Thời sự 03/09/2020 10:34

Sự hồi phục của nền kinh tế đang gặp khó do Covid-19 bùng phát trở lại

Sự khó khăn về phía cầu là khá rõ ràng nhưng là điều có thể lý giải được khi cả việc làm và thu nhập của người lao động đều đang sụt giảm do tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Các chỉ số của nền kinh tế hồi phục "chật vật" trong tháng 8

Tổng cục Thống kê mới đây đã công bố các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tháng 8. Bức tranh chung là đà hồi phục của các chỉ số đã chậm lại do dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở một số địa phương.

Cụ thể, về phía cung, chỉ số sản xuất công nghiệp (SXCN) trong tháng 8 tiếp tục diễn biến phục hồi với mức tăng 3,5% so với tháng 7.

Theo đó, chỉ số SXCN lũy kế 8 tháng đầu năm tăng 2,2% so với cùng kỳ - giảm nhẹ so với mức tăng 2,6% của lũy kế 7 tháng, đồng thời cũng thấp hơn nhiều mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.

Ngành công nghiệp chế biến – chế tạo (động lực chính của sản xuất công nghiệp) chỉ tăng 3,7% so với đầu năm (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,6%).

Điểm đáng chú ý là số lao động đang làm việc trong lĩnh vực công nghiệp tại thời điểm 01/8/2020 giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 1,7%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 3,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,8%.

BVSC cho rằng hoạt động kinh doanh khó khăn đã và đang khiến cho việc làm tại tại khu vực sản xuất công nghiệp sụt giảm, qua đó sẽ gia tăng sức ép lên phía cầu tiêu thụ trong thời gian tới.

Về phía cầu, nhu cầu tiêu dùng trong nước trong tháng 8 đã bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh bùng phát trở lại tại một số địa phương. Bằng chứng là doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng 8 đã giảm 2,6% so với tháng 7. Đây cũng là tháng đầu tiên doanh số bán lẻ giảm trở lại sau 3 tháng hồi phục liên tiếp trước đó.

Với kết quả này, doanh số bán lẻ lũy kế 8 tháng giảm nhẹ 0,02% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá thì mức giảm lên đến 4,5% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,5%).

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), diễn biến trên cho thấy sự khó khăn về phía cầu là khá rõ ràng nhưng là điều có thể lý giải được khi cả việc làm và thu nhập của người lao động đều đang sụt giảm do tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Trong một diễn biến liên quan, báo cáo của IHS Markit cũng cho thấy, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 8 đạt 45,7 điểm, giảm 1,9 điểm so với mức 47,6 điểm của tháng 7.

Chỉ số dưới mức 50 điểm cho thấy sức khỏe lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm trong tháng 8.

Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh do virus corona 2019 (COVID-19) đã làm suy giảm các điều kiện kinh doanh của lĩnh vực sản xuất Việt Nam trong tháng 8. Số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đều giảm do sức cầu yếu. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng trưởng âm khiến tỷ lệ sử dụng lao động bị thu hẹp.

Kết quả PMI tháng 8 cho thấy những tác động của dịch Covid-19 tới kinh tế Việt Nam kéo dài hơn so với kỳ vọng, khiến hoạt động sản xuất gặp nhiều thách thức, như sức cầu giảm khiến sản lượng hàng hóa bán ra cũng giảm. Đặc biệt, tỷ lệ mất việc cao thứ hai trong hơn 9 năm kể từ khi chỉ số này được thực hiện ở Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu so sánh với tháng 4 - thời điểm đỉnh dịch Covid-19 diễn ra và Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội thì kết quả PMI tháng 8 được IHS Markit cho rằng vẫn còn nhiều điểm sáng.

Theo đó, nhà sản xuất tin rằng tỷ lệ sản lượng và đơn đặt hàng mới sẽ được cải thiện trong năm tới khi dịch Covid-19 sớm được kiểm soát.

Mai Chi

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *