Thời sự 21/06/2014 17:56

Nhân viên tiệm vàng Hoàng Mai: Tiền đâu mà đóng phạt?

FICA - Ông Dương Công Kiên (người của tiệm vàng Hoàng Mai, 384 đường Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thạnh) cho biết, ông rất bất ngờ với việc mình bị phạt 400 triệu đồng.

“Tôi không vi phạm”

Ông Kiên tỏ ra khá bình thản khi nói về việc mình bị xử phạt đến 400 triệu đồng vì hành vi thu mua 100 USD. Ông Kiên cho biết, ngày 5/6, UBND TPHCM đã ra quyết định số 327/QĐ-XPHC-TM, do Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng ký, phạt ông Kiên 400 triệu đồng vì có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng.

 
Cụ thể, Kiên đã có hành vi thu mua 100 USD. Hành vi hoạt động ngoại hối này tại tiệm vàng Hoàng Mai không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép.
 

Ngay khi bất ngờ nhận quyết định xử phạt này, ông Kiên có đơn khiếu nại và được Văn phòng tiếp công dân – UBND TPHCM tiếp nhận.

Tiệm vàng Hoàng Mai lúc lực lượng chức năng bất ngờ ập vào kiểm tra
Tiệm vàng Hoàng Mai lúc lực lượng chức năng bất ngờ ập vào kiểm tra

Trao đổi với PV Dân trí, ông Kiên cho biết, quyết định xử phạt của UBND TPHCM đối với ông là không đúng. Không đúng ở việc căn cứ vào biên bản xử phạt không phù hợp, tờ 100 USD không phải là tang vật vi phạm, ông Kiên cũng không phải là nhân viên tiệm vàng mà là người coi nhà giùm cho bà chủ tiệm vàng Hoàng Mai…  

Về số tiền phạt “khủng” 400 triệu đồng, ông Kiên cho rằng, Quyết định 372/QĐ-XPHC-TM áp dụng không đúng luật. Căn cứ pháp lý áp dụng để quyết định xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp của ông Kiên là điểm a, khoản 5, Điều 18 Nghị định 202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004 được sửa đổi, bổ sung tại điểm 1, điều 1 Nghị định 95/2011/NĐ-CP ngày 20/10/2011 của Chính phủ thì chỉ được áp dụng đối với các cơ sở kinh doanh không được cấp giấy phép.

Ông Kiên cho rằng, trong trường hợp này, hành vi hành chính cá nhân của ông nếu có thì phải áp dụng quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 18 Nghị định 202/2004/NĐ-CP, bổ sung, sửa đổi tại điểm 1, điều 1, Nghị định 95/2011/NĐ-CP. Theo đó, với hành vi cá nhân: “Mua bán, thanh toán ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật” sẽ bị phạt từ 50-100 triệu đồng.

Ông Kiên cũng thắc mắc rằng, quyết định 372 là quyết định hành chính nên phải công khai, không hiểu sao trên văn bản lại đống dấu “Tối mật”. Hơn nữa, quyết định ban hành quá thời hạn ra quyết định.

Vì những lý do “bất nhất” nêu trên, ông Kiên đã khiếu nại Quyết định số 372/QĐ-XPHC-TM với yêu cầu thu hồi, hủy bỏ. Ông Kiên cũng đề nghị Chủ tịch UBND TPHCM tạm hoãn thi hành quyết định số 372/QĐ-XPHC-TM bởi lẽ ông không có bất kỳ tài sản hay thu nhập gì để thực hiện Quyết định vì mình chỉ là người ở nhờ nhà chủ tiệm vàng Hoàng Mai.

Mức phạt 400 triệu đồng: Chưa phù hợp

Vụ khám xét tiệm vàng Hoàng Mai vốn đã gây nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận. Vì vậy, với việc thu mua 100 USD nhưng bị phạt đến 400 triệu đồng khiến tiệm vàng Hoàng Mai lại lần nữa gây sự tò mò, chú ý.

Về mức phạt “khủng” đối với một nhân viên kim hoàn này, luật sư Nguyễn Kiều Hưng – Giám đốc hang luật Giải Phóng (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng, mức phạt chưa phù hợp.

Theo luật sư Hưng, khoản 1, Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản”, nhưng không có quy định cụ thể thuật ngữ “kịp thời” được hiểu như thế nào? Tuy nhiên, theo nghĩa thông thường, trong trường hợp này, “kịp thời” phải được hiểu là ngay khi xảy ra hành vi vi phạm hành chính.

Đây là vụ việc được dư luận quan tâm và có nhiều tình tiết phức tạp, nên theo quy định của Luật Xử lý VPHC, người có thẩm quyền xử phạt VPHC có trách nhiệm xác minh: “Có hay không có vi phạm hành chính; Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm hành chính; Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; Tính chất, mức độ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra …”. Còn vấn đề “giải trình” là quyền của người vi phạm, có thể giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt. Nội dụng Quyết định xử phạt VPHC phải có nội dung: “Biên bản vi phạm hành chính, kết quả xác minh, văn bản giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc biên bản họp giải trình và tài liệu khác (nếu có)” .

“Như vậy, kết quả xác minh rất cần thiết để làm căn cứ ra quyết định hành chính. Nếu có căn cứ chứng minh cá nhân có hành vi vi phạm hành chính về việc mua bán ngoại tệ không đúng pháp luật, thì người có thẩm quyền phải căn cứ điều 1 nghị định 95/2011/NĐ-CP ngày 20/10/2011 sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 5, khoản 7 Điều 18 Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004 phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi mua, bán, thanh toán ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt 400 triệu đồng mà UBND TPHCM phạt cá nhân vi phạm trong trường hợp này là chưa phù hợp”, luật sư Nguyễn Kiều Hưng nói.

Công Quang
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *