Thời sự 11/11/2020 23:02

Việt Nam đứng đầu ASEAN về số người dùng Internet mới

Ngành thương mại điện tử ở Việt Nam tăng trưởng ghi nhận mức tăng trưởng 46% và Việt Nam là nước có tỷ lệ người dùng internet mới cao nhất trong khu vực ASEAN khi đạt 41% tổng số người dùng mới.

Thông tin được đưa ra trong Báo cáo Kinh Tế Số Đông Nam Á 2020 do Google, Temasek và Bain & Company công bố mới đây.

Cụ thể, trong nền kinh tế số khu vực, bao gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, bất chấp nhiều thách thức, các lĩnh vực kỹ thuật số của Đông Nam Á tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 100 tỷ USD vào năm 2020 và đang trên đà vượt mốc 300 tỷ USD vào năm 2025. 

Người dùng Intetnet mới của Việt Nam cao nhất ASEAN

Thương mại điện tử đã nổi lên như một ngành lớn nhất, tăng 63% đạt 62 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng, đạt 172 tỷ USD vào năm 2025.

Tại Việt Nam, trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, người dùng bắt đầu tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề đột ngột phát sinh thông qua mạng internet. Rất nhiều người đã dùng thử các dịch vụ kỹ thuật số mới. 

Cụ thể, trong tổng số người sử dụng dịch vụ kỹ thuật số, người dùng mới tại Việt Nam chiếm đến 41%, là nước có tỷ lệ người dùng internet mới cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, và 94% số người dùng mới này định tiếp tục sử dụng các dịch vụ đó kể cả sau đại dịch.

Báo cáo chỉ ra rằng, trước khi dịch Covid -19 xuất hiện, người Việt Nam thường dành 3,1 giờ/ngày để truy cập internet cho mục đích cá nhân. Trong khoảng thời gian thực thi giãn cách xã hội trên diện rộng, con số này đã tăng vọt lên 4,2 giờ/ngày và hiện ở mức 3,5 giờ/ngày. 

Cứ 10 người dùng thì có tới 8 người cho rằng công nghệ là công cụ rất hữu ích trong thời gian diễn ra đại dịch, công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mọi người. Theo đó, nền kinh tế số Việt Nam đạt tổng giá trị 14 tỷ USD.

Các lĩnh vực có sự tăng trưởng mạnh trong nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á là thương mại điện tử, giao đồ ăn và truyền thông trực tuyến. Trong đó, thanh toán kỹ thuật số tăng từ 600 tỷ USD vào năm 2019 lên 620 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến đạt 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025.

Truyền thông trực tuyến cũng tăng trưởng 22%, đạt 17 tỷ USD vào năm 2020. Điều này được thúc đẩy bởi sự gia tăng bứt phá của các nhà cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (video streaming), mức tăng trưởng đạt 12 lần ở Việt Nam và 18 lần ở Thái Lan.

Một điểm nổi bật trong báo cáo là số thương vụ đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tại Đông Nam Á đã tăng 17% từ nửa đầu năm 2019 đến năm 2020. Tuy nhiên, tổng giá trị thương vụ giảm nhẹ từ 7,7 tỷ USD xuống 6,3 tỷ USD so với cùng kỳ, nguyên nhân là do sự sụt giảm trong các khoản đầu tư lớn vào “kỳ lân” (công ty khởi nghiệp đã ở giai đoạn phát triển có giá trị đạt hơn 1 tỷ USD). Điều này có nghĩa là các khoản đầu tư nhỏ hơn không phải cho “kỳ lân” tiếp tục tăng lên, chiếm hơn một nửa (53%) tổng giá trị thương vụ, so với 34% cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, giá trị thương vụ trong lĩnh vực tài chính kỹ thuật số (FinTech) đã nhảy vọt lên 835 triệu USD trong nửa đầu năm 2020, so với 475 triệu USD cùng kỳ năm 2019.

An Linh

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *