Tiền và Hàng 14/12/2014 10:00

Xăng Việt đắt hơn Mỹ: Doanh nghiệp đề nghị tăng mạnh thuế

Trong khi giá dầu thế giới lao dốc kéo theo giá xăng tại nhiều nước giảm theo thì ở Việt Nam, doanh nghiệp lại đề nghị tăng mạnh thuế xăng dầu.

Doanh nghiệp xăng dầu đua nhau than lỗ

 

Trước đó, ngày 22/8, Bộ Tài chính đã có văn bản khẳng định sẽ ổn định thuế nhập khẩu xăng dầu đến hết năm 2014 nhưng văn bản điều hành ngày 6/12 của Bộ Công thương hé lộ ngày 5/12, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư, theo đó tăng khá mạnh thuế nhập khẩu xăng dầu, có loại tăng đến 10%.

 

Cụ thể, thuế nhập khẩu xăng từ mức 18% tăng lên mức 27%, dầu diezen từ mức 14% tăng lên mức 23%, dầu hỏa từ mức 16% tăng lên mức 26%, dầu mazut từ mức 15% tăng lên mức 24%. Với mức thuế trên, liên bộ cho phép doanh nghiệp giảm mức trích quỹ bình ổn từ 600 đồng/lít xuống còn 300 đồng/lít (hoặc kg) với tất cả các chủng loại xăng dầu.

 

Điều này rõ ràng khiến giá xăng dầu có mức giảm giá thấp hơn.

 

Sau 11 lần giảm giá, giá xăng tại Việt Nam xuống một cách nhỏ giọt
Sau 11 lần giảm giá, giá xăng tại Việt Nam xuống một cách nhỏ giọt

 

Theo báo Tuổi trẻ, thực tế, chính các doanh nghiệp đã đề nghị tăng thuế. Điển hình, ngay trước thời điểm giảm giá ngày 6/12, PVOil đã có văn bản gửi liên bộ nêu rõ việc giá thế giới liên tục giảm, trong khi doanh nghiệp phải dự trữ đủ 30 ngày theo quy định, đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Khẳng định giá vốn đã cao hơn giá bán nhiều, PVOil dự kiến kết quả kinh doanh cả năm 2014 của tổng công ty này sẽ không có lãi và thực tế doanh nghiệp đã lỗ từ tháng 8/2014.

 

Để “hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất và đặc biệt là tăng thu ngân sách” cũng như “tránh ảnh hưởng tâm lý (...) khi giá dầu thế giới tăng trở lại”, Tuổi trẻ trích văn bản do Phó Tổng giám đốc PVOil Nguyễn Anh Toàn ký đề nghị liên bộ tăng thuế nhập khẩu lên 5-7%.

 

Tương tự như PVOil, hàng loạt doanh nghiệp khác như Công ty TNHH một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn - đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Công ty TNHH một thành viên dầu khí TP HCM (Saigon Petro), Công ty xăng dầu khu vực II (Petrolimex Sài Gòn), Tổng công ty xăng dầu khu vực IV... cũng đồng loạt kêu lỗ hoặc kinh doanh không  có lãi, theo VnExpress.

 

"Vì đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho khách, thông thường công ty theo chu kỳ 20 ngày nhập một lần. Lô hàng gần đây nhất chịu ảnh hưởng khá lớn từ giá dầu giảm khiến cả tháng nay công ty phải chịu lợi nhuận âm", ông Đặng Văn Sang, Tổng giám đốc Saigon Petro nói. 

 

Bộ không thất hứa nhưng giá xăng Việt còn lâu mới bằng giá Mỹ

 

Trao đổi với Tuổi trẻ, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Petrolimex khẳng định Petrolimex năm 2014 sẽ lỗ lớn mảng kinh doanh xăng dầu, phải lấy lợi nhuận các mảng khác bù. Ông cũng cho rằng Bộ Tài chính không thất hứa với người tiêu dùng khi quyết định tăng thuế.

 

"Người tiêu dùng không chỉ cần dùng xăng dầu giá thấp mà còn cần các nhu cầu khác như các phúc lợi xã hội vì thế bất cứ thứ gì ảnh hưởng đến ngân sách chung là đều không tốt.  

 

Thời gian vừa qua giá xăng dầu đã giảm hơn 10 lần. Trước đây, khi giá tăng, Nhà nước giảm thuế, có khi về 0%, doanh nghiệp có thời điểm không tính lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Nay để Nhà nước thất thu, doanh nghiệp lỗ như thế cũng không đúng nguyên tắc hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng", ông Bảo nói.

 

Vì "không đúng nguyên tắc hài hoà lợi ích" nên người tiêu dùng Việt Nam có lẽ sẽ phải còn chờ đợi lâu để giá xăng Việt Nam giảm xuống bằng với giá Mỹ bất chấp giá dầu thô trên thế giới vẫn đang tiếp tục lao dốc.

 

Giá xăng tại Mỹ khác nhau tùy từng bang, song nếu lấy giá trung bình toàn quốc đầu tháng 7/2014 là 3,65 USD/gallon (tương đương 24.488 đồng/lít) so với giá 2,62 USD/gallon (tương đương 14.706 đồng/lít) ở ngày 11/12, giá xăng nước này đã giảm 28,22%, theo trang Daily Fuel Report.

 

Vào thời điểm hiện tại, sau 11 lần giảm giá liên tiếp, giá xăng RON 92 ở Việt Nam giá 19.930 đồng/lít, dầu diesel giá 18.410 đồng/lít, dầu hỏa giá 18.970 đồng/lít.

 

Theo tính toán, với giá bán lẻ hiện nay, thuế và phí đang chiếm hơn 35% trong giá xăng, 27% trong giá dầu diesel, còn dầu hỏa là 28,3%.

 

Theo Khải An

Đất Việt

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *