Thời sự 25/11/2013 07:15

Những trở ngại khi Ngân hàng Nhà nước mua lại vàng

Tại hội thảo “Những khuyến nghị chính sách kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ 2014-2015” mới đây, ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, NHNN đang có phương án mua lại vàng miếng từ thị trường trong nước. Như vậy, sau gần một năm độc quyền nguồn cung vàng miếng cho thị trường trong nước, lần đầu tiên NHNN tính đến chuyện mua vào.

 

Người dân mua vàng miếng tại một cửa hàng kinh doanh vàng bạc ở Hà Nội.

 


Đã đến lúc mua vào?
 

Ông Nguyễn Quang Huy khẳng định, thời điểm NHNN mua vào vàng miếng từ thị trường trong nước đã đến gần, bởi kinh tế thế giới phục hồi tốt nên khả năng FED sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ làm giá vàng giảm mạnh trong vòng 6 tháng - 1 năm tới; Nền kinh tế trong nước đang trên đà phục hồi, giúp vàng bớt hấp dẫn so các kênh đầu tư khác; Nhu cầu vàng trong nước đã giảm... “Thời điểm mua vào tùy thuộc nhiều yếu tố, nhưng chúng tôi sẵn sàng chuẩn bị mọi tình huống”, ông Nguyễn Quang Huy nói.

 
"NHNN đang làm động thái thăm dò khi tung ra thông tin sẽ mua vào vàng miếng, tôi chưa thấy khả năng NHNN sẽ triển khai phương án này trong thời điểm từ nay đến hết năm. Mặc dù quy định hiện hành cho phép NHNN được mua, bán vàng, nhưng đây là điều trái với quy luật thị trường. NHNN không thể vừa làm chức năng quản lý Nhà nước, vừa độc quyền cung, độc quyền định giá, giờ lại tham gia mua vào nữa. Nên để thị trường vàng hoạt động đúng chức năng, cơ chế thị trường, NHNN chỉ nên làm tròn nhiệm vụ quản lý Nhà nước”.
 
 TS. Kinh tế Ngô Trí Long


Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng: “Từ giờ đến cuối năm, chưa nhìn thấy thời điểm thích hợp để NHNN mua vào vàng miếng”. Nói như ông Trần Thanh Hải - Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam, việc NHNN mua vào vàng miếng chỉ nên thực hiện khi chênh lệch giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới, mà tình hình từ nay đến cuối năm chưa có tín hiệu để làm việc đó. TS. Kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, thời điểm này, chênh lệch giá vàng thế giới với trong nước đang ở mức cao, việc NHNN mua vào vàng miếng sẽ kích cầu tiêu thụ vàng, làm cho khoảng cách chênh lệch giá càng giãn rộng hơn, do đó NHNN chỉ nên thực hiện phương án mua vào khi khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới còn từ 400.000-1.000.000 đồng/lượng.


Hãy trả vàng về với thị trường
 

Ủng hộ phương án NHNN mua vàng để tăng dự trữ quốc gia, nhưng các chuyên gia kinh tế lo ngại những ảnh hưởng nếu NHNN mua vàng miếng vào để điều tiết thị trường. Bởi nếu NHNN đứng ra trực tiếp mua vàng với vai trò là người kinh doanh, sẽ gây ra tâm lý đối với thị trường, người dân, nhà đầu tư lẫn các tổ chức đoán NHNN đã hết vàng bán, trong khi đó tín dụng hiện nay không khơi thông được, NHNN thừa tiền nên mua vào. Ngoài ra, có thể xảy ra tình huống, khi NHNN mua xong, giá vàng giảm mạnh, thì nguồn nào sẽ bù lỗ cho hoạt động mua vào này khi NHNN vẫn là cơ quan quản lý Nhà nước? 
 

Về mức giá, nếu NHNN mua vào với giá thấp hơn thị trường trong nước thì không khả thi, chả ai bán cho, mà rất phi lý bởi NHNN vẫn đấu thầu giá cao, lại mua vào với giá thấp? Còn nếu NHNN mua vào với mức giá bằng hoặc cao hơn giá thị trường, thì sẽ kích cầu, góp phần đẩy chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới lên cao hơn. 
 

“Giải pháp thích hợp đối với thị trường vàng lúc này là trả lại vàng đúng cơ chế thị trường. Như đấu thầu vàng phải có sự tham gia của người mua, người bán, và NHNN chỉ có nhiệm vụ làm giá tham chiếu của ngày hôm trước cho người đặt mua và đặt bán. Từ đó tạo ra cơ chế tự do hóa, minh bạch hóa, để người dân có quyền tự do bán vàng, mua vàng cùng với các doanh nghiệp được tham gia kinh doanh vàng, tạo nguồn cung bên cạnh nguồn cung của NHNN”, ông Trần Thanh Hải đề xuất.
 
Theo Giao thông Vận tải
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *