Thời sự 23/10/2023 05:06

Tổng cục Thống kê đưa giải pháp “cứu” doanh nghiệp

TCTK đề nghị tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn với khả năng hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê (TCTK), trong 3 năm qua, nền kinh tế của Việt Nam nói chung, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những vấn đề chưa có tiền lệ, ảnh hưởng mạnh tới số lượng doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp ngừng hoạt động.

Sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài (đặc biệt là quý III/2021) đã tác động tiêu cực đến cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ trong năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới gần 55.000 doanh nghiệp, tăng 18% so với năm trước; 48.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,8%; 16.700 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Bình quân một tháng có gần 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Bước sang năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tiếp tục tăng 34,4% so với năm trước, lên con số 73.800 doanh nghiệp; gần 50.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 5,5%; 18.600 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 11,2%. Bình quân một tháng có 11.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Trong 9 tháng năm nay, dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vẫn có trên 165.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, trong đó đa số là doanh nghiệp thành lập mới (trên 116.000 doanh nghiệp).

Đặc biệt, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động (165.200 doanh nghiệp) vẫn lớn hơn số doanh nghiệp tạm ngừng và rút lui khỏi thị trường (135.100 doanh nghiệp), cho thấy lực lượng doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng trưởng, là một kết quả đáng ghi nhận khi đặt trong bối cảnh quốc tế, trong nước có rất nhiều khó khăn, biến động.

Tình hình phát triển doanh nghiệp 9 tháng qua (Nguồn: GSO).

TCTK nhận định, thuận lợi của cộng đồng doanh nghiệp là Nghị quyết 11 của Chính phủ năm 2022 với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (chủ yếu giai đoạn 2022-2023) có một số chính sách có thể kéo dài. Bên cạnh đó, với nền tảng quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia, hơn 30 đối tác có quan hệ từ Đối tác toàn diện trở lên; 16 FTA… sẽ khiến thị trường quốc tế của cộng đồng doanh nghiệp rộng mở hơn.

Cùng với đó là thị trường trong nước với khoảng 100 triệu người, sự phát triển ngày càng lớn mạnh của tầng lớp trung lưu ở trong nước… sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Một số yếu tố tích cực khác là sự cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số; tiềm năng thu hút FDI, đặc biệt trong xu thế chuyển dịch cơ cấu, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sản xuất.

Tuy nhiên, hàng loạt khó khăn, thách thức vẫn hiện hữu với doanh nghiệp Việt, bao gồm xung độ giữ các nước lớn; các tiêu chuẩn, điều kiện về hàng hóa nhập khẩu, nhất là tiêu chuẩn xanh; quy định về thuế tối thiểu toàn cầu; thủ tục hành chính còn nặng nề, chi phí tuân thủ cao…

Do vậy, TCTK đưa ra những giải pháp để phát triển doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến việc tận dụng hiệu quả thị trường trong nước từ cả 2 phía: Một là, kích thích tiêu dùng trong nước bằng các biện pháp kích cầu tiêu dùng (miễn, giảm các loại thuế, phí như thuế VAT; tổ chức rộng khắp các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, đặc biệt trong các dịp lễ tết, cuối năm; đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam…). Hai là, có cơ chế, chính sách gắn kết mạnh mẽ gia sản xuất và tiêu dùng trong nước… Bên cạnh đó, phát triển mạnh thương mại điện tử; tăng cường kết nối, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là hàng thiết yếu; tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại…

Nhằm khai thác triệt để thị trường quốc tế, TCTK cho rằng, các doanh nghiệp bên cạnh duy trì, phát triển các thị trường truyền thống còn cần mở rộng thị trường mới, tận dụng hiệu quả các hiệp định Việt Nam đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới để tiếp tục mở rộng thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp cũng cần theo sát các thị trường tiềm năng, nhất là về nhu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn để cung cấp đầy đủ thông tin cho các doanh nghiệp trong nước cùng với các cơ chế, chính sách định hướng phát triển doanh nghiệp phù hợp. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn mới, nhất là tiêu chuẩn xanh. Tổ chức các trường trình xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm lớn trên thế giới để tăng cường quảng bá sản phẩm, hàng hóa trong nước.

Về đầu tư, theo TCTK, Nhà nước cần đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; phát huy tối đa các nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân.

Song song với đó là thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài; tăng cường hợp tác công tư (PPP); tích cực, chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng; chú trọng chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.

Về thể chế, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, cơ quan thống kê đề nghị tập trung rà soát quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh (xác định rõ quy định pháp luật cụ thể còn bất cập, vướng mắc, thẩm quyền xử lý) để chủ động sửa đổi, hoàn thiện phù hợp với diễn biến, tình hình mới.

Cần nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả các dịch vụ công quốc gia; kiên quyết cắt bỏ và tuyệt đối không ban hành thêm các thủ tục hành chính không cần thiết, làm tăng chí phí, thời gian thực hiện của người dân, doanh nghiệp.

TCTK cũng cho rằng, việc quan trọng là phải đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt cùng với có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi phù hợp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn với khả năng hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong nước làm vai trò kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước; giữa doanh nghiệp với thị trường trong nước, quốc tế và gia tăng khả năng bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp trong nước khi tham gia thị trường quốc tế, tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Mai Chi

Chuyên mục: Thời sự , Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *