Hàng loạt ưu đãi lớn: Chờ thời điểm ô tô giảm giá sâu

Nhiều chính sách liên quan đến phát triển ngành ô tô và sản xuất linh kiện sẽ thay đổi trong thời gian tới, giúp xe sản xuất lắp ráp trong nước giảm giá thành, cạnh tranh với xe nhập khẩu.

Kém phát triển vẫn đóng góp 3% GDP

Dữ liệu từ Công ty chứng khoán VietinBank (CTS) vừa công bố cho thấy, sản xuất ô tô được coi là ngành công nghiệp mũi nhọn, có đóng góp lớn vào GDP của các nước trên thế giới. Chẳng hạn, ngành ô tô đóng góp 3,25% GDP hàng năm của Mỹ, 5% GDP của Trung Quốc, 4% GDP của Đức và 12% GDP của Thái Lan. Tại Việt Nam, ngành ô tô cũng đóng góp 3% GDP cả nước.

Công nghiệp ô tô là ngành sản xuất có khả năng lan tỏa cao đối với nền kinh tế, chính vì vậy luôn dành được những sự quan tâm và đối xử đặc biệt từ phía Chính phủ các nước. Tuy nhiên, tại Việt Nam công nghiệp ô tô vẫn kém phát triển, sản xuất mới chỉ dừng lại ở khâu lắp ráp. Nguyên nhân quan trọng là do quy mô thị trường nhỏ bé khiến công nghiệp hỗ trợ khó phát triển.

Hàng loạt ưu đãi lớn: Chờ thời điểm ô tô giảm giá sâu - 1

Sản xuất ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở khâu lắp ráp (ảnh minh họa)

Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phải đạt sản lượng phụ tùng, linh kiện lớn. Các DN cho biết, một mẫu xe phải sản xuất được 50.000 chiếc/năm, gấp đôi doanh số tiêu thụ của những mẫu xe bán chạy nhất hiện nay, thì sản xuất linh kiện mới có hiệu quả.

Quy mô nhỏ, trong khi những ưu đãi để thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ chưa rõ ràng, khiến cho việc sản xuất ở Việt Nam chỉ dừng lại ở khâu lắp ráp. Điều đó khiến giá thành xe sản xuất ở Việt Nam cao hơn 10-20% so với các nhà sản xuất lớn trong khu vực như Thái Lan, Indonesia.

Thị trường ô tô Việt Nam đang trong quá trình mở cửa hoàn toàn. Đến nay thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam đã giảm còn 0%. Từ nay tới 2029, thuế nhập khẩu ô tô từ các quốc gia khác như: Nhật Bản, châu Âu cũng sẽ giảm dần về mức 0% (theo cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do đã ký và sắp ký).

Trong khi đó, thị trường ô tô Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ tăng trưởng, với khoảng 10,5%/năm và đạt từ 12-15%/năm trong vòng 10 năm tới nếu giá xe giảm và những biện pháp kích thích như cấm xe máy trong nội đô trở thành hiện thực.

Hiện nay, thu nhập GDP bình quân đầu người năm 2018 của Việt Nam đạt trên 2.600 USD. Theo dự báo của giới chuyên môn, khi thu nhập bình quân đầu người đạt 3.000 USD/năm thì thị trường ô tô sẽ bùng nổ. Việt Nam đang hướng tới giai đoạn ô tô hóa trong vài năm tới. Dự báo quy mô thị trường sẽ đạt 500.000 xe/năm vào sau 2020 và đạt 1 triệu xe/năm vào 2030.

Đây là cơ hội để ngành công nghiệp ô tô phát triển, đóng góp lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô có vượt qua những thách thức và cạnh tranh được với xe nhập khẩu nguyên chiếc hay không cần phải giải quyết nhiều vấn đề.

Giá sẽ giảm

Theo các DN, với chính sách như hiện nay, nếu không nhanh chóng thay đổi, sản xuất ô tô trong nước sẽ teo tóp, khó phát triển.

Hiện tại đã hình thành 4 trung tâm sản xuất ô tô lớn là Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Ninh Bình và Quảng Nam. Thời gian qua, cả 4 địa phương trên đều đề xuất Chính phủ, có ưu đãi riêng đối với các DN ô tô trên địa bàn để phát triển.

Hàng loạt ưu đãi lớn: Chờ thời điểm ô tô giảm giá sâu - 2

Giá ô tô kỳ vọng sẽ giảm

Về phía các DN cũng tương tự. Trong cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 3 vừa qua, Công ty ô tô Hyundai Thành Công đã kiến nghị cần có chính sách đặc thù để phát triển công nghiệp hỗ trợ như: Miễn thuế nhập khẩu toàn bộ nguyên liệu, vật tư để sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô trong nước.

Hiện sản xuất phụ tùng ô tô là ngành ưu đãi đầu tư, nhưng ưu đãi được hưởng cũng chỉ như các ngành nghề khác, nên tỷ lệ nội địa hóa trên ô tô chỉ đạt 7-10% và chưa có đột phá. Trong khi đó, các DN sản xuất linh kiện đang phải đối mặt với thách thức khi linh kiện ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN được hưởng thuế 0% tràn vào từ 2018. Vì vậy, cần sớm  xây dựng một cơ chế đặc thù về chính sách miễn thuế nhập khẩu cho các nguyên liệu, vật tư đầu vào để sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô ngay trong năm 2019.

Các DN đầu tư lớn cho sản xuất ô tô cũng mong muốn nhanh chóng thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt, miễn cho phần giá trị tạo ra trong nước, qua đó góp phần thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ.

Theo thông báo kết luận của Thủ tướng về tình hình phát triển ngành công nghiệp ô tô trên địa bàn tỉnh Ninh Bình , Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu sửa đổi nhiều chính sách, liên quan đến phát triển ngành ô tô và sản xuất linh kiện.

Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về chính sách ưu đãi đối với các DN ô tô, DN sản xuất linh kiện, báo cáo Chính phủ giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét điều chỉnh khái niệm "lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô và một số linh kiện ô tô" trở thành "ngành sản xuất có hàm lượng công nghệ cao".

Với những chỉ đạo trên, thời gian tới, ngành công nghiệp ô tô kỳ vọng sẽ được hưởng những ưu đãi lớn. Ngoài miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện sản xuất trong nước, miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất linh kiện, thì công nghiệp ô tô còn được đưa vào danh sách ngành sản xuất có hàm lượng công nghệ cao, sẽ có những ưu đãi lớn. Qua đó, giúp sản xuất ô tô có thêm nhiều lợi thế, giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc và thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển.

Theo Trần Thuỷ
VietnamNet

Hàng loạt ưu đãi lớn: Chờ thời điểm ô tô giảm giá sâu - 3

Chuyên mục: Xe 360

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *