Bất động sản 10/09/2014 08:00

Hơn 3.000 tỷ đồng xây dựng tuyến xe buýt nhanh

FICA - Ngày 9/9, UCCI phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức hội thảo “Dự án giao thông xanh TPHCM – Ý tưởng và thiết kế cơ sở”.

UBND TPHCM giao Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông - Đô thị thành phố (UCCI) làm chủ đầu tư, triển khai dự án xây dựng tuyến xe buýt nhanh (BRT) dọc đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, dài 23,5km, tổng vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng.

Kết nối mạng lưới giao thông công cộng

Phối cảnh ga đầu – cuối Rạch Chiếc
Phối cảnh ga đầu – cuối Rạch Chiếc
 

Ngày 9/9, UCCI phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức hội thảo “Dự án giao thông xanh TPHCM – Ý tưởng và thiết kế cơ sở”. Trong đó, tuyến BRT dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ là tuyến số 1 được chọn triển khai đầu tiên trong mạng lưới 6 tuyến BRT được quy hoạch của thành phố. Tuyến BRT số 1 sẽ giao cắt với các tuyến Metro M1, M2, M3A, M5 trong tương lai.

Tuyến BRT số 1 có điểm đầu tại nút giao thông vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân), điểm cuối tại ngã 3 Cát Lái (quận 2); đi qua 6 quận gồm: Bình Chánh, Bình Tân, quận 6, quận 5, quận 1 và quận 2; dài khoảng 23,5km; Ga đầu – cuối tại khu Liên hợp Thể dục thể thao Rạch Chiếc (quận 2); toàn tuyến có 32 trạm dừng, 1 bãi hậu cần kỹ thuật.

Mục tiêu của dự án là góp phần nâng cao năng lực giao thông, rút ngắn thời gian đi lại trên tuyến đường từ phía Tây sang phía Đông thành phố và ngược lại. Qua đó, tổ chức lại không gian đô thị, tăng cường mảng xanh dọc tuyến, giảm lượng khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường.

Ngoài chức năng phục vụ hành khách đi lại trên tuyến BRT, nhà ga còn là đầu mối liên kết tuyến xe buýt nội thị, liền kề và các hình thức giao thông khác với tuyến BRT số 1 và trong tương lai là toàn bộ hệ thống giao thông đô thị của thành phố.

Hoa sen được chọn làm ý tưởng cho nhà chờ tuyến BRT
Hoa sen được chọn làm ý tưởng cho nhà chờ tuyến BRT

Theo thiết kế cơ sở tuyến BRT số 1, khối lượng vận chuyển sẽ đạt 31.600 hành khách/ngày vào năm 2018 và 86.250 hành khách/ngày vào năm 2030; vận tốc lữ hành là 60km/h và vận tốc khai thác là 30km/h.

Về giải pháp thiết kế vận hành, chọn 2 làn đường trung tâm dành riêng cho BRT. Bởi ưu điểm sau: không xung đột với làn xe rẽ phải, nhà chờ trung tâm có thể phục vụ cho cả hai hướng BRT đi và về, vì vậy chi phí đầu tư nhà chờ thấp hơn, dễ dàng tích hợp các tuyến BRT, ngoài ra hành khách có thể chọn đi một trong nhiều tuyến tại cùng một nhà chờ. Xe có hệ thống hỗ trợ người tàn tật, sử dụng khí nén thiên nhiên CNG.

 

Tại hội thảo, một số chuyên gia cho rằng, đây là loại hình vận tải đô thị mới, trong khi thành phố chưa có kinh nghiệm xây dựng, vận hành và khai thác. Khi vận hành, tuyến BRT sẽ làm giảm diện tích đường cho xe cá nhân do đó làm giảm tốc độ của phương tiện cá nhân. Chính vì vậy, TPHCM cần xem xét cẩn trọng và chính xác.

Tuyến BRT là tiền đề thay đổi thói quen đi lại của người dân

Phối cảnh tổng thể trạm dừng BRT
Phối cảnh tổng thể trạm dừng BRT
 

Theo ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban UCCI, có 2 thách thức lớn đối với việc hoàn thành tuyến BRT đầu tiên này. Thứ nhất, làm sao xây dựng được lộ trình tối ưu trên toàn tuyến và hệ thống hạ tầng đảm bảo tính đa mục tiêu. Ngoài là một hệ thống xe buýt nhanh thì ở đây phải đảm bảo các yếu tố về môi trường, không gian đô thị, thật sự thân thiện và hiệu quả với người dân. Thách thức thứ 2 là công tác quản lý vận hành, với tuyến xe buýt nhanh này thì chúng ta cần sự khác biệt trong thái độ, quản lý, điều hành và chất lượng phục vụ người dân. Bên cạnh việc thiết kế tốt nhất, thi công tốt nhất thì yêu cầu nữa là con người phải tốt nhất để tạo ra dịch vụ tốt nhất trong tuyến xe buýt nhanh số 1 này.

 

Ông Phúc cho biết thêm “phía Ban quản lý sẽ xây dựng một mức phí hợp lý, tương ứng với chất lượng dịch làm sao để hấp dẫn người dân, làm sao người dân lựa chọn loại hình dịch vụ này. Công trình này là của người dân thành phố và chúng tôi sẽ lắng nghe nguyện vọng của mọi người để có thể đưa ra phương án tài chính tốt nhất trong vấn đề khai thác, vận hành. Và chúng ta có thể xem đây là thách thức thứ 3 của dự án BRT. Người dân có thói quen sử dụng phương tiện cá nhân nên việc thay đổi là không dễ. Chúng ta phải làm sao khi tuyến BRT ra đời sẽ là tiền đề cho người dân lựa chọn phương tiện giao thông công cộng trong tương lai”.

 

Ngân hàng thế giới (WB) đã quan tâm, hỗ trợ TPHCM nghiên cứu phát triển hệ thống BRT này. Cụ thể, phía WB đã tài trợ vốn ODA cùng nguồn vốn đối ứng từ ngân sách thành phố để thực hiện dự án phát triển Giao thông xanh TPHCM. Hiện nay trong nguồn vốn có khoản 152 triệu USD, trong đó vốn của Ngân hàng thế giới (WB) là 142 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của thành phố.

Phối cảnh tổng thể trạm dừng BRT
 Ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông – Đô thị thành phố

Về công tác giải phóng mặt bằng, ông Phúc cho biết hiện nay có khoảng 30 hộ dân ở khu vực ga Rạch Chiếc và khu Depot Thủ Thiêm sẽ ảnh hưởng trong quá trình triển khai dự án. Phía ban quản lý cùng với tư vấn và chính quyền địa phương tìm ra phương án tốt nhất cho người dân, mong người dân ủng hộ trong quá trình triển khai dự án này.

 

Dự án triển khai trên hệ thống hạ tầng có sẵn nên cũng giảm bớt phần nào chi phí, nhất là việc xây dựng các trạm dừng ở giữa con lươn phân cách. Phía Ban quản lý sẽ làm sao tiết kiệm chi phí nhất có thể. Dự án sẽ khởi công vào đầu năm 2016 và hoàn thành trong năm 2018.

Quốc Anh

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *