Tiền và Hàng 05/02/2014 20:20

Ngành dệt may cơ cấu lại hệ thống phân phối

Xuất khẩu dệt may trong năm 2014 được dự báo có nhiều thuận lợi về thị trường. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống phân phối cũng là một trong những mục tiêu các doanh nghiệp hướng tới.

Ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 20,4 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, trong đó, riêng Vinatex xuất khẩu gần 3 tỷ USD.

Đáng chú ý, trong năm 2013, Vinatex xuất siêu 1,7 tỷ USD, do chủ động tăng được năng lực nguồn cung nguyên phụ liệu, giảm dần việc nhập khẩu.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, thị trường xuất khẩu dệt may năm 2014 có nhiều thuận lợi, khi các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… có dự báo mức tăng trưởng tốt hơn. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đàm phán thành công sẽ mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam. Ông Lê Tiến Trường khẳng định, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 12% trong năm 2014 là hoàn toàn khả thi.

Song song với hoạt động xuất khẩu, ngành dệt may sẽ tập trung quy hoạch lại hệ thống thị trường nội địa, có sự phân cấp rõ ràng. Hiện trên thị trường, những doanh nghiệp “có tiếng” của Vinatex như Việt Tiến, May 10, Nhà Bè đã thiết lập hệ thống cửa hàng riêng. Còn những doanh nghiệp loại trung bình cần bám theo hệ thống Vinatexmart để hình thành chuỗi phân phối, bởi nếu doanh nghiệp nào cũng mở riêng hệ thống phân phối thì hiệu quả sẽ rất thấp.

Bên cạnh việc cơ cấu lại hệ thống phân phối, các doanh nghiệp cần nghiên cứu khả năng cung ứng sâu hơn cho vùng nông thôn. “Ở những vùng sâu, vùng xa của nông thôn, năng lực cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam còn nhiều hạn chế”, ông Trường nói.

Theo Phan Thu

Báo Hải quan

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *