhà ở thương mại có thể dưới 45m2.

Các quy định về phá dỡ nhà chung cư cũ hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ hoặc nhà chung cư cũ khác để xây dựng lại và thực hiện chính sách tái định cư đã được quy định tương đối hoàn chỉnh trong Luật Nhà ở và Nghị định 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Nhưng có một quy định có tính bất cập, gần như không thể thực hiện được trên thực tế;

Luật Nhà ở 2014 quy định chính sách nhà ở xã hội nhưng ngoại trừ nguồn vốn ngân sách 2.000 tỷ đồng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2017, trong đó có 1.262 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội thì cho đến nay, gần như đa số người mua nhà ở xã hội phải vay thương mại với lãi suất khoảng 9%/năm chứ chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này; Bốn ngân hàng thương mại (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) được Ngân hàng Nhà nước chỉ định tham gia chương trình nhà ở xã hội vẫn chưa được bố trí nguồn tái cấp vốn ngân sách này.

Phương Dung

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *