Thời sự 22/02/2020 11:26

Thấy gì từ việc Mỹ cập nhật danh sách các quốc gia đang phát triển?

Việc ra khỏi danh sách quốc gia đang phát triển lần này sẽ ảnh hưởng nhưng không quá tiêu cực tới Việt Nam.

Chính quyền Tổng thống Trump đang từng bước thực hiện chiến dịch "America First"

Ngày 10/2/2020, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã có thông báo chính thức về việc cập nhật lại danh sách các quốc gia đang phát triển và kém phát triển nhất trong luật về thuế chống trợ cấp.

Theo nhận định của chuyên gia phân tích từ BVSC, động thái này của Mỹ tiếp tục cho thấy từng bước của chiến dịch “America First” (nước Mỹ trên hết).

Trước đó có thể kể đến là Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đưa Trung Quốc và nhiều quốc gia khác vào danh sách thao túng và theo dõi thao túng tiền tệ, đưa ra lệnh cấm về công nghệ đối với các doanh nghiệp nước ngoài, đe dọa áp thuế với Mexico, Canada, cáo buộc EU trợ cấp trái phép chế tạo máy bay Airbus…

Điểm đáng chú ý về việc cập nhật danh sách này là sẽ chỉ có hiệu lực trong luật về thuế chống trợ cấp. Danh sách này sẽ không ảnh hưởng đến phân loại quốc gia trong các luật khác của Mỹ.

Vì vậy, tác động của việc cập nhật mới này sẽ giới hạn trong việc áp thuế chống trợ cấp của Mỹ mà không ảnh hưởng đến các ưu đãi khác mà Việt Nam hay các quốc gia đang phát triển khác được hưởng.

Về phía ảnh hưởng đối với Việt Nam, BVSC cho hay, Việt Nam sẽ mất đi những quyền lợi khi còn nằm trong danh sách quốc gia đang phát triển và kém phát triển nhất.

Do các quốc gia trong danh sách này sẽ được hưởng quyền “miễn trừ” trong luật về thuế chống trợ cấp một cách ưu đãi hơn. Việt Nam sẽ không được “miễn trừ” điều tra theo luật về thuế chống trợ cấp nếu giá trị trợ cấp trên 1% (còn nằm trong danh sách ưu đãi thì sẽ là 2%).

Việt Nam cũng sẽ được không còn được miễn trừ nếu kim ngạch nhập khẩu của loại hàng hóa từ Việt Nam trên 3% (nếu còn nằm trong danh sách ưu đãi thì sẽ là 4%) tổng kim ngạch nhập khẩu vào của Mỹ.

Ngoài ra Việt Nam phải thỏa mãn điều kiện về cộng dồn. Ví dụ về mặt hàng A, đầu tiên là lập danh sách các quốc gia có tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng A vào Mỹ dưới 3%.

Nếu tổng tỷ trọng của các quốc gia này trên 7% (nếu còn trong danh sách ưu đãi thì sẽ là 9%) thì Việt Nam không được miễn trừ loại mặt hàng A.

Như vậy, theo nhận định của BVSC, việc ra khỏi danh sách quốc gia đang phát triển lần này sẽ ảnh hưởng nhưng không quá tiêu cực tới Việt Nam.

Do điều kiện hưởng ưu đãi ”miễn trừ” ít đi nên một số mặt hàng sẽ tiếp tục chịu áp lực về kiện trợ cấp, chống bán phá giá như Thủy Sản, Nhôm, Thép. Tác động sẽ giới hạn ở mức rủi ro bị kiện chống trợ cấp, phá giá. Điều này chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể kiểm soát chủ động được.

Tuy vậy, động thái này của Mỹ tiếp tục cho thấy Mỹ đang từng bước bảo hộ thương mại một cách mạnh mẽ hơn và những quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ như Việt Nam sẽ tiếp tục nằm trong tầm ngắm trong thời gian tới...

Mai Chi

Chuyên mục: Thời sự , Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *