22 nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD

FICA - Đại diện Bộ Công thương đánh giá, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây vẫn còn một số bất hợp lý, trong đó, đa số các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực được xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế, cho giá trị gia tăng thấp.

  

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương.


Theo số liệu thống kê, trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước tăng khoảng 15,4%, cao hơn chỉ tiêu Chính phủ và Quốc hội đề ra là 5,4%. Kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng khá, tăng 15,4% so với năm 2012, bằng tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu. Xuất siêu cả năm ước khoảng 863 triệu USD, góp phần quan trọng trong việc ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.

Quy mô xuất khẩu được mở rộng, tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, năm 2013, cả nước có 22 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, so với năm 2012 giảm một mặt hàng là than đá theo chủ trương giảm xuất khẩu khoáng sản thô. Trong đó, có 13 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD là thủy sản, cà phê, gạo, cao su, dầu thô, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt may, xơ sợi dệt, giày dép các loại, điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và máy vi tính, đồ điện tử.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các khu vực thị trường đều có sự tăng trưởng trong năm 2013. Châu Âu là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất 24,8% với kim ngạch đạt 27,3 tỷ USD. Tiếp đến là thị trường châu Mỹ tăng 21,9% với kim ngạch 27,8 tỷ USD, trong đó riêng thị trường Hoa Kỳ tăng 21% với kim ngạch 25,5 tỷ USD. Khu vực thị trường châu Á đạt kim ngạch lớn nhất 68,5 tỷ USD, nhưng mức tăng trưởng chỉ 15,6%. Hai thị trường còn lại là châu Đại dương và châu Phi đạt mức tăng trưởng tương ứng là 21,2% và 8%.

Theo đánh giá của ông Hải, nhìn vào cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây có thể thấy vẫn còn một số bất hợp lý cần được giải quyết một cách đồng bộ và có hiệu quả để thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu một cách bền vững.

Cụ thể, đa số các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế, cho giá trị gia tăng thấp. Nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu như dệt may, giày dép, thủy sản... dẫn đến tình trạng doanh nghiệp của Việt Nam chỉ thực hiện một công đoạn ngắn trong quá trình sản xuất ra sản phẩm với giá trị gia tăng chưa cao. Điều này ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng về chất của các sản phẩm xuất khẩu, đồng thời chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro về biến động của giá nguyên liệu nhập khẩu, nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu, các rào cản thương mại...

Hiện Việt Nam vẫn phải nhập một khối lượng lớn vải, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy, điện tử, linh kiện điện tử cũng như phụ tùng, linh kiện ô tô, xe máy và các loại phụ tùng máy móc khác từ các nước. Tuy vậy, thời gian qua, tình trạng này đã từng bước được cải thiện, việc đẩy mạnh sản xuất trong nước thay thế hàng nhập khẩu như xăng dầu, phân bón, sắt thép và phát triển công nghiệp phụ trợ dệt may, da giày cũng đã góp phần làm giảm nhập khẩu các mặt hàng này. Ví dụ, tỷ lệ nội địa hóa của dệt may những năm trước chỉ đạt 30%, nhưng đến nay tỷ lệ này đã tăng lên 40-50%.

Dự kiến 2014 nhập siêu 9 tỷ USD

Đại diện Bộ Công thương cho biết, trong năm 2014, dự báo kinh tế thế giới dự kiến tiếp tục khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều khó khăn làm sụt giảm nhu cầu tiêu dùng, bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ có chiều hướng gia tăng gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong việc phát triển thị trường, tìm kiếm đối tác, đầu ra cho xuất khẩu.

Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều thuận lợi và cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam khi kinh tế vĩ mô đã có những chuyển biến tích cực, lạm phát được kiểm soát, chính sách tiền tệ, ngoại hối ổn định. Việc triển khai tích cực của các Bộ, ngành và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều giải pháp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu đã từng bước phát huy tác dụng.

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm công nghiệp và nhóm hàng hóa mới sẽ có nhiều khả năng tăng trưởng nhanh trong giai đoạn tới do kết quả của quá trình thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong những năm gần đây tăng mạnh (điện tử, linh kiện điện tử, điện thoại di động, sản phẩm cơ khí, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị…).

Ngoài ra, trong năm 2014, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang được tích cực đàm phán và ký kết sẽ góp phần mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam, như: Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định Việt Nam - EU; Hiệp định Việt Nam - EFTA; Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc; Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên Minh thuế quan gồm Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan. Đặc biệt, Hiệp định TPP được dự báo mở ra cơ hội lớn cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giầy...

Tại kỳ họp lần thứ 6 vừa qua, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về chỉ tiêu xuất khẩu năm 2014 tăng 10%, nhập siêu khoảng 6%. Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 ước khoảng 147 tỷ USD và nhập siêu khoảng 9 tỷ USD. Đây dự báo là thách thức lớn, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của các Bộ, ngành, Hiệp hội cùng cộng đồng doanh nghiệp - ông Hải cho hay.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *