“Bịt nhanh” những kẽ hở dẫn đến tiêu cực trong sử dụng ODA

FICA - Đại biểu Quốc hội yêu cầu phải giám sát tổng thể để “bịt nhanh” những kẽ hở dẫn đến tiêu cực trong sử dụng vốn ODA.

Trong thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015, bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị đưa vào giám sát tối cao về việc quyết định quản lý và sử dụng ODA.

Bà lê Thị Nga.

Theo đánh giá của bà Lê Thị Nga, trong tình hình nợ công tăng nhanh, đảm bảo việc quyết định sử dụng ODA một cách chính xác và hiệu quả là hết sức cần thiết. “chúng tôi đãnh giá mặt tích cực của sử dụng vốn ODA trong những năm qua đã có đóng góp rất tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng kết cấu hạ tầng và xóa đói giảm nghèo thời gian qua. Nhưng thực tế đã xuất hiện một số bất cập cụ thể”, bà Nga nói.

Những bất cập, theo bà Nga, trải qua hơn 20 năm sử dụng ODA nhưng cho đến nay hành lang pháp lý cơ bản vẫn ở tầm nghị định, quá trình khoảng 4 năm sửa nghị định 1 lần và đã có 5 nghị định, bây giờ là nghị định lần thứ 5. “Trong lúc đó các tác động của ODA cực kỳ lớn, chúng tôi cho rằng phải giám sát để đảm bảo được việc quyết định dùng ODA đúng và sử dụng có hiệu quả, tránh việc chúng ta để lại cho con cháu trả nợ lâu dài” - bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Cũng theo bà Nga, trong nhiều khóa gần đây, Quốc hội chưa có một lần nào giám sát tối cao về vấn đề này. Giám sát tối cao về quản lí, sử dụng, quyết định sử dụng ODA là thể hiện Quốc hội cùng gánh trách nhiệm với Chính phủ trước nhân dân về việc sử dụng đồng vốn này. Do đó,  việc Quốc hội cùng chịu trách nhiệm với Chính phủ chính là giám sát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng vốn ODA.

Bà Nga cho rằng, hiện nay quy trình quyết định quản lí sử dụng ODA còn có những trường hợp rất bất cập, nhất là đảm bảo tính công khai, tính minh bạch, đảm bảo sự giám sát của người dân, của báo chí và công luận. Một số ý kiến phản ánh là có một số trường hợp còn chưa thực sự công khai minh bạch.

Bức bách hơn cả, theo bà Lê Thị Nga, từ những vụ tiêu cực liên quan đến các PMU trước đây, vụ Huỳnh Ngọc Sĩ cách đây mấy năm, vụ JTC về đường sắt gần đây và một vài vụ khác cho thấy mỗi một vụ việc đều kết thúc bằng một vụ án hình sự. Kết thúc thì có người bị vào tù, có người bị kỉ luật. Nhưng những bất cập trong quy trình quản lí sử dụng ODA mặc dù có những cải tiến nhưng cho đến nay vẫn còn. Đó chính là những lí do dẫn đến các vụ tiêu cực.

“Chúng tôi rất hoan nghênh việc Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan chức năng vừa qua đã rất nhanh, rất tích cực nghiêm túc xử lí, được dư luận rất hoan nghênh, về phía đối tác cũng rất nghiêm túc và hợp tác rất tốt với chúng ta”, bà Lê Thị Nga nhận xét.

Cũng theo đánh giá của bà Nga, vụ Huỳnh Ngọc Sĩ xử lí rất lâu nhưng đến vụ JTC, chúng ta xử lí rất nhanh. Đây là việc mà cử tri rất hoan nghênh. Nhưng bên cạnh xử lí nghiêm như vậy, bà Nga đề nghị cần phải giám sát tổng thể để bịt nhanh những kẽ hở dẫn đến tiêu cực trong dùng ODA, mà không chỉ trong lĩnh vực giao thông.

 “Nếu xét về tiêu chí Thường vụ Quốc hội đề ra thì đây thực sự là vấn đề bức xúc nổi lên và nhiều tiêu chí khác… Vấn đề này cũng gắn với công tác để hoàn thiện, xây dựng luật”, bà Nga nêu lý do cần phải giám sát việc sử dụng vốn ODA hiện nay.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *