Thời sự 12/11/2013 14:01

Sở hữu chéo giữa các TCTD: Chỉ lo khi bị lạm dụng

“SHC bản thân nó không phải là một tội lỗi. Song SHC dễ bị lạm dụng bởi nó tạo cơ hội để cổ đông chi phối định chế tài chính và sử dụng định chế tài chính như một công cụ để đầu tư, cấp vốn theo mục đích riêng của họ, từ đó dẫn tới những hệ quả xấu” – TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhìn nhận.

Sở hữu chéo có tăng?

 

Gần đây, có quan điểm cho rằng, tái cơ cấu (TCC) các TCTD yếu kém thời gian vừa qua đang làm tăng sở hữu chéo (SHC) tại các ngân hàng này và làm cho cơ cấu sở hữu phức tạp hơn so với trước khi tái cấu trúc. Nhận định này vừa đúng, vừa không hẳn đã chính xác. Bởi khi nói tới chủ đề SHC, dường như chúng ta bước vào mớ “bòng bong” mà lâu nay báo giới đã tốn bao giấy mực mà chưa gỡ được.

 


Việc hợp tác giữa các NHTM để phát huy, tận dụng lợi thế của nhau cần được khuyến khích.

 

Trong khuôn khổ gói gọn, bài viết này không có ý định tiếp tục bước vào “mớ bòng bong” đó mà chỉ muốn làm rõ mấy vấn đề trên cơ sở hai yếu tố chính mà ai cũng đã thấy rõ: Thứ nhất, SHC là vấn đề không chỉ của riêng Việt Nam và bản thân SHC nếu đúng theo quy định của pháp luật, không phải “tội đồ” để mọi người phải chỉ trích; Thứ hai, SHC chỉ nảy sinh vấn đề khi người ta cố tình lạm dụng nó để trục lợi.

 

Với quan điểm trên, thực tế là sau khi TCC - dù tự TCC hay thông qua mua bán, sáp nhập, các TCTD yếu kém có hiện tượng SHC gia tăng với các gương mặt cổ đông mới, ông chủ mới cả trong và ngoài nước. Trong đó, có người thì đang giữ chủ tịch HĐQT của một công ty này, người thì đại diện cho tập đoàn kia… Nhưng đây cũng là chuyện tất lẽ dĩ ngẫu. Bởi trên thực tế, khi muốn TCC các TCTD yếu kém chỉ có 2 con đường lựa chọn: hoặc là các TCTD phải có phương án tự TCC như TienPhong Bank; hoặc thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập.

 

Nhưng trong cả 2 cách trên, rõ ràng người ta đều phải cần đến các cổ đông mới, ông chủ mới bơm vốn vào. Hơn nữa, những cổ đông mới này cũng không thể từ trên trời rơi xuống, hay bỗng dưng có trong tay hàng ngàn tỷ đồng để dễ dãi chuyển qua kinh doanh ngân hàng mà họ cũng phải tích lũy nhiều năm mới có được.

 

Nếu họ có tiền “sạch” để bơm vốn vào TCTD - chứ không phải dùng các “trò chơi” tài chính để chi phối ngân hàng như vụ Nguyễn Đức Kiên, đồng thời chấp hành đúng các quy định của pháp luật thì tại sao việc họ tham gia vào các TCTD lại là điều không thể? Nếu không có các nhà đầu tư mới tham gia, nếu không có các TCTD mạnh khỏe nhìn thấy cơ hội và tiềm năng để mạnh dạn bỏ vốn vào một TCTD yếu kém chỉ vì lý do sợ SHC tăng thì ai sẽ là người chơi trên “thị trường” TCC?

 

Vấn đề là ngăn chặn sự lạm dụng

 

Giờ chuyển qua bàn về vấn đề thứ hai – tính dễ bị lạm dụng của SHC. Chính việc SHC dễ bị lạm dụng mới là tội đồ để khi người ta cứ nghe đến 3 từ “Sở - Hữu - Chéo” là quy cho nó đủ mọi xấu xa, tội lỗi.

 

“SHC bản thân nó không phải là một tội lỗi. Song SHC dễ bị lạm dụng bởi nó tạo cơ hội để cổ đông chi phối định chế tài chính và sử dụng định chế tài chính như một công cụ để đầu tư, cấp vốn theo mục đích riêng của họ, từ đó dẫn tới những hệ quả xấu” – TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhìn nhận.

 

Đây chính là nguồn gốc các vấn đề liên quan đến SHC mà chúng ta đã bàn nhiều, rất nhiều trong thời gian gần đây.

 

Chỉ đơn cử một vấn đề: Rất khó để có thể biết được một nhân vật A nào đó đang thực sự sở hữu bao nhiêu % cổ phần ở một ngân hàng B. Bởi trên sổ sách ở ngân hàng đó, thì nhân vật này nắm lượng cổ phần hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Nhưng không biết nếu cộng thêm giá trị cổ phiếu của vợ con, anh em, bạn bè, nhân viên hay thậm chí những mối quan hệ xa lắc lơ (nhưng thực tế vẫn là của “ông chủ” đó) thì tỷ lệ cổ phần lớn đến mức nào.

 

“Cái này thì thanh tra của NHNN không thể nắm hết, mà phải các lực lượng nghiệp vụ của ngành công an nữa thì chắc mới làm được” – một chuyên gia kinh tế nói về sự khó khăn khi SHC đã bị một số đối tượng lạm dụng.

 

Đáng quan ngại hơn là nếu các cổ đông lớn, các ông chủ nhà băng ấy cũng là những ông chủ của các DN, tập đoàn đang có nợ đầm đìa tại TCTD, chiếm gần như toàn bộ vốn trung, dài hạn của TCTD và họ liên tục đảo nợ, gia hạn nợ để các khoản nợ của họ luôn ở nhóm 1, nhóm 2. Đấy mới là vấn đề cần nói khi đề cập đến SHC. “Tôi tin là tới đây Chính phủ sẽ quyết tâm làm với một số những trường hợp lớn, từ đó cảnh báo những cổ đông đang lạm dụng SHC phải chùn tay” - một chuyên gia cho biết.

 

Nhưng, như đã đề cập ở trên, khi bắt tay vào TCC, các TCTD vẫn cần phải có những cổ đông, những ông chủ mới tham gia. Đơn cử như trường hợp của TienPhong Bank. Bắt tay vào tự TCC từ đầu năm 2012, nhờ “dám” nói thật về tình hình hiện tại của mình, đồng thời có chiến lược phát triển khả thi, TienPhong Bank đã “gọi vốn” thành công từ đối tác là Softbank (Nhật Bản) và Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI. Vốn điều lệ của TienPhong Bank từ mức 3.000 tỷ đồng trong năm 2012 đã nhanh chóng tăng lên gần gấp đôi, đạt mức 5.550 tỷ đồng.

 

Chủ tịch HĐQT TienPhong Bank Đỗ Minh Phú gần đây khẳng định, sau quá trình TCC, TienPhong Bank giờ đang bước vào giai đoạn phát triển và cất cánh.

 

Báo cáo mới đây của NHNN cũng cho biết, với 8/9 TCTD yếu kém đã được TCC thì, đến nay, tiền gửi và tài sản của nhân dân tại các ngân hàng này đều được bảo đảm an toàn, huy động vốn từ dân cư tăng khá, nợ xấu tích cực được xử lý và thu hồi, các sai phạm đang được từng bước khắc phục, tình hình hoạt động dần được cải thiện so với thời điểm bắt đầu thực hiện cơ cấu lại.

 

Từ những kinh nghiệm trong quá khứ, khi các “ông chủ” có thể thông qua muôn vàn hình thức để lạm dụng SHC thì lo ngại lúc này không phải là ngăn chặn các cổ đông mới, những ông chủ mới tham gia vào TCC các TCTD yếu kém mà là những vấn đề quan trọng hơn cần đặt ra như: Tiền họ bỏ vào có “sạch” không?; mục đích của họ tham gia vào có nhằm mục đích để biến ngân hàng thành sân sau phục vụ lợi ích cho tập đoàn, DN của họ không?; họ có tham gia vào một cách minh bạch là chỉ sở hữu tối đa theo quy định pháp luật cho phép hay còn qua các kênh khác?...

 

Và điều mà chúng ta cần tập trung ngăn chặn chính là từ những bản chất hành vi như vậy. Còn nếu sự tham gia góp mặt của các cổ đông mới, “ông chủ” mới, nhưng không làm nảy sinh các vấn đề này thì đâu có gì đáng quan ngại, thậm chí cần khuyến khích.

 

Tất nhiên cùng với quá trình đó, một vấn đề song hành luôn cần đặt ra là làm sao phát hiện kịp thời các hoạt động lạm dụng SHC; đồng thời cần xây dựng những thể chế, chế tài đủ mạnh để xử lý vấn đề này.

 

Theo Đỗ Lê
TBNH

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *