Thời sự 19/01/2014 18:49

Ngân hàng vẫn là điểm đến của nhà đầu tư ngoại

TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đưa ra nhận định trên trong cuộc trao đổi với phóng viên TBNH xoay quanh vấn đề các nhà đầu tư (NĐT) thoái vốn khỏi ngân hàng.

Năm 2013 khép lại với sự ra đi của hàng loạt các cổ đông lớn, cả nội lẫn ngoại trong một số NHTM. Ông nghĩ sao về điều này?

 

Trong bối cảnh hiện nay, về tổng thể, việc thoái vốn ra khỏi các ngân hàng không phải là quá nghiêm trọng. Cuộc chơi của mỗi NĐT khác nhau, tùy vào chiến lược dài hạn hay ngắn hạn; mức độ chấp nhận rủi ro và mục tiêu về lợi ích khi đầu tư. Và nếu soi vào câu chuyện hậu trường của việc Vietnam Airlines khi rút khỏi Techcombank, hay EVN rút khỏi ABBank thì tôi cho rằng, đấy là tín hiệu tích cực cho đồng vốn đầu tư đúng mục tiêu, thay vì đa mục tiêu như trước đây.

 

Hiện Vietnam Airlines bắt đầu triển khai các thủ tục để thoái vốn tại Techcombank trong lộ trình của Đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng phê duyệt. Còn EVN cũng đang chịu sức ép buộc thoái vốn đầu tư ra khỏi những lĩnh vực ngoài ngành, cũng theo yêu cầu của đề án tái cơ cấu. Đối với OCBC, sau 7 năm là đối tác chiến lược của VPBank, họ đã thu được lợi nhuận như mong muốn thì việc rút vốn là chuyện bình thường.

 

Thời gian gần đây, qua gặp gỡ một số tập đoàn tài chính như Mitsubishi, JP Morgan… cá nhân tôi lại nhận thấy biểu hiện sự quan tâm của họ đối với thị trường Việt Nam. Có thể tùy mối quan tâm của họ cũng như quy mô quỹ ngắn hạn hay dài hạn và các lĩnh vực quan tâm khác nhau, nhưng tôi được biết, trong chiến lược hợp tác phát triển giữa Việt Nam – Nhật Bản có 6 lĩnh vực được hai bên chú trọng đầu tư, tất nhiên không thể thiếu lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

 

Như ông cảm nhận thì có vẻ đang có sự đảo chiều?

 

Thời gian qua, chủ yếu dòng tiền nóng rút khỏi một số nền kinh tế đang phát triển như Thái Lan, Philippines, Ấn Độ… còn tại Việt Nam thì không. Bởi, dòng tiền từ gói QE3 của Mỹ chảy vào những nước này và không hề chảy vào Việt Nam. Nên Việt Nam không chịu tác động từ gói kích thích kinh tế này. Mà như tôi nói, hiện Việt Nam đang là điểm nhắm đến của NĐT nước ngoài, nhất là lĩnh vực ngân hàng với điểm nhấn về cải cách, phục hồi.

 

Vì sao NĐT ngoại lại quan tâm trở lại lĩnh vực ngân hàng, thưa ông?

 

Cũng dễ hiểu thôi vì đây là lĩnh vực Việt Nam mở cửa. Hơn nữa, xu hướng hội nhập khu vực với các dòng đầu tư, dòng tiền vào nhiều thì tất nhiên phải gắn với khu vực tài chính. Điều quan trọng ở đây là thời gian qua, họ nhìn thấy sự ổn định, cải cách thật sự từ hệ thống ngân hàng Việt Nam. Rõ ràng, tài chính ngân hàng vẫn là lĩnh vực hấp dẫn, có dư địa để phát triển. Nếu tính theo tỷ lệ dân số có tài khoản và sử dụng tài khoản ở Việt Nam thì rõ ràng vẫn còn ít. Và cái thứ hai là dịch vụ ngân hàng bán lẻ cũng chưa phát triển… Đó là những vấn đề trong trung và dài hạn.

 

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, với bức tranh kinh tế được dự báo hồi phục chậm chạp, bản thân nội tại ngân hàng đang giải quyết vấn đề nợ xấu nên tính hấp dẫn của ngành này trong ngắn hạn chưa tương xứng với sự hấp dẫn về thị phần mà nó đang có.

 


Mua cổ phần ngân hàng, NĐT quan tâm tính minh bạch và chính xác thông tin

 

Làm thế nào để quá trình thay tên đổi chủ, nhất là khi có yếu tố ngoại, có thể giúp các ngân hàng Việt Nam trưởng thành để hội nhập?

 

Chúng ta đều hiểu rằng, tài chính ngân hàng là lĩnh vực tinh xảo nhất. Nó rất hấp dẫn, có ích cho cả nền kinh tế. Nhưng, những xáo trộn của nó cũng sẽ tác động mạnh đến cả nền kinh tế. Một NĐT nước ngoài khi muốn mua cổ phần ngân hàng Việt, điều mà họ quan tâm là tính minh bạch, chính xác từ các bản cáo bạch, bảng cân đối tài sản, cơ cấu doanh thu… và nhất là những con người ở HĐQT. Ai là chủ ngân hàng hiện đang là câu chuyện rất lớn. Thực tế có chuyện rất nhiều ông chủ ngân hàng không làm trong lĩnh vực này, chủ yếu họ tích lũy được một khoản tiền lớn từ kinh doanh, mà phần nhiều gắn với bất động sản.

 

Điều đó rất nguy hiểm. Vì đó là hai thị trường rủi ro cao nhất mà hay liên quan với nhau, dòng tiền “chạy qua, chạy lại” vô cùng lớn. Từ đó rất dễ nảy sinh ra vấn đề sở hữu chéo, cho vay dưới chuẩn… Có thể nói, để chơi được trên thị trường này cần hội tụ các yếu tố: sự đằm thắm, “chất” chuyên nghiệp, hiểu biết… Trên thế giới, ngay cả các tay phù thủy cũng bị đổ vỡ khi thiếu “chất”. Nói chung, còn nhiều điều phía trước mà hệ thống ngân hàng phải làm.

 

Theo ông, đâu là lực cản đối với NĐT nước ngoài khi muốn tham gia vào lĩnh vực ngân hàng?

 

Điều đó phụ thuộc vào chương trình tái cơ cấu của hệ thống ngân hàng. Việc thay tên đổi chủ đều phải thực thi, cam kết thực hiện theo các quy định của chương trình này từ minh bạch thông tin, quản trị rủi ro, phân loại nợ theo các chuẩn mực, thông lệ quốc tế…

 

Thời gian qua, hệ thống ngân hàng mới giải quyết những vấn đề căn bản như thanh khoản, xử lý một phần nợ xấu. Còn vấn đề áp dụng chuẩn mực, thông lệ quốc tế vẫn còn khá chậm. Điển hình như việc áp dụng Thông tư 02 với những quy định gần chuẩn mực quốc tế hơn đã phải hoãn lại đến tháng 6/2014. Rồi tính chính xác của các số liệu về nợ xấu; khó khăn tiếp cận thông tin như khi VAMC mua mấy chục nghìn tỷ đồng nợ xấu, nhưng mua của ngân hàng nào, dự án nào… thì chưa công khai minh bạch.

 

Ngoài ra, sự bất định về chính sách vĩ mô cũng tác động đến quyết định đầu tư của họ. Cụ thể: Chính phủ có cho phép người nước ngoài mua nhà không, mua như thế nào. Việc nới room cho NĐT ngoại vẫn còn hạn chế, chỉ mở đối với các ngân hàng yếu kém, độ tin cậy các ngân hàng chưa thực cao.

 

Mặt khác, quy mô thị trường của Việt Nam nhỏ nên việc đưa các NĐT lớn vào rất khó. Lấy ví dụ thị trường chứng khoán, trái phiếu… giao dịch một ngày vài chục triệu USD, thanh khoản quá yếu. Trong khi các quỹ lớn thường giao dịch vài chục triệu đến hàng trăm tỷ USD mỗi ngày, nên những thị trường có quy mô lớn mới hấp dẫn được các NĐT lớn.

 

Tuy nhiên, nếu hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì ổn định và đẩy mạnh cải cách thì xu thế đầu tư của NĐT ngoại vào lĩnh vực này sẽ nổi trội hơn. Song, tôi cũng cần lưu ý đến bối cảnh chung của các nước trong thay đổi chính sách của các nước lớn như gói QE3, kinh tế thế giới phục hồi có tốt hơn không… Cho nên sẽ có những yếu tố may hơn khôn.

 

Xin cảm ơn ông!

Theo Hà Thành thực hiện
Thời báo Ngân hàng

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *