Muốn thoát nghèo, miền Trung phải đẩy mạnh liên kết

FICA - Liên kết trong các ngành công nghiệp, du lịch, cơ sở hạ tầng và liên kết xây dựng kế hoạch phát triển toàn vùng là những trọng tâm trong thời gian tới

Liên kết trong các ngành công nghiệp, du lịch, cơ sở hạ tầng và liên kết xây dựng kế hoạch phát triển toàn vùng là những trọng tâm trong thời gian tới để miền Trung tận dụng tối đa lợi thế của mình, phát triển bền vững. Đó là nhận định của TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội TP HCM tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung khai mạc sáng ngày 15/8 ở Đà Nẵng.

 

TS Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội TP HCM

 

Là vùng có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nhất cả nước, nhưng trong những năm gần đây, miền Trung đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Các địa phương miền Trung đang có rất nhiều lợi thế để phát triển toàn diện kinh tế biển.

 

TS Trần Du Lịch nói:“Các địa phương có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu, đất, rừng, di sản văn hóa lịch sử… cho phép phát triển kinh tế tổng hợp với các ngành chủ lực như: du lịch, công nghiệp đóng tàu và dịch vụ hàng hải, khai thác và chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá”.

 

Với 6 khu kinh tế, 5 khu công nghiệp tập trung các ngành công nghiệp quy mô lớn, chiến lược như: lọc dầu, sản xuất, lắp ráp ô tô, đóng tàu… Bốn di sản văn hóa thế giới được Unessco vinh danh Quần thể di tích cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Phố cổ Hội An và Khu di tích Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam); 7 cảng biển lớn của cả nước… tất cả là những lợi thế để miền Trung bứt tốc phát triển mạnh mẽ hơn trong nay mai.

 

Theo TS Trần Du Lịch, liên kết phát triển cần được xem là trọng tâm của các tỉnh miền Trung. Hiện, các tỉnh miền Trung đã hình thành các khu công nghiệp tập trung, các ngành công nghiệp nặng mũi nhọn như: lọc hóa dầu, thép, sản xuất và lắp ráp ô tô… nên rất cần liên kết để phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ, tăng cường các hình thức doanh nghiệp vệ tinh, thuê ngoài; từng bước hạn chế sự trùng lắp về cơ cấu ngành, sản phẩm, giảm thiểu chi phí sản xuất.

 

Cùng với công nghiệp thì ngành nuôi trồng, khai thác và đánh bắt thủy sản là thế mạnh của miền Trung tuy nhiên trong những năm qua, liên kết vẫn là khâu yếu, đặc biệt là hậu cần nghề cá và chế biến.  TS Lịch chia sẻ: phát triển mạnh ngành khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản, nhất là phối hợp đánh bắt xa bờ; dịch vụ hậu cần nghề cá. Xây dựng Trung tâm hải sản của Vùng mang tầm cỡ quốc gia và hướng đến tầm quốc tế, hình thành được chuỗi giá trị từ khâu đầu tư, đánh bắt đến chế biến, tiếp thị bán hàng,… nhằm tạo ra giá trị gia tăng, nâng cao sức cạnh tranh và ổn định đời sống cho ngư dân.

 

Về liên kết ngành du lịch, đại biểu Lịch cũng thẳng thắn đề cập: miền Trung đang có lợi thế về tài nguyên du lịch lớn nhất cả nước, nhưng hiện nay mới chỉ khai thác được 1 phần, là khai thác mảng du lịch biển, các điểm du lịch chưa có tính kết nối với nhau, xã hội hóa hoạt động du lịch vẫn chưa chuyển biến.

 

Gắn kết các cụm, khu du lịch trong Vùng như: cụm du lịch Cảnh Dương - Bạch Mã - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế); các khu du lịch Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Bà Nà - Suối Mơ (Đà Nẵng); phố cổ Hội An - thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam)… Tạo lập chuỗi các sự kiện nhân văn để kết hợp khai thác du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển với du lịch tâm linh, trong đó đặc biệt kết nối các lễ hội như: Festival Huế, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, Lễ hội Đống Đa - Tây Sơn, Festival biển Nha Trang, Lễ hội Katê, Lễ hội Nghinh Ông…

 

Điểm yếu lớn nhất để phát triển liên kết kinh tế của miền Trung là cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông vận tải chưa có tính kết nối, rời rạc và chưa tận dụng lợi thế của các cảng biển. TS Trần Du Lịch khẳng định, các tỉnh miền Trung cần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của từng địa phương, khớp nối với hệ thống giao thông đường bộ liên tỉnh và quốc tế. Tạo cơ chế đột phá trong đầu tư những công trình có tầm ảnh hưởng lớn như trục đường cao tốc nối Huế - Đà Nẵng - Quảng Ngãi - Quy Nhơn - Tuy Hòa - Nha Trang trên cơ sở tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi…

 

Trong phát biểu của mình, TS Trần Du Lịch cũng khẳng định liên kết thu hút vốn đầu tư và xây dựng cơ chế chính sách là việc cần thiết nhằm tránh sự trùng lặp cơ cấu kinh tế và phá vỡ kế hoạch chung. Đại biểu Lịch khẳng định: Miền Trung cần các cơ chế ưu đãi riêng, có chọn lọc trên lợi thế của địa phương và tính đến phát triển bền vững. Quy hoạch địa phương phải phù hợp với quy hoạch vùng, tạo tính liên vùng để gia tăng lợi thế và khắc phục nhược điểm.

 

Các tỉnh cần nghiên cứu, đề xuất chính sách vận động, thu hút đầu tư đối với các tập đoàn đa quốc gia cũng như có chính sách riêng đối với từng tập đoàn và các đối tác trọng điểm như các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước EU, Hoa Kỳ. Thu hút đầu tư nước ngoài có định hướng và có chọn lọc vào các lĩnh vực quan trọng: công nghệ cao; công nghiệp phụ trợ công nghệ cao; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao (du lịch, thương mại, logistic, khám chữa bệnh…

 

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *