Tiền và Hàng 25/06/2014 13:00

Thị trường sữa: Xuất hiện thêm nhiều "tay ngang"

FICA - Một số doanh nghiệp mới công bố kế hoạch thâm nhập vào thị trường này cho thấy tiềm năng lớn cũng như dự báo một cuộc chơi sôi động đang chờ ở phía trước.

Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa (mã: VCF) - sau hơn 1 năm về với đại gia Masan Consumer - vừa thông báo về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để bổ sung ngành nghề kinh doanh trong đó có kinh doanh sữa, thức ăn cho trẻ em và sản xuất bánh kẹo. 

Theo đó, VCF sẽ tiến hành sản xuất, bán buôn, bán lẻ đồ ăn dinh dưỡng, sữa và các thực phẩm dĩnh dưỡng, thức ăn cho trẻ nhỏ, thực phẩm có chứa thành phần hoóc môn, sữa tách bơ, sản phẩm cô đặc nhân tạo, cacao, socola, mức kẹo. Đây là những lĩnh vực hoàn toàn mới đối với Vinacafe Biên Hòa, bởi sản phẩm chủ đạo của công ty là cà phê và một số sản phẩm liên quan. 

Trước Vinacafe Biên Hòa, một đại gia "không liên quan" khác cũng đánh tiếng muốn tham gia ngành sữa là Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Mới đây, HAGL chính thức rẽ ngang sang ngành sữa tươi bằng việc ký hợp tác với Nutifood, Vissan trong dự án chăn nuôi bò sữa với số vốn đầu tư lên 6.300 tỷ đồng. Giai đoạn 2014-2015 sẽ đầu tư 3.150 tỷ đồng. Giai đoạn 2 hoàn thành vào năm 2017 với số vốn 3.150 tỷ đồng. Dự kiến tổng đàn bò sữa lên đến 120.000 con.
 
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL, rất tự tin khẳng định sự thành công của dự án này bởi HAGL đang có 100.000 ha đất tại Việt Nam, Lào, Campuchia. Đại diện HAGL cũng cho hay cuối năm 2014 sẽ nhập 10.000 con bò sữa về nuôi ở Lào, Campuchia, Gia Lai. Đến khoảng quý III/2015 thì HAGL sẽ cho ra dòng sữa tươi đầu tiên.

Không chỉ các "tay ngang" mạnh tay chi tiền để thâm nhập vào thị trường sữa, các "ông lớn" trong ngành cũng liên tiếp công bố kế hoạch mở rộng đầu tư. Trong đó phải kể tới Vinamilk, Vinamilk hiện đang nỗ lực mở rộng thị trường với mục tiêu doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2017. Vinamilk lần lượt đưa vào hoạt động 2 nhà máy sản xuất sữa bột và sữa nước tại Bình Dương. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư vào các nhà máy tại New Zealand, Mỹ, dự kiến tiếp đây là Campuchia.

NutiFood và TH True milk cũng không kém cạnh. Tháng 6/2013, NutiFood khởi công xây dựng nhà máy sữa bột với mục tiêu đáp ứng nhu cầu sử dụng cho khoảng 600.000 trẻ em Việt Nam mỗi năm. Trong khi đó, TH True milk dự kiến sẽ đưa vào vận hành toàn bộ siêu Nhà máy Mega Plant, với tổng công suất dự kiến 1.700 tấn/ngày (tương đương 500 triệu lít/năm).

Các đại gia ngành sữa cũng không tiếc tay chi tiền để đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu sau những lùm xùm về sữa tươi và sữa hoàn nguyên. Vinamilk, TH True Milk, Mộc Châu… là những doanh nghiệp đi đầu trong việc phát triển vùng nguyên liệu bò sữa.

Vinamilk bỏ ra hơn 700 tỷ đồng để xây dựng 5 trang trại bò sữa hiện có 8.100 con và khởi động trang trại bò sữa ở Thanh Hóa với quy mô 3.000 con. Cũng tại Thanh Hóa, Chính phủ đã đồng ý cho Vinamilk hợp tác với Nông trường Thống Nhất phát triển trang trại bò 25.000 con trên diện tích 2.600 ha.

Trong khi đó, TH True Milk thì đầu tư 350 triệu USD để xây dựng trang trại bò sữa ở Nghệ An và có kế hoạch nâng đàn bò từ 22.000 con hiện tại lên 100.000 con trong thời gian tới.  FrieslanCampina, IDP có chương trình hỗ trợ hàng nghìn hộ nông dân phát triển đàn bò nguyên liệu. 

Theo đánh giá của nhiều công ty nghiên cứu và các doanh nghiệp sữa, tiềm năng tăng trưởng của mặt hàng sữa trong nước còn rất lớn dựa trên tăng trưởng dân số và nhu cầu uống sữa của người dân. Việt Nam được đánh giá là một trong 20 nước nhập khẩu sữa nhiều nhất trên thế giới với nhu cầu ước khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại mỗi năm. 

Theo ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM, dự kiến 2014 sẽ là năm “tiền mua sữa ngoại” vượt ngưỡng 1 tỷ USD, nghĩa là một dòng đô la cực lớn trong ngành sữa chảy ra nước ngoài chưa hề giảm. Trong khi nếu chuẩn bị kỹ thì doanh nghiệp nội hoàn toàn có khả năng thu được nguồn lợi khổng lồ này.

Trên thị trường hiện có một số thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng như:  Vinamilk, Cô gái Hà Lan của FrieslandCampina, TH True Milk, Nutifood, Hanoi Milk, Sữa Ba Vì, Sữa Mộc Châu. Thị phần sữa hiện nay chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp sữa nội như: Vinamilk; FrieslandCampina Việt Nam và TH True Milk. 

Việc một số doanh nghiệp mới công bố kế hoạch thâm nhập vào thị trường này cho thấy tiềm năng lớn cũng như dự báo một cuộc chơi sôi động đang chờ ở phía trước.

Dành lời khuyên cho những "nhân tố mới" này, ông Lý Trường Chiến, Phó Viện trưởng Viện Quản lý chiến lược và marketing cho rằng, khi có nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường sữa tươi thì áp lực sẽ đè lên các doanh nghiệp đi trước nhưng cũng là cơ hội buộc các doanh nghiệp phải năng động sáng tạo tìm ra giải pháp tốt nhất để cạnh tranh. Việc tăng cường yếu tố sáng tạo và khoa học công nghệ là rất quan trọng.

 

Theo ông Chiến, các doanh nghiệp lưu ý không nên đem toàn bộ công nghệ nước ngoài sao chép máy móc vào điều kiện Việt Nam, vì điều kiện thức ăn, khí hậu… có thể có những sự khác biệt trong ngành chăn nuôi bò sữa, hay lớn hơn là ngành nông nghiệp nói chung.

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *