“Phải thay đổi hẳn cách nghĩ dựa vào tài nguyên”

Tài nguyên hữu hạn, tri thức của con người thì vô hạn. Đó mới là nguồn tài nguyên quan trọng nhất nước ta cần khai thác để phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Phóng viên Báo Hải quan phỏng vấn TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, gần 30 năm sau đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành thành tựu, trong đó một phần không nhỏ là nhờ khai thác nguồn tài nguyên được cho là “rừng vàng biển bạc”. Nhưng nay, tài nguyên đang dần khan hiếm, phải chăng đó là một trong nhiều lí do khiến tăng trưởng kinh tế ì ạch trong những năm gần đây?

Dựa vào tài nguyên là một trong những yếu tố chủ yếu để nước ta phát triển được như ngày nay. Tuy nhiên câu nói “Rừng vàng biển bạc” thực ra là quá mức, mặc dù tài nguyên biển về dầu khí và hải sản rất quan trọng nhưng không phải là quyết định. Rừng càng không phải như vậy. Nền kinh tế nước ta những năm gần đây có nhiều khó khăn hoàn toàn không phải do yếu tố tài nguyên kém sút, mà có phần do chúng ta chưa biết khai thác có hiệu quả tài nguyên. Nhưng đã đến lúc phải cảnh báo nguồn tài nguyên đã hạn chế rất nhiều rồi, phải thay đổi hẳn cách nghĩ dựa vào tài nguyên như lâu nay.

Nhiều quốc gia giàu tài nguyên như ở châu Phi hay Việt Nam thường không phát triển bằng các nước nghèo tài nguyên như Nhật Bản, Hàn Quốc... Điều này có thể hiểu như thế nào, thưa ông? Liệu có hay không sự ỷ lại, dựa dẫm vào tài nguyên, thưa ông?

Những nước không nhiều tài nguyên đương nhiên phải tìm cách khác để phát triển và họ đã thành công chủ yếu dựa vào nguồn lực con người. Nước ta chậm nhận ra điều đó. Khi còn dựa được vào tài nguyên thì cũng không có áp lực mạnh để phát huy yếu tố con người. Tuy nhiên, không phải nước nào cũng vậy. Cũng có những nước giàu tài nguyên nhưng đã phát huy yếu tố con người rất tốt mà điển hình là nước Mỹ, một số nước Bắc Âu, Úc, New Zealand…

Tài nguyên hữu hạn, vậy theo ông, tri thức, sức sáng tạo của con người có giới hạn nào không?

Tri thức, sức sáng tạo của con người là vô hạn nếu có một thể chế có thể dung nạp, phát huy tri thức và sức sáng tạo đó. Hiện nay nước ta đang triển khai tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng hướng tới năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển bền vững ở nấc thang cao hơn để thực hiện thành công công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH), xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp. Đây cũng là quá trình đưa nền kinh tế nước ta vượt qua bẫy thu nhập trung bình, từng bước đi tới một nước phát triển hiện đại trên thế giới. Thực chất của quá trình này cũng là sự phát triển và vận dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới và thực thi thể chế quản trị hiện đại, được triển khai trên mọi cấp độ, lĩnh vực của nền kinh tế và xã hội… Tất cả những điều đó đều gắn với tri thức mới, với kinh tế tri thức.

Thời gian qua, trong tái cơ cấu, chúng ta mới chỉ tập trung vào gỡ rối trước mắt, tìm mọi cách để ổn định tình hình, cứu sản xuất đang bị đình trệ nặng nề, phục hồi tăng trưởng… Những biện pháp này rõ ràng chưa có khả năng để tái cơ cấu thật sự. Nhưng thực tế cho thấy nếu cứ như thế này nữa thì kinh tế không thể thoát ra khỏi tình cảnh bí bách hiện nay, không thể xoay chuyển được tình hình, không thể tạo đà cho một bước phát triển mới như mong muốn.

Vậy trong thập kỉ tới đây, Việt Nam có thể dựa vào kinh tế tri thức làm trụ cột cho sự nghiệp CNH, HĐH, thưa ông?

Trong thập kỷ tới đây, kinh tế Việt Nam có thể dựa vào kinh tế tri thức làm trụ cột cho CNH, HĐH nếu chúng ta tạo được những điều kiện cần thiết mà chủ yếu là thể chế. Thể chế và con người là yếu tố quyết định nhất để phát triển kinh tế tri thức. Thể chế tiến bộ, hiện đại là bà đỡ và điểm tựa vững chắc cho mọi sự phát triển; thể chế lạc hậu là vật cản, tác nhân dẫn tới sự phá hoại, tụt hậu, sụp đổ của nền kinh tế và của cả một chế độ. Các thể chế hiện đại mà ta cần có phải thể hiện được những giá trị mới của thế giới, được chắt lọc vận dụng phù hợp với nước ta trong từng bước.

Gắn liền với thể chế là con người, con người sinh ra thể chế và đến lượt nó, thể chế lại là môi trường cho con người sống và phát triển, sáng tạo. Trong yếu tố con người, trước hết có vai trò dắt dẫn, quyết định của những người có vị trí lãnh đạo và quản trị đất nước, tạo ra thể chế, và ở từng ngành, địa phương, cơ sở cụ thể hóa và quán triệt thực hiện. Tiếp đến là vai trò của các trí thức, nhà khoa học, chuyên gia ở mọi lĩnh vực, là chủ lực trong nắm bắt và sáng tạo ra tri thức mới. Tiếp nữa là các doanh nhân, người quản lí, người lao động, người dân - những lực lượng thực hiện sự phát triển biến tri thức trở thành kinh tế tri thức. Những lực lượng này gắn kết máu thịt với lực lượng trí thức, bản thân họ cũng dần trở thành trí thức (trí thức hóa), để thực hiện cuối cùng sự phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển kinh tế tri thức. Điều cốt yếu là con người và thể chế phải dám dùng, biết dùng tri thức để làm việc, phát triển… Các chính sách cần hướng vào phát huy vai trò của từng nguồn nhân lực đó.

Theo ông Việt Nam đã tận dụng được tốt nguồn lực tri thức để phục vụ CNH, HĐH?

Có thể nói đây là điểm yếu kém của chúng ta. Mặc dù có những kết quả nổi bật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp, y tế, xây dựng, nhưng những gì đã làm được về kinh tế tri thức còn quá ít so với yêu cầu và khả năng của đất nước sau gần 30 năm đổi mới, hạn chế nhiều bước tiến nhanh và phát triển bền vững. Theo Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng về chỉ số kinh tế tri thức (KEI), Việt Nam năm 2012 xếp thứ 104/146 nước và lãnh thổ, trong giai đoạn 2000-2012 tăng được 9 bậc so với  113/146 năm 2000, tăng được 1 bậc trong 18 nước châu Á, từ vị trí 15 lên vị trí 14, tăng tương ứng từ 2,72 điểm năm 2000 lên 3,4 điểm (thang điểm 10) năm 2012, thuộc nhóm trung bình thấp (KEI 2-4). So sánh với những nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng trên 3 nước: Lào, Campuchia, Myanmar. Mặc dù còn nhiều hạn chế về nguồn lực so với các nước trong khu vực, nhưng với nguồn lực đã có, chúng ta cũng còn lãng phí nhiều trong việc sử dụng. Không sử dụng tốt cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến không bồi dưỡng phát huy được nguồn lực này về mặt chất lượng.

Mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và thành nước công nghiệp hoàn toàn hiện đại vào năm 2030 có nên điều chỉnh lại, thưa ông? Theo ông, phương châm CNH, HĐH rút ngắn, đi tắt đón đầu có còn phù hợp nữa trong bối cảnh hiện nay hay không?

Mục tiêu đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đến nay có thể thấy là khó khả thi. Còn muốn trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại thì có thể phải kinh qua nhiều thập kỷ nữa. Tuy vậy phương châm CNH, HĐH rút ngắn, đi tắt đón đầu vẫn còn phù hợp, như chúng ta đi nhanh về công nghệ thông tin là một ví dụ. Để chống tụt hậu, chúng ta phải đi nhanh theo phương châm đó, không có cách nào khác. 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

GS.TS Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân:

Tăng trưởng mà Việt Nam có được sau đổi mới chủ yếu là do đóng góp của các nhân tố theo chiều rộng (lao động rẻ, vốn và tài nguyên). Sau suy giảm kinh tế năm 2009, dường như dư địa cho tăng trưởng theo chiều rộng đã không còn. Nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi chu kì tăng trưởng chậm, do vậy Việt Nam cần khởi tạo động lực tăng trưởng mới nhằm nâng cao giá trị bên trong để tiếp tục tăng trưởng nhanh, bền vững và vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Điều này chỉ có thể đạt được thông qua việc chuyển sang mô hình tăng trưởng mới dựa vào hiệu quả huy động các nguồn lực nhằm tăng khả năng cạnh tranh công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ và tăng năng suất lao động, chuyển sang mô hình công nghiệp hóa phát huy lợi thế so sánh động, dựa vào các lợi thế so sánh bậc cao bao gồm: Lao động chất lượng cao, nguyên liệu tinh chế, vốn lớn, công nghệ hiện đại...

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam:

Chính phủ Việt Nam đã nhận thấy xu hướng cách tiếp cận tăng trưởng của Việt Nam từ trước đến nay là không bền vững nếu nhìn dưới góc độ môi trường. Việt Nam đã phải trả một giá đắt về môi trường để đạt được tăng trưởng. Vì vậy khi xây dựng kế hoạch 5 năm (2011-2015), nhiều bàn luận diễn ra và Chính phủ bày tỏ lo lắng về mô hình tăng trưởng chưa bền vững. Để tăng trưởng bền vững, chúng ta đã có chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh. Đó là bước đi tích cực để mô hình tăng trưởng hướng tới bền vững hơn. Chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam đi theo mô hình tăng trưởng như vậy trong tương lai. 

TS Đỗ Đức Định, Viện nghiên cứu châu Phi và Trung Đông:

Việc đặt ra các tiêu chí phấn đấu cần thực tế, tùy theo khả năng của đất nước để phấn đấu, không nên đặt ra các mục tiêu quá cao, ngoài tầm của đất nước. Chẳng hạn khi nước ta thu nhập bình quân đầu người mới chỉ hơn 1.000 USD/năm, chúng ta đã đặt ra mục tiêu năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp. Một quốc gia chỉ trở thành nước công nghiệp khi lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 25%, công nghiệp và dịch vụ trên 75%. Từ nay đến 2020 chúng ta không thể đạt được con số này. Việc cải tạo cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ của nước ta cũng vẫn chậm. Chúng ta đã đặt mục tiêu CNH bằng cách ưu tiên đầu tư cho các ngành, các công trình, công ty to và nặng. Nhưng chính những cái to và nặng lại làm thiệt cho đất nước, nhiều hơn là làm lợi. Điều đó đã kéo chúng ta chậm lại, nên ta không những không tiến nhanh hay rút ngắn được, mà đã kéo dài tiến trình CNH.

L.B (ghi)

Theo Lương Bằng

Báo Hải quan

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *