Đại biểu Quốc hội “truy” hàng trăm nghìn tỷ đồng sau cổ phần hóa

FICA - Đại biểu Trần Du Lịch nhận xét: “Kinh nghiệm cho thấy, cái gì đưa ra Quốc hội thì tính công khai và việc tính toán dự án liên quan đến tiền đều hiệu quả hơn”.

Đại biểu Trần Du Lịch băn khoăn "nguồn tiền đi đâu sau cổ phần hóa" (Ảnh: Việt Hưng).

 
Tại phiên thảo luận tại Hội trường của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII diễn ra chiều 12/6, trong phần chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn đại biểu TPHCM) thẳng thắn đặt vấn đề về tài chính “hậu cổ phần hóa”.
 
Đại biểu Lịch cho rằng, ước lượng nguồn tiền thu về từ việc thoái vốn trong tiến trình cổ phần hóa 600 doanh nghiệp Nhà nước phải là “nhiều trăm ngàn tỷ đồng” - Đây là một lượng tài sản rất lớn của Nhà nước và nhân dân. 
 
Ông Lịch đánh giá, đề án cổ phần hóa là cần thiết nhưng cần thêm một Đề án để xác định “sử dụng nguồn tiền này với mục đích gì?”. 
 
“Phải chăng Đề án này nên được trình ra Quốc hội để xem xét cần dùng hàng trăm nghìn tỷ đồng đó đầu tư vào đâu? Liệu có phải là dùng nguồn này để xử lý một phần nợ công nhằm giảm nợ trong trường hợp khó khăn hay không? Có đầu tư vào công nghiệp quốc phòng? Có dùng đầu tư vào biển đảo? Hay là có đầu tư vào hậu cần nghề cá?” – Đại biểu Lịch truy.
 
Vị đại biểu từ TPHCM đề nghị Thường vụ và Chính phủ cần có một đề án sử dụng nguồn tiền sau cổ phần hóa, bởi nếu chỉ cổ phần hóa mà không có đề án sử dụng thì rõ ràng là “mới chỉ đi được một nửa phần tài nguyên ngân sách”. 
 
Ông Lịch cũng nhận xét: “Kinh nghiệm cho thấy, cái gì đưa ra Quốc hội thì tính công khai và việc tính toán dự án liên quan đến tiền đều hiệu quả hơn”.
 
Đáp lại vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, lắng nghe, tiếp thu ý kiến và sẽ báo cáo với Thủ tướng và Chính phủ có đề án, báo cáo Quốc hội sử dụng nguồn lực này phù hợp trong điều kiện hiện nay của đất nước.
 
Vấn đề tiêu cực, tham nhũng trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước từng được cách chuyên gia kinh tế cảnh báo. TS Lê Đăng Doanh trước báo giới từng cho biết, báo cáo giám sát của Quốc hội về cổ phần hóa năm 2008 đã chỉ ra những thiếu sót đáng kể trong quá trình cổ phần hóa mà phần lớn liên quan đến thiếu công khai, minh bạch và định giá doanh nghiệp chưa đầy đủ, thiếu chính xác.
 
Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không công bố thông tin kịp thời, đầy đủ, không sử dụng các công ty tư vấn độc lập, quá trình xét duyệt không công khai, minh bạch... đã dẫn đến việc một số người có vị thế, có thông tin nội bộ đã mua được lượng lớn cổ phần với giá rẻ. Và nếu không khắc phục được điều này, thì đây sẽ là miếng đất màu mỡ cho tiêu cực, tham nhũng.
 
Cũng trong chiều nay, trả lời về nội dung tái cơ cấu kinh tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, không phải đến bây giờ chúng ta mới bắt đầu làm tái cơ cấu. 
 
Tái cơ cấu là một nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quốc hội giao chứ không phải khi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở Biển Đông trong vùng lãnh thổ của Việt Nam thì Việt Nam thì mới làm nhiệm vụ này.
 
Phó Thủ tướng đánh giá, do tái cơ cấu “đụng chạm” đến nhiều đối tượng nên cần phải có một thể chế đồng bộ, một quyết tâm chính trị, một năng lực thực hiện… Nếu làm được điều này sẽ mang lại hiệu quả toàn diện cho nền kinh tế. 
 
Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận, trong những khó khăn, trở ngại lớn nhất phải tháo gỡ là các vấn đề liên quan tới thể chế và nguồn nhân lực – đặc biệt là nguồn nhân lực cấp cao của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. 
 
Định hướng của Chính phủ là thời gian tới sẽ cải cách theo hướng thị trường hơn nữa, nhất là về lĩnh vực giá và công bố thông tin, chú ý hạn chế những mặt trái của thị trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu trên các lĩnh vực đầu tư công, ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước…
 
Đồng thời, tái cơ cấu gắn với hội nhập quốc tế, thu hút vốn FDI, nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước; đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và chú ý đến tái cơ cấu nền nông nghiệp – một lĩnh vực mà rất đông người dân đang hưởng lợi. Chú ý đến thị trường, ứng dụng công nghệ và tam giác phát triển: kinh tế, xã hội và môi trường.
 
“Tôi đồng tình với đại biểu là phải quyết tâm và có biện pháp mạnh trong tái cơ cấu” – Phó Thủ tướng cho hay.
 
Bích Diệp
Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *