Thời sự 28/07/2014 13:35

Thận trọng với những điều chỉnh chính sách tỷ giá

Theo quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa, với mức điều chỉnh tỷ giá vừa qua của NHNN đã tương đối phù hợp và chưa nên có sự thay đổi chính sách.

Vì người điều hành cần phải chú ý đến tác động có thể có vào những tháng còn lại của năm.

Nhiệm vụ chính không phải tăng trưởng xuất khẩu

Sau hơn 1 tuần Sở Giao dịch NHNN nâng giá mua USD lên mức 21.200 đồng/USD (16/7), tỷ giá tại các NH có xu hướng tăng trở lại. Hiện mức giá mua của các NHTM phổ biến ở 21.190 – 21.215 đồng/USD; còn bán ra phổ biến ở mức 21.260 – 21.285 đồng/USD. Việc điều chỉnh giá mua USD của NHNN nhằm chặn đà giảm của tỷ giá, qua đó phần nào gián tiếp hỗ trợ xuất khẩu.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu đã định thúc đẩy xuất khẩu thì NHNN phải điều chỉnh tỷ giá cao hơn mức 1% mới có thể hỗ trợ mạnh hơn cho xuất khẩu. “Vì vậy, những điều chỉnh chính sách tỷ giá vừa qua của NHNN không phải để hỗ trợ xuất khẩu và cho thấy sự không nhất quán trong chính sách tỷ giá” - một chuyên gia bình luận. Thực tế, nhiệm vụ của NHNN có phải hỗ trợ xuất khẩu?


Mục tiêu hàng đầu của NHNN là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát

Nói không thì chưa hẳn chính xác, nhưng tăng sản lượng hàng hóa xuất khẩu không phải là nhiệm vụ chính của NHNN. TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định: “Nhiệm vụ trọng tâm của NHNN không phải tăng trưởng xuất khẩu mà mục tiêu ưu tiên hàng đầu của NHTW là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát”.

Đồng quan điểm, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực ngoại hối cho rằng, những hỗ trợ của NHNN chỉ là giải pháp tình thế khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và NHNN không thể áp dụng biện pháp hỗ trợ mãi được, vì đây không phải là mục tiêu hàng đầu của NHNN. Mặc dù NHNN rất nỗ lực nhưng không thể làm tất cả chỉ để hỗ trợ xuất khẩu. Bởi xuất khẩu tăng nhiều hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác quan trọng hơn như chất lượng hàng hóa, giá cả, thương hiệu, sức cầu thị trường…

Trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, nếu chỉ dựa vào công cụ tỷ giá để kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu sẽ rất khó. Các nước xung quanh như Campuchia, Myanmar, Băng-la-đét với các mặt hàng truyền thống da giày, dệt may của họ đang có lợi thế về chi phí nhân công giá rẻ. Nhưng Việt Nam lại đang có ưu thế về điều kiện lao động tốt, công nhân được đối xử tốt hơn các nước bạn, song chi phí lao động lại cao hơn. Có thể nói xuất khẩu Việt Nam đang ở thế kẹt. Vậy làm thế nào để vươn lên, tăng khả năng cạnh tranh?. Chắc có lẽ cách tốt nhất là nâng cao chuỗi giá trị gia tăng để bù đắp chi phí.

Thực tế Hàn Quốc cũng đã từng rơi vào thế kẹt như nước ta. Họ cũng ở một thế rất khó một bên là Nhật Bản với công, nghệ cao, chi phí cao, còn một bên là Trung Quốc với mọi thứ cấu thành nên chi phí sản phẩm đều rất rẻ. Để thoát ra gọng kìm hai bên như vậy, các DN xuất khẩu của Hàn Quốc đã phải nâng cao giá trị gia tăng cho chuỗi sản phẩm của mình. Samsung là một điển hình. DN này đã thành công nhờ đưa ra các sản phẩm công nghệ hiện đại với mức giá hợp lý và quan trọng nữa là họ làm marketing tốt.

NHNN có cần thiết phải dùng nốt “room”?

Quay trở lại với câu chuyện tỷ giá. Vị chuyên gia lâu năm về ngoại hối phân tích thêm nguyên do NHNN phải điều chỉnh tỷ giá: hiện lạm phát giữa Việt Nam vẫn chênh so với các nước, một phần do yếu tố tâm lý thị trường bị tác động bởi tình hình Biển Đông, nên trước thực tế tỷ giá liên tục “kịch trần” mà NHNN không có can thiệp vào thị trường thì không biết điều gì sẽ xảy ra.

Còn lãnh đạo vụ chức năng NHNN thì cho biết, có ba sự lựa chọn lúc đó: Một là thắt chặt chính sách tiền tệ kéo tỷ giá xuống, nhưng tín dụng đang gặp khó, mà nền kinh tế đang cần vốn rẻ. Vì thế phương án này không nên thực hiện. Lựa chọn thứ hai của NHNN là bán ngoại tệ can thiệp thị trường. Phương án này có thể đạt hiệu quả tạm thời, nhưng sẽ lại tạo ra tiền lệ không tốt: mỗi khi thị trường có biến NHNN lại phải bán ngoại tệ. Mặt khác, cách này ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối. Chính vì vậy, việc NHNN lực chọn phương án thứ ba điều chỉnh tỷ giá ở mức 1% là phù hợp với diễn biến cũng như kỳ vọng của thị trường, hỗ trợ xuất khẩu...

Sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá, thị trường ngoại tệ đã dần ổn định. Và NHNN đã mua được một lượng ngoại tệ tương đối từ các NHTM sau khi nâng giá mua USD. Tuy nhiên mới đây, có những đồn đoán NHNN có thể nâng giá mua USD. Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khẳng định: khi đặt mức giá mua ở 21.200 đồng/USD, NHNN đã cân nhắc kỹ lưỡng để đạt được các mục tiêu. Vì vậy, NHNN khẳng định trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì ổn định tỷ giá mua ở mức 21.200 đồng/USD”.

Một câu hỏi dư luận đặt ra đối với NHNN là liệu từ nay đến cuối năm NHNN có điều chỉnh nốt 1% tỷ giá như cam kết của Thống đốc từ đầu năm?

Theo quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa, với mức điều chỉnh tỷ giá vừa qua của NHNN đã tương đối phù hợp và chưa nên có sự thay đổi chính sách. Vì người điều hành cần phải chú ý đến tác động có thể có vào những tháng còn lại của năm. Như giá xăng dầu, điện, dịch vụ y tế, giáo dục tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tăng khá nhiều cũng sẽ tạo sức ép nhất định lên lạm phát. “Đến chừng nào họ còn cảm nhận được nguy cơ của việc tăng tỷ giá có thể tác động đến lạm phát thì NHNN còn phải cẩn trọng”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Vị chuyên gia về ngoại hối nói trên nêu quan điểm: Nếu ưu tiên số 1 của chính sách tiền tệ là ổn định kinh tế vĩ mô thì cam kết về biên độ điều chỉnh ngay từ đầu năm là hợp lý. Nhưng khi ổn định kinh tế vĩ mô đã được thiết lập thì NHNN không cần thiết phải đưa ra cam kết. “Vì nếu có cú sốc từ bên ngoài quá lớn, để giữ cam kết thì NHNN phải thực hiện hai biện pháp đó là tăng lãi suất tiền VND và bán USD can thiệp thị trường. Mà điều này không ai mong muốn diễn ra cả”, vị này nói thêm.

Theo Nguyễn Vũ
TBNH

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *