Nguyên Liệu 23/07/2014 08:27

Xăng vừa lỗ đã lu loa tăng giá, lãi lại... im bặt

Giá xăng dầu Singapore - thị trường nhập khẩu xăng chủ yếu của Việt Nam đang tiếp tục giảm. Như vậy doanh nghiệp xăng dầu trong nước đang lãi.

Doanh nghiệp xăng dầu đang lãi

Theo biểu đồ diễn biến giá xăng được đăng trên trang web của Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam, giá xăng RON 92 tại thị trường Singapore hôm 21/7 giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng qua, đạt 117,02 đô la Mỹ/thùng, giảm gần 2 đô la Mỹ/thùng so với thứ Sáu tuần trước. Từ đầu tháng 7/2014 đến nay giá xăng RON 92 trên thị trường Singapore liên tục đi xuống.

Giá cơ sở để tính giá xăng dầu bán lẻ tại Việt Nam hiện cũng đang giảm, chỉ còn mức 26.221 đồng/lít xăng RON 92 vào ngày 21/7.

Giá cơ sở là giá đã bao gồm giá thế giới bình quân 30 ngày, cộng thêm chi phí vận chuyển, bảo hiểm, cùng các loại thuế, phí, lợi nhuận định mức, trích quỹ bình ổn giá,…). Doanh nghiệp xăng dầu thường dựa vào giá cơ sở này để điều chỉnh giá bán lẻ.

Chưa kể đến lợi nhuận định mức 300 đồng/lít cho mỗi loại sản phẩm, với mức giá cơ sở này, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang lãi 89 đồng/lít với xăng RON 92 (nhờ mức trích quỹ bình ổn 670 đồng/lít), và 117 đồng/lít với dầu diesel 0,05S, 128 đồng/lít với dầu hỏa, và 89 đồng/kg với dầu madút.

Mặc dù các doanh nghiệp xăng dầu đang lãi nhưng vẫn chua có bất kỳ động thái nào từ phía nhà điều hành là liên Bộ Tài chính - Công thương cũng như ý kiến đề xuất từ phía doanh nghiệp về việc giảm giá bán lẻ xăng dầu. Trong khi đó, nếu giá bán xăng dầu thế giới chỉ nhích lên con số rất nhỏ, quỹ bình ổn được các doanh nghiệp thông báo đang âm... các doanh nghiệp đã đệ đơn đề xuất tăng giá bán lẻ xăng dầu.

Giá xăng dầu trong nước đang lãi do giá xăng nhập khẩu giảm mạnh
Giá xăng dầu trong nước đang lãi do giá xăng nhập khẩu giảm mạnh

Đa số những đề xuất từ phía doanh nghiệp được thông qua ngoại trừ một vài trường hợp liên Bộ Tài chính - Công thương phải lệnh không cho tăng giá thay vào đó cho phép doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tính đủ lợi nhuận định mức trong giá cơ sở và cho phép các doanh nghiệp được sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp mức chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành.

Cụ thể, trước 3 lần tăng giá từ đầu năm lần lượt vào các ngày 21/2, 19/3 và 22/4 với mức tăng tương ứng của xăng Ron 95, xăng Ron 92 là 300 đồng/lít, 180 đồng/lít và 210 đồng/lít Bộ Tài chính đều đưa ra lệnh không tăng giá đối với mặt hàng xăng dầu song giá xăng dầu lại được điều chỉnh sau đó ít ngày.

Lần tăng giá vào ngày 21/2, chỉ sau 6 ngày Bộ Tài chính yêu cầu không tăng giá xăng dầu (ngày 15/1). Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giữ ổn định giá bán; thuế suất thuế nhập khẩu, mức trích Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu như hiện hành.

“Để góp phần bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán 2014, yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục không tính lợi nhuận định mức đối với mặt hàng xăng, dầu hỏa; chưa tính đủ lợi nhuận định mức đối với mặt hàng dầu diezel”, thông báo của Bộ Tài chính cho hay.

Cùng với đó, ngừng sử dụng Quỹ Bình ổn giá với mặt hàng dầu diezel từ 100 đồng/lít xuống 0 đồng/lít; Giảm sử dụng Quỹ Bình ổn giá với mặt hàng dầu hỏa từ 890 đồng/lít xuống 520 đồng/lít (giảm 370 đồng/lít). Doanh nghiệp cũng được khôi phục 250 đồng/lít lợi nhuận định mức với mặt hàng dầu diezel (từ 0 đồng/lít lên 250 đồng/lít).

Với lần tăng giá vào ngày 19/3, trước đó ngày 6/3 Bộ Tài chính cũng có văn bản số 2836 /BTC-QLG gửi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giữ ổn định giá bán xăng, dầu trong nước.

Theo đó, trên cơ sở chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở, sau khi thống nhất với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giữ ổn định giá bán xăng, dầu trong nước; mức trích quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu như hiện hành.

Đồng thời tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chưa tính đủ lợi nhuận định mức trong giá cơ sở đối với mặt hàng xăng, dầu hỏa (tạm tính 100 đồng/lít). Về quỹ bình ổn giá, liên bộ cho phép các doanh nghiệp được sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp mức chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành.

Ngày 28/5, liên Bộ Tài chính – Công Thương tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp giữ nguyên giá bán như hiện hành và cho sử dụng Quỹ bình ổn giá mặc dù theo báo cáo của các doanh nghiệp giá xăng dầu bán lẻ trên thị trường đang lỗ từ 52 đồng - 228 đồng/lít. Song đến ngày 23/6, giá xăng dầu chính thức tăng 330 đồng/lít và tiếp tục đà tăng vào ngày 7/7, tăng thêm 410 đồng/lít.

Trước ý kiến cho rằng giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm nhưng giá xăng dầu trong nước lại có xu hướng tăng, Tổng giảm đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex ông Trần Văn Thịnh khẳng định việc điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước thời gian qua do liên bộ quyết định, doanh nghiệp thực hiện đúng chỉ đạo. Việc điều hành giá tuân thủ đúng Nghị định 84, phù hợp với thị trường, cân đối hài hòa các mục tiêu.

"Theo thống kê, việc điều chỉnh giá của liên bộ thời gian qua là có tăng, có giảm phù hợp với thị trường (giá thế giới) đối với các mặt hàng dầu; riêng mặt hàng xăng giá không giảm, Petrolimex cho rằng nguyên nhân chính vẫn do giá thế giới tăng", ông Trần Văn Thịnh nói.

Không giảm giá bán

Mặc dù luôn đưa ra lý do giá xăng dầu phụ thuộc vào giá xăng thế giới nên mỗi khi giá xăng dầu thế giới tăng, giá xăng trong nước hì hục tăng theo nhưng giá xăng dầu thế giới giảm, giá xăng trong nước vẫn đứng vững ở mức cao thậm chí thêm điểm đặc biệt là trong lúc quỹ bình ổn xăng dầu đang dôi dư số tiền lên đến hàng tỷ đồng, các doanh nghiệp xăng dầu vẫn không giảm giá.

Giá xăng dầu Việt Nam được điều chỉnh linh hoạt khi giá thế giới tăng lập tức tăng, giá thế giới giảm vẫn chần chừ không giảm
Giá xăng dầu Việt Nam được điều chỉnh linh hoạt khi giá thế giới tăng lập tức tăng, giá thế giới giảm vẫn chần chừ không giảm


Theo TS Lê Đăng Doanh, "phải đấu tranh nhiều lắm Bộ Tài chính mới công khai việc sử dụng BOG, việc thu thì rõ rồi nhưng chi vào những khoản gì, chi bao giờ? Rồi thời gian thực hiện bù đó doanh nghiệp lỗ bao nhiêu; bù bao nhiêu... là những khoản người ta đang quan tâm thì lại không nói".

TS Doanh cũng từng khẳng định, có những thời kỳ doanh nghiệp lỗ ít nhưng bù lại cao hơn lỗ. "Quan trọng nữa là quỹ do dân đóng góp nhưng việc quản lý, giám sát lại không có đại diện người dân. Như thế là không thỏa đáng", ông Doanh nói.

Ông Trịnh Quang Khanh - Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng từng cho rằng, việc Bộ Tài chính đưa thông tin sử dụng Quỹ lên trang điện tử cũng đã là minh bạch rồi. Còn chẻ ra từng con số của Quỹ, cứ bán ra 1 lít thì trích ra 300 đồng cho quỹ bình ổn, như thế là rõ ràng. "Tuy nhiên việc doanh nghiệp sử dụng quỹ này như thế nào thì cũng chưa lý giải hết được", ông Khanh nói.

Hiện có 3 công cụ tham gia bình ổn giá xăng dầu là thuế, Quỹ BOG và chiết khấu hoa hồng đại lý. Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ trên lại không theo nguyên tắc cụ thể, thiếu quy định rõ trường hợp được sử dụng công cụ nào và dùng đến đâu.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng con số nêu trên tuy cụ thể nhưng lại khó thuyết phục do người tiêu dùng không nắm được cách thức, nguyên tắc sử dụng quỹ vốn đang rất tù mù.

Theo Tâm An
Đất Việt

 
 
Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *