Nhà đẹp 09/09/2014 11:43

Nơi chốn "đi để trở về"

Làm sao để căn nhà là nơi nghỉ ngơi, là nơi tụ họp, là nơi - những mệt mỏi dừng chân sau cánh cửa khép? Và, là nơi để người ta mơ ước được trở về?

Ngôi nhà với diện tích 4x15m 4 tầng ở dự án Tổng cục 5 Bộ Công an, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội.

Nhà có 2 vợ chồng, và 2 cô gái còn bé xíu.

Mua căn nhà liên kế xây thô trong KDT mới, nhận nhà với tường xây, bê tông còn nguyên vẹn, như người thiết kế vẫn nghĩ thầm, là “Bản tình ca dang dở”. Bao nhiêu ước mơ khi chuyển từ một căn nhà trong ngõ trên phố chật chội, ra một không gian có quy hoạch thoáng đãng biến thành ngàn câu hỏi: làm thế nào?

Làm sao, để không gian trong nhà tràn ngập ánh sáng tự nhiên?

Làm sao, để sự thông thoáng không làm mất đi tính khép kín riêng tư trong con người Việt?

Làm sao, để các cô con gái có tối đa chỗ chơi, chỗ học, và chỗ ngủ (tất nhiên) thật tiện nghi và hỗ trợ tối đa sự phát triển?

Làm sao để căn nhà đủ ấm cúng, để kéo bước chân của những người vừa rời xa nó khi sáng, trở về ngay sau những mệt mỏi của công việc thường ngày? Để là nơi nghỉ ngơi, để là nơi tụ họp, để là nơi, những mệt mỏi dừng chân sau cánh cửa khép? Và, là nơi để người ta mơ ước được trở về?

Mặt tiền và mặt bằng nhà được xây dựng theo kiểu kinh điển thường thấy của kiến trúc cuối TK 20, đầu TK 21.

Đầu tiên là cái mơ ước về sự thoáng đãng, để đón tối đa ánh sáng mặt trời và, để thông khí tốt nhất.

Mặt tiền được cải tạo với mảng kính hộp lớn ở mặt tiền mỗi tầng, giúp ánh sáng tràn vào, và trong những ngày nắng, vẫn giữ chân được cái oi bức bên ngoài khuôn cửa.

Ảnh phối cảnh mặt tiền.

Với 2 sắc đen trắng chủ đạo, với sơn nước kết hợp với gạch ốp Inax, người ta sẽ thấy không cần quá cầu kỳ để tạo nên nét đẹp, giống như một thứ thủy mặc bằng  bê tông và gạch.

Ảnh mặt bằng tầng 1.

Tầng 1, khoang phía trước được dành cho nơi để xe, và, nếu có, trong những dịp tụ họp gia đình bạn bè, có đủ chỗ để trải dăm mảnh chiếu hoa, ngồi với nhau trong tình thân, như nếp sinh hoạt xưa kia ở nơi thôn dã, mà những người ở thế hệ 7x như anh chị đã quá thân quen, đến đỗi như là một phần máu thịt của mình.

Mảng gạch trần cạnh cầu thang, như một lời nhắc về tuổi thơ mà những năm tháng trôi qua vẫn không mờ đi, để thấy được những mơ hồ xa xôi khi đối diện, để cảm những yêu thương thật thà trên bề mặt sần sùi khi khẽ chạm tay vào.

Ai bảo không thể chạm vào quá khứ?

Ảnh nội thất tầng 1: chỗ khách chờ, bếp – ăn.

Từ cửa vào, nhìn sâu hơn một chút, qua cầu thang là đến khu bếp và bàn ăn. Nhưng, hãy dừng lại một chút, hệ lam dọc vừa làm lan can cầu thang để an toàn cho những cô gái bé, khép lại vừa đủ cho sự riêng tư nơi bếp núc, nhưng cũng mở ra vừa đủ cho bà nội trợ giao tiếp bằng lời, và cả sự quan sát với bên ngoài.

Hệ vách gỗ trang trí bên hông tường được tích hợp với kệ trang trí, mảng gỗ lớn xóa đi những vết cột bê tông manh mún, hệ quả của lớp tường 110, và khung nhà thô để lại.

Màu gỗ vàng ấm, màu trần trắng lạnh, và mảng tường màu café, vừa kéo, vừa đẩy nhau mãi như một trò nghịch ngợm của 2 cô gái nhỏ, trong cái không gian hữu hạn của những bức tường…

Ảnh mặt bằng tầng 2.

Ở tầng 2…

Phòng khách được đưa ra phía trước.

Mô-típ trang trí với những lằn kẻ dọc ngang lấp đầy những khoảng trống. Màu gỗ đậm hơn, dứt khoát, như để khẳng định vị trí chủ đạo của mình.

Ảnh phòng khách.

Mảng bảng đen kế bên, tuy nhỏ thôi, nhưng có thể nói, đó là phần hồn của không gian. Ở đây, người thiết kế và người sử dụng có một chỗ chơi chung. Những nét phấn màu, sáp màu ngẫu nhiên của những thành viên, sẽ hoàn thành nốt ý đồ décor của tác giả. Có thể, có những lần nào đó, tấm bảng buồn tênh một mình, nhưng chắc chắn, ở đấy sẽ luôn có những lời nhắn nhủ yêu thương của mẹ cho cha, cho con, hoặc ngược lại. Tôi mong, ở trên đấy, sẽ có đôi lần những giọt nước mắt hạnh phúc rơi xuống cho tình yêu của mỗi người hiện lên tấm bảng. Tôi nghĩ rằng, ở một khía cạnh nào đó, tấm bảng như thước đo cho hạnh phúc gia đình…

Những đêm đông nào đó, khi ánh đèn vàng ấm thoát ra từ nội thất qua lớp kính cửa, sẽ nao lòng một lữ khách vẫn còn cắm cúi đi ngoài đường.  Và ở trong phòng khách, tiếng  bài ca “đêm đông” đang réo rắt, làm người ngồi đó với ấm trà khuya, với những yêu thương xung quanh thấy đủ ấm áp để “mơ giấc mơ gia đình yêu thương”…

Hãy dừng lại một chút ở phòng ngủ của 2 cô gái nhỏ.

Vì các cô còn nhỏ lắm, thế nên, bố mẹ muốn 2 bạn ở cùng một phòng.

Vì các cô sẽ chẳng tiết lộ sở thích của các cô cho người thiết kế xa lạ đâu. Con gái mà, các cô giữ những bí mật đó cho riêng mình như hành trang trên những bước chân từ nhà ra phố.

Thôi thì, vì các cô sẽ luôn mơ mình là công chúa, cũng như những chú bé, từ khi còn mặc quần xẻ đũng nghĩ mình là hoàng tử. Mà công chúa thì phải điệu một chút, tôi tô màu hồng, thay cho lời ước về những mộng đẹp mà các cô sẽ có trong vòng tay, dưới mái nhà của bố mẹ. Để khi lớn lên, các cô có thật nhiều yêu thương để mang theo.

Vì các cô là những công chúa nhỏ, các cô sẽ thẩn tha trong vườn cổ tích của mình. Với những chú gấu bông, nhiều em búp bê, và trăm ngàn thứ khác. Mẹ các cô sẽ đóng vai bà tiên, thậm chí, là đóng vai cô hầu phòng khi các cô còn bé. Mẹ sẽ chẳng thích các cô bừa bộn, với lại, công chúa thì chẳng bao giờ bừa bộn cả! Và những giá kệ sẽ giúp các cô là công chúa gọn gàng.

Bàn học, giá sách, bảng đen… được qui gọn vào một góc, để trong những năm đầu đời, các cô tô lên vở con chữ đầu tiên, hình vẽ đầu tiên, và còn nhiều những thứ đầu tiên khác, từ từ, từng chút một trong nhiều năm tháng.

Chiếc giường tầng kéo xếp sẽ là bài tập về sự tự giác trước và sau khi ngủ. Các cô công chúa cũng cần chỗ chơi chứ, thế nên, các cô sẽ cần dọn dẹp một chút trước khi được chơi. Xếp gọn giường, xếp gọn ghế và…Òa! Mảnh sân riêng đủ rộng cho đồ hàng, những show thời trang, những show “…can cook”.

Ảnh phòng ngủ các con.

Phòng ngủ bố mẹ cách một khoảng hành lang, vừa là trung tâm trợ giúp khẩn cấp khi các cô con gái cần.

Nhà vệ sinh khép kín trong phòng được phá bỏ, giúp không gian rộng hơn, vừa giúp giảm chi phí hoàn thiện. Thay vào đó là phòng thay đồ dạng “walkin-closet” với vách ngăn kính.

Ảnh nội thất phòng ngủ master.

Với người Việt Nam, có lẽ, không gian riêng tư luôn có một mong muốn chung: sự ấm cúng. Mảng trang trí duy nhất trong phòng, với màu gỗ vàng, tấm ốp 3d màu trắng thu hút toàn bộ sự chú ý, chăm chút. Ngoài chiếc giường, những đồ rời khác được treo, hoặc gắn tường, nhằm hạn chế tối đa những góc khuất trên mặt bằng. Các họa tiết được tạo từ vân gỗ Sồi trắng, cân bằng với những mảng đối xứng, sẽ làm người đối diện, trước khi chìm vào giấc ngủ cảm thấy được sự cân bằng, nhẹ nhàng, bồng bềnh, bồng bềnh..

Ảnh phòng ngủ dự trữ

Phòng ngủ này được bố trí tại tầng 2. Là nơi dành cho ông bà đến chơi ở lại cùng con cháu, là anh em bạn bè lỡ việc tá túc qua đêm. Hoặc tương lai các con lớn lên, nếu có nhu cầu phòng riêng sẽ có phòng cho việc tách này.

Ảnh nhìn từ ban công vào phòng thờ.

Phòng thờ được thiết kế mang hơi hướng truyền thống. Phảng phất trầm hương trong không gian gỗ ấm cúng. Các lam gỗ điểm xuyết hoa văn chữ Phúc hoặc chữ Đại. Tường ngăn với sân chơi ngoài trời bằng vật liệu kính để ngăn mưa nắng ảnh hưởng tới không gian bên trong. Nơi đây trong khi sửa soạn đồ lễ, thắp nén hương cúng gia tiên có thể ngồi uống chén trà tĩnh tâm, chiêm nghiệm về cuộc sống. Đôi khi rất cần những phút giây và khoảng không như thế trong cuộc sống gấp gáp, bộn bề ở thành thị này.

Không quá lớn, không quá nhỏ, không quá sang trọng, đơn giản ngôi nhà này là nơi chốn đi để trở về sum vầy.

Designer Kim Ngọc Khanh – Công ty CP Kiến trúc ASPACE

Chuyên mục: Nhà đẹp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *