Thời sự 03/12/2013 16:13

Sẽ nới mạnh room cho ngân hàng yếu kém

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2013 sáng nay (3/12), các nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ quan ngại về nợ xấu, quản trị ngân hàng của Việt Nam và sự minh bạch của VAMC.

VAMC không nên bán tháo tài sản

Theo ông Tareq Muhmood, Nhóm Công tác ngân hàng, ba năm qua, ngành ngân hàng Việt Nam đã có đạt được nhiều kết quả tích cực như: giảm lãi suất, thanh khoản ngân hàng tốt hơn, đưa lạm phát xuống 1 con số, tỷ giá ổn định, đã sáp nhập các ngân hàng yếu kém, bắt đầu bắt tay vào xử lý nợ xấu với sự ban hành Thông tư 02/2013/TT-NHNN, thành lập VAMC…

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại cần xử lý. Cụ thể, cần phải thực hiện thật tốt nguyên tắc quản trị theo chuẩn mực quốc tế, giảm ảnh hưởng cổ đông lớn trong ngân hàng. Ngoài ra, NHNN phải nhanh chóng áp dụng Thông tư 02, làm rõ bức tranh nợ xấu để có hướng xử lý đúng.

Cũng theo kiến nghị của nhóm công tác ngân hàng, VAMC không nên vội vã xử lý tài sản được chuyển giao mà quan trọng là tăng tính minh bạch, củng cố niềm tin của thị trường và của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, NHNN cũng xem xét tăng tỷ lệ ở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ bổ sung vốn mà còn tăng cường năng lực quản trị cho hệ thống ngân hàng.

 Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng.

Sẽ nới mạnh room cho ngân hàng yếu kém

Trả lời kiến nghị của các nhà đầu tư nước ngoài, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, nâng cao chất lượng quản trị ngân hàng là một trong những giải pháp căn bản cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2014-2015.

Thời gian qua, NHNN đã ban hành nhiều văn bản để buộc các tổ chức tín dụng (TCTD) nâng cao quản lý rủi ro. Thời gian tới, NHNN tiếp tục nghiên cứu nâng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực quốc tế với từng loại hình tổ chức tín dụng.

Về xử lý nợ xấu, Chính phủ và NHNN nhận thức được tầm quan trọng xử lý nợ xấu. Do đó, thời quan qua NHNN chủ động phối hợp bộ, ngành liên quan xây dựng giải pháp và bắt tay vào xử lý nợ xấu với 5 giải pháp chính và đã có những giải pháp tích cực ban đầu.

Cụ thể, tốc độ tăng nợ xấu 9 tháng đầu năm 2013 chậm lại so với 9 tháng đầu năm 2012. Theo báo cáo của các TCTD, tỷ lệ nợ xấu 9 tháng đầu năm 2013 là 4,62%. Đặc biệt, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các TCTD vẫn trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ. Số dư dự phòng rủi ro tính tới cuối tháng 9 là 77.400 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cuối năm 2012. Tổng số nợ xấu đã dược xử lý là hơn 101.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, VAMC đã bắt tay vào mua được hơn 14.300 tỷ đồng nợ xấu, dự kiến trong năm nay sẽ mua được tối thiểu 30.000 -35.000 nợ xấu. Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh, VAMC hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà mua nợ xấu sau đó sẽ phân loại nợ, hỗ trợ khách vay xử lý nợ, xử lý bán tài sản là giải pháp cuối cùng.

Thời gian tới, VAMC cũng tính tới việc mua nợ theo giá thị trường thông qua tự định giá hoặc thuê tổ chức định giá độc lập thực hiện. NHNN cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, hòan thiện khung pháp lý để phát triển thị trường mua bán nợ của Việt Nam, giúp việc thẩm định giá theo giá thị trường của VAMC thuận lợi hơn.

Về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngân hàng nội, Phó Thống đốc cho rằng, tỷ lệ hiện nay (20%) là đã cao hơn tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư trong nước (15%). Tuy nhiên, để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng, NHNN đang trình Chính phủ Nghị định mới, cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của các ngân hàng yếu kém cao hơn tỷ lệ thông thường, áp dụng với từng trường hợp cụ thể.

Theo Thùy Liên
Đầu tư

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *