Thời sự 07/08/2015 16:52

Những lưu ý cơ bản khi sử dụng thẻ tín dụng

Thẻ tín dụng ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam bởi hình thức thanh toán thông minh, cho phép người dùng thẻ vay tiền nóng, an toàn, nhiều ưu đãi giảm giá và các chương trình khuyến mại hấp dẫn. Tuy nhiên, khi các ngân hàng đồng loạt tung ra những gói và dịch vụ hấp dẫn khi sử dụng thẻ tín dụng như hiện nay lại khiến cho khách hàng cảm thấy khó khăn trong việc lựa chọn.

Cân nhắc và xem xét kỹ các loại phí

Thông thường khi sử dụng thẻ tín dụng, khách hàng phải trả 3 loại phí đó là phí phát hành (phí mở thẻ), phí duy trì thẻ (phí thường niên) và phí chậm nộp, ngoài ra còn có các phụ phí khác như phí rút tiền mặt, phí chuyển đổi ngoại tệ, phí cấp lại mã pin, phí thông báo thất lạc, phí cấp bản sao kê, phí xác nhận hạn mức tín dụng v.v.

Tuy nhiên, các loại phí này của các ngân hàng lại khác nhau, tùy loại thẻ và dịch vụ cung cấp. Đơn cử như trong khi có một số ngân hàng miễn phí 100% Phí phát hành (đối với tất cả các loại thẻ) như HSBC, ANZ, Vietcombank, TPBank… thì mức phí này của một số Ngân hàng có thể dao động từ 300,000 – 500,000VNĐ (đối với thẻ Platinum) như ACB, Techcombank, Sacombank. Thậm chí, theo biểu phí thẻ tín dụng của Citibank, riêng mức phí mở thẻ này đã từ 800,000 – 1,500,000 VNĐ tùy loại thẻ.

Với phí thường niên (tất cả các ngân hàng đều áp dụng) thì sự chênh lệch giữa các ngân hàng là không đáng kể, trong đó nhóm có mức phí thường niên thấp, dưới 300,000VNĐ (đối với thẻ chuẩn) có thể kể tới TPBank, Vietcombank, Sacombank. Nhóm ngân hàng này cũng đưa ra mức phí thường niên đối với hạng thẻ Vàng và Platinum khá thấp so với các nhóm ngân hàng nước ngoài như HSBC, Citibank, ANZ (từ 600,000VNĐ tới 1,300,000VNĐ).

Đối với những khách hàng thường xuyên có các giao dịch ngoại tệ cũng cần tham khảo kỹ mức phí chuyển đổi ngoại tệ để cân nhắc lựa chọn ngân hàng cho phù hợp và tiết kiệm. Mức phí áp dụng cao nhất hiện nay là thẻ tín dụng của HSBC & Citibank (4% số tiền giao dịch) trong khi mức này chỉ có 2% - 2,7% số tiền giao dịch với thẻ tín dụng của các ngân hàng trong nước… Nổi bật có TPBank chỉ áp dụng mức phí từ 1% với các giao dịch ngoại tệ thông qua việc hoàn lại phí khi giá trị các giao dịch ngoại tệ từ thẻ tín dụng được ghi nhận vào hệ thống đạt từ 10 triệu đến 50 triệu đồng. Đây là mức phí thấp nhất trên thị trường thẻ tín dụng hiện nay.

So sánh mức lãi suất

Thẻ tín dụng có đặc điểm là không phát sinh lãi suất khi tiền vẫn nằm trong tài khoản thẻ của khách hàng, lãi suất này chỉ được tính khi KH rút tiền mặt (tính ngay khi rút tiền), hoặc sau chu kỳ tối đa 45 ngày chi tiêu, mua sắm bằng thẻ miễn lãi mà khách hàng chưa thanh toán cho Ngân hàng. Việc tính lãi suất sẽ chấm dứt ngay tại thời điểm KH thanh toán toàn bộ dư nợ đã tiêu dùng qua thẻ cho ngân hàng. Nếu chỉ quẹt thẻ và trả đúng hạn thì bạn sẽ phải trả phí thường niên mà thôi. Tuy vậy, không thể tránh khỏi những trường hợp bạn không kịp thanh toán dư nợ, vì thế cũng cần cân nhắc mức lãi suất khác nhau của các ngân hàng để lựa chọn.

Lãi suất thấp hấp dẫn nhất hiện nay của thẻ tín dụng là 16% với hạng thẻ Platinum (của TPBank) và cao nhất là 31,8%/năm (của ANZ).

Khách hàng có thể so sánh mức lãi suất giữa các hạng thẻ của một số ngân hàng hiện nay theo số liệu bảng dưới đây (Xếp theo thứ tự từ thấp đến cao):

Ngân hàng/

Lãi suất (%)

Thẻ chuẩn

Thẻ vàng

Thẻ Platinum

TPBank

24,6

22

16

Sacombank

25,8

25,8

24

ACB

25,8

25,8

24,8

Citibank

25,8

27,8

30

Techcombank

30,96

30,96

24

HSBC

31,2

27,9

27,7

ANZ

31,8

31,8

28,8

Các ưu đãi đi kèm

Ngoài các lợi ích cơ bản như sự tiện dụng, linh hoạt và thể hiện được phong cách tiêu dùng hiện đại thì các ngân hàng hiện nay cũng tung ra rất nhiều các ưu đãi và chương trình khuyến mại hấp dẫn dành cho chủ thẻ tín dụng.

Một số chương trình nổi bật có thể kể tới như : Ứng tiền từ thẻ tín dụng (ứng tiền linh hoạt với mức phí thấp nhất là 2% của TPBank), Hoàn tiền cho khách hàng mở thẻ tín dụng (TPBank, HSBC, Citibank…), Hoàn tiền cho các giao dịch chi tiêu bằng thẻ tín dụng tại một số địa điểm hợp tác với các ngân hàng (“Happy weekend” của TPBank, hoàn tiền 10% cho khách hàng của HSBC, ANZ…), Ưu đãi giảm giá khi sử dụng thẻ tại các đối tác của các ngân hàng (chủ yếu là các khu vui chơi, resort, spa, golf, nhà hàng, trung tâm mua sắm, du lịch, các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm, giáo dục…). Tuy nhiên, những ưu đãi này thường diễn ra trong một thời gian ngắn, không liên tục nên khách hàng cần thường xuyên theo dõi và cập nhật các thông tin từ phía ngân hàng.

Việc sử dụng thẻ tín dụng ngày càng trở nên phổ biến tại các thành phố và đô thị lớn tại Việt Nam, đặc biệt khi nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng lớn cũng như nhu cầu cho các dịch vụ du lịch, mua sắm có xu hướng phát triển mạnh mẽ. Ngoài những yếu tố kể trên thì các bạn cũng cần tìm hiểu yếu tố dịch vụ, xử lý giao dịch và chăm sóc khách hàng có tốt, nhanh chóng và thuận tiện hay không. Hi vọng những tư vấn kể trên sẽ giúp các bạn lựa chọn được loại thẻ và ngân hàng phù hợp với nhu cầu và mục đích sử dụng của bản thân, đảm bảo tiêu chí thuận lợi, nhanh chóng và an toàn.

N.H
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *