Thời sự 16/01/2014 09:09

Ngân hàng sẽ bị tòa án tuyên bố phá sản?

FICA - Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng, Toà án có thẩm quyền ra quyết định tuyên bố phá sản đối với tổ chức tín dụng.

Ngày 15/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự thảo luật Phá sản (sửa đổi). Dự thảo luật Phá sản lần này dành hẳn một chương quy định về thủ tục phá sản của các tổ chức tín dụng. Đây được xem là một nội dung mới nhất của dự án Luật này.

Theo dự án Luật, tổ chức tín dụng có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán. Trong trường hợp này mà tổ chức tín dụng không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng đó.

Đặc biệt, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng, Toà án có thẩm quyền ra quyết định tuyên bố phá sản đối với tổ chức tín dụng.

Cùng với đó, Tòa án chỉ thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng khi đã có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng.

Về điều khoản hoàn trả khoản vay đặc biệt khi tổ chức tín dụng bị đóng cửa, dự thảo quy định: Tổ chức tín dụng được vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, nhưng vẫn không phục hồi được mà bị tuyên bố phá sản thì phải hoàn trả khoản vay đặc biệt này cho Nhà nước, tổ chức tín dụng khác trước khi thực hiện việc phân chia tài sản theo quy định tại Điều 48 của Luật này.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản, người có tài sản ủy thác cho tổ chức tín dụng, gửi tổ chức tín dụng giữ hộ, giao tổ chức tín dụng quản lý thông qua hợp đồng ủy thác, giữ hộ, quản lý tài sản phải xuất trình giấy tờ chứng minh quyền sở hữu và các hồ sơ giấy tờ liên quan với Chấp hành viên để nhận lại tài sản của mình. Trong trường hợp có tranh chấp thì yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Góp ý cho dự thảo, có ý kiến cho rằng, cần quy định riêng thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng vì việc phá sản đối với tổ chức tín dụng có tính đặc thù, liên quan đến người gửi tiền, có thể dẫn đến phản ứng dây chuyền, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc dân.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung một số nội dung theo hướng quy định về quyền, nghĩa vụ nộp đơn, thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; hoàn trả khoản vay đặc biệt; xử lý tài sản ủy thác; các giao dịch trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt liên quan đến phá sản tổ chức tín dụng và tách thành một chương riêng (Chương VIII) trong dự thảo Luật.

Theo đó, Tòa án chỉ thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với các tổ chức tín dụng sau khi có kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ phá sản tổ chức tín dụng.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *